Viết tiếp huyền thoại Tơ Tung

01/11/2017
(VBSP News) Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang (Gia Lai) trở thành huyền thoại gắn liền với người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên - Anh hùng Núp. Nay, trong công cuộc kiến tạo quê hương, đồng bào các dân tộc nơi đây đang cùng các cấp chính quyền viết tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng quê hương giàu mạnh hơn.

Vốn tín dụng chính sách góp phần nâng cao chất lượng đời sống của bà con xã Tơ Tung

Vốn tín dụng chính sách góp phần nâng cao chất lượng đời sống của bà con xã Tơ Tung

Bất khuất Stơr

Từ phố núi Pleiku, xuôi theo Quốc lộ 19 chừng 70km, rồi chạy dọc đường Trường Sơn Đông gần 10km, tôi và các cán bộ của NHCSXH tỉnh Gia Lai đã có mặt tại làng Stơr. Quả đúng là huyền thoại! Ngôi làng - dù hơn 9 lần bị giặc Pháp càn quét, đốt phá; và 9 lần chỉ với nỏ, bẫy chông, bẫy đá nhưng dân làng Stơr, dưới sự chỉ đạo của Đội trưởng du kích Đinh Núp vẫn kiên cường bám trụ, tiêu diệt nhiều lính Pháp, bẻ gãy “xương sống” chiến dịch bành trướng thế lực ở Tây Nguyên của địch. Tinh thần bất khuất ấy được tiếp nối, phát huy qua các thế hệ và làm nên một Stơr khởi sắc như hôm nay.

Nhớ lại những ngày theo Anh hùng Núp vót chông đánh giặc, già làng Đinh Dom, nguyên Xã đội trưởng xã Tơ Tung, người đã đi qua ngót 80 mùa rẫy kể rằng, Stơr còn có tên gọi là làng Kông Hoa. Thời đó, dân làng đói khổ lắm, ăn củ mì, đốt cỏ tranh thay muối để ăn với lá rừng. Căm thù giặc, lũ làng ai cũng theo anh Núp đánh Pháp, không ngại gian khổ. Trong kháng chiến, vùng đất này là cái nôi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bất kể ngày đêm, nắng mưa, đội du kích của anh Núp đi khắp các làng đồng bào dân tộc thiểu số vận động giúp đỡ cách mạng, tổ chức đánh giặc. “Ngày đó, cán bộ Việt Minh được anh Núp chỉ cách hóa trang là đồng bào Bana nên địch không hề biết. Chính nhà văn Nguyên Ngọc cũng được anh hùng Núp nuôi dấu trong nhà, trang bị cả khố, cải trang để hoạt động bí mật… Và ngôi làng này, hơn 2.000 đồng bào thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã đọc lời thề một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu chống lại kẻ thù đến cùng”, Già làng Đinh Dom nhớ lại.

Có lẽ, đây là một trong những lý do ra đời của tiểu thuyết Đất nước đứng lên - tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn Nguyên Ngọc. Một tác phẩm mang đậm chất sử thi hào hùng, kiên trung của các dân tộc Tây Nguyên trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đúc kết thành biểu tượng Kông Hoa kiêu hãnh trong lòng các thế hệ người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai…

Ngày mới ở làng cách mạng

Kiên cường, anh dũng trong kháng chiến, trong thời bình, người dân làng Stơr cũng đoàn kết một lòng xây dựng quê hương trở thành điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến Stơr, chúng tôi cảm nhận khí thế và khát vọng đổi mới đang hừng hực cháy trong ánh mắt của những chàng trai, cô gái Ba Na, Ê Đê. Tinh thần ấy đang lan tỏa khắp xã Tơ Tung với 100% tuyến đường liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa; trên 70% đường trục thôn, xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn. Hệ thống thủy lợi đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, gần 100% người dân được sử dụng điện. Khoa học kỹ thuật được triển khai đến tận thôn buôn để hướng dẫn các hộ dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống… Và, “thành quả ấy, có sự kiên trì đùm bọc, bền bỉ đồng hành của các cán bộ NHCSXH huyện Kbang đấy”, Già làng Đinh Dom nhấn mạnh.

Minh chứng thêm cho lời của già làng Đinh Dom, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tơ Tung Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, hiện tại riêng Hội Phụ nữ xã Tơ Tung quản lý hơn 11 tỷ đồng vốn ủy thác của NHCSXH huyện Kbang. Trong đó có 336 hộ vay thì có 315 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều chị em phụ nữ phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm bình quân/năm khoảng 200 hộ nghèo, cận nghèo.

Lúc nhàn rỗi, chị em trong làng Stơr cùng nhau dệt thổ cẩm, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na, Ê Đê

Lúc nhàn rỗi, chị em trong làng Stơr cùng nhau dệt thổ cẩm, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na, Ê Đê

Quả đúng như lời Chủ tịch Hội phụ nữ Tơ Tung và già làng Đinh Dom nói, Tơ Tung đã khác xưa hoàn toàn. Các chương trình đầu tư lớn của Chính phủ như Chương trình 135 đã tạo bước đột phá, bền vững trong quá trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Hiện nay, ngoài 3.500ha lúa, Tơ Tung còn có 95,5ha mì, 227ha đậu cao sản, gần 2.200ha mía, đàn gia súc lên đến gần 6.000 con.

Chỉ tay về cánh đồng ngút ngàn màu xanh của mía, ngô, Giám đốc NHCSXH huyện Kbang, Đinh Thị Thu Hiền tự hào: “Những cánh đồng này đang từng ngày mang lại no ấm cho các dân tộc ở Tơ Tung, những kỹ thuật mới đã được đưa vào áp dụng nên giá trị đạt 50 triệu/ha/năm không còn là chuyện lạ lẫm ở đây nữa. Dân Tơ Tung cũng đã biết cởi bỏ tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Ai nấy đều ý thức được ý nghĩa của các chính sách ưu đãi mà Đảng, Nhà nước quan tâm dành cho đồng bào, nên họ không ngại vay và biết cách sử dụng vốn vay hiệu quả.

Hàng năm có khoảng 1.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH. Hiện, có hơn 3.400 hộ nghèo trong huyện được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ đạt trên 247 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07%. Riêng dư nợ xã Tơ Tung đạt 26 tỷ đồng.

Giám đốc Đinh Thị Thu Hiền chia sẻ thêm, “chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện ủy, UBND huyện, UBMTTQ, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp cùng với các hội, đoàn thể nhận nguồn vốn ủy thác đưa cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số một cách thiết thực hơn bằng những công việc cụ thể, như xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả và phù hợp; ưu tiên bố trí vốn phát triển, nhân rộng các mô hình; đẩy mạnh tuyên truyền để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. 

… Tạm biệt Tơ Tung, chúng tôi như thấy trước mắt mình hình ảnh cả làng Kông Hoa ngày nào rửa sạch tay cung, tay mác để lái máy cày, thoăn thoắt gặt lúa, dệt thổ cẩm… Tơ Tung đã dần hiện rõ hình hài của nông thôn mới.

Bài và ảnh Thái Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác