Điểm tựa thực hiện bình đẳng giới

14/11/2017
(VBSP News) Nghèo đói, thiếu việc làm... tác động tiêu cực tới toàn xã hội, mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em; làm chậm sự bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Từ nhận thức này, Hội Phụ nữ huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã gắn kết hoạt động của Hội với tín dụng chính sách, coi đây là điểm tựa để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, hỗ trợ chị em thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.

Gia đình chị Dương Thị Liên thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách

Gia đình chị Dương Thị Liên thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách

Đòn bẩy giúp phụ nữ thoát nghèo

Chị Hoàng Thị Ngân - hội viên phụ nữ xã Nam Trạch được xem là tấm gương về thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Trước đây, dù cần cù chăm chỉ bao nhiêu, cuộc sống của chị Ngân và gia đình vẫn luôn túng thiếu. Cuộc đời chị chỉ bước sang trang mới khi năm 2013, chồng chị là anh Nguyễn Mạnh Cường đi xuất khẩu lao động tại Malaysia bằng sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng của NHCSXH. Sau 5 năm, anh chị dành dụm được trên 400 triệu đồng, và từ chỗ là hộ cận nghèo, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo bền vững với căn nhà mới khang trang hơm 100m2 vừa hoàn tất.

Trải qua những tháng ngày cơ cực nhất, hơn ai hết, chị Ngân thấm thía nỗi khổ vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện để đầu tư. Chính vì vậy, từ kinh nghiệm của bản thân chị đã động viên các gia đình đủ điều kiện, mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hay để đi xuất khẩu lao động như gia đình chị từ việc tham gia các chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH. “Nếu không có nguồn vốn cho vay ưu đãi thì gia đình tôi không có ngày hôm nay!”, chị Ngân tâm sự.

Cũng từ hai bàn tay trắng, năm 2015, gia đình chị Dương Thị Liên ở thôn Cà, xã Hòa Trạch bắt đầu khởi nghiệp với 40 triệu đồng vốn vay từ NHCSXH. Có vốn, cả gia đình lập tức tận dụng diện tích đất trồng lúa ở vùng chiêm trũng khó canh tác để phát triển mô hình trang trại VAC tổng hợp. Đến nay, ngoài nuôi lợn nái giống, mỗi năm gia đình chị còn xuất bán được khoảng 9 tấn lợn thịt; trâu, bò, gà đẻ trứng; ngoài ra, tận dụng nguồn thức ăn từ chăn nuôi để nuôi thả cá tại 3 hồ cá rô phi, trắm, mè, gáy… hiện, gia đình chị Liên đã thoát nghèo và là hộ có thu nhập cao trong xã.

Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bố Trạch, Trần Thị Thuận cho biết, trường hợp của chị Ngân hay chị Liên chỉ là hai trong số rất nhiều chị em nghèo đã vươn lên nhờ vốn vay ưu đãi. “Chúng tôi nhận thấy nguồn vốn ưu đãi là kênh giảm nghèo hiệu quả cho các hội viên nên Hội đã nhận ủy thác ở cả 30/30 xã, thị trấn; thành lập được 174 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện, hội quản lý hơn 185 tỷ đồng, với 14 chương trình cho vay, chiếm tỷ lệ hơn 43% tổng nguồn vốn NHCSXH trên toàn huyện, với 21.245 lượt hộ nghèo được vay vốn. Nguồn vốn còn là đòn bẩy kích thích chị em tham gia hoạt động Hội sôi nổi hơn”, bà Thuận nói.

Đồng vốn sinh sôi

Trên thực tế, sự phối hợp ủy thác giữa NHCSXH và Hội LHPN Việt Nam luôn được đánh giá cao. Qua đó, đã phát huy lợi thế, sức mạnh của từng cơ quan, giúp phụ nữ nghèo được tiếp cận với vốn ưu đãi của Nhà nước thuận tiện, giảm tình trạng cho vay nặng lãi và bảo toàn nguồn vốn. Điều này được thể hiện rõ qua đời sống đang khởi sắc từng ngày của chị em hội viên và trường hợp của chị Hoàng Thị Ngân hay Dương Thị Liên là một ví dụ.

Chị em phụ nữ huyện Bố Trạch gửi tiền tiết kiệm ngay tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH

Chị em phụ nữ huyện Bố Trạch gửi tiền tiết kiệm ngay tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH

Trưởng phòng Giảm nghèo, Ban Kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam, Bùi Lan Anh chia sẻ, đạt được kết quả trên là nhờ hai bên, đặc biệt là các cấp Hội đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra giám sát; tổ chức đối chiếu đến từng hộ vay, kết hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay có hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chương trình dự án tạo thêm việc làm tăng thu nhập giúp hộ vay giảm nghèo.

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bố Trạch, Trần Thị Thuận, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế mà còn tính đến hiệu quả xã hội, vì nghèo đói, thiếu việc làm tác động mạnh mẽ đến mỗi gia đình, mà người chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em, điều này ảnh hưởng lớn đến sự bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Với nhận thức như vậy, Hội Phụ nữ huyện Bố Trạch đã gắn kết hoạt động của hội với tín dụng chính sách, coi đây là điểm tựa để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ thực hiện quyền bình đẳng cho chị em. Đồng thời, hỗ trợ chị em thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.

Chính vì vậy, không chỉ dư nợ cao mà chất lượng tín dụng của Hội Phụ nữ huyện Bố Trạch cũng khá tốt khi nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,06% trên tổng dư nợ. Có được kết quả này là do Hội Phụ nữ huyện không chỉ quản lý nguồn vốn chặt chẽ mà còn sát sao, chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Phòng Kinh tế - Kế hoạch huyện, Trung tâm Dạy nghề… để tập huấn cho các hội viên vay vốn giúp họ mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đơn cử như tại xã Đại Trạch, Hội quản lý 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 419 thành viên, tổng dư nợ là 7,5 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Ngoài ra, 100% số hộ còn tham gia gửi tiền tiết kiệm tại tổ.

Bài và ảnh Nguyễn Tuấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác