Giúp nông dân Lâm Đồng làm giàu
Gia đình ông Nguyễn Đình Thân là một dẫn chứng sinh động trên cao nguyên Lâm Đồng về việc thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Tiếp chúng tôi giữa nương dâu xanh mướt, ông Thân nhớ lại: “Gia đình tôi rời làng quê gió Lào nắng lửa khô hạn ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vào theo diện đi xây dựng kinh tế mới. Thuở ấy xã Đạ Rsal của huyện nghèo Đam Rông này hoang vắng lắm, đường sá bụi mù về mùa khô, lầy thụt sau mỗi trận mưa từ thượng nguồn đổ về; đã vậy, bà con dân tộc bản địa MNông, K’Ho còn lạc hậu, khổ cực. Như nhiều gia đình khác, chúng tôi đến cao nguyên Đạ Rsal với hai bàn tay trắng, vốn liếng không đáng kể, chỉ đủ mua một vạt đất gần khe núi để trồng ngô, mỳ. Cùng thời điểm chính quyền xã cung cấp đất dựng nhà tạm. Năm 2003, NHCSXH huyện Đam Rông ra đời đã giải quyết cho hơn 300 hộ gia đình là đồng bào DTTS Tây Nguyên và các hộ gia đình đi làm kinh tế mới vay vốn ưu đãi, gia đình tôi cũng được vay để trồng trọt, chăn nuôi”.
Theo lời kể của ông Thân thì từ 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi ban đầu ấy cộng với sự cần cù lao động của các thành viên trong gia đình, ông đã gây dựng được mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên diện tích 3,8ha dâu tằm, cà phê, ngô lai, mỗi năm thu nhập tới cả trăm triệu đồng. Ngoài đàn lợn nái, lợn giống, ông còn nuôi 30 con dê tăng thêm thu nhập.
Khi kinh tế gia đình khấm khá, trả hết nợ vay cho ngân hàng, ông Thân đã nhiệt tình tham gia công tác xã hội, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Trên cương vị Chủ tịch Hội Nông dân, ông Nguyễn Văn Thân không những làm tròn việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương quản lý tốt nguồn vốn chính sách của NHCSXH, mà còn trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Chính phủ về tín dụng ưu đãi, đồng thời đôn đốc các chi hội, hội viên nông dân vay vốn thực hiện tốt công tác trả nợ, lãi đúng hạn cho ngân hàng, góp phần tái tạo các nguồn vốn vay, giúp phong trào nông dân thi đua sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao, giúp nhau thoát nghèo, đua nhau làm kinh tế giỏi.
“Đồng vốn chính sách đối với nông dân vùng đặc biệt khó khăn Đa Rsal mấy năm nay được sử dụng đạt kết quả rõ rệt. Trước kia chưa có vốn thì số hộ nông dân nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Sau khi tiếp cận được nguồn vốn chính sách nay chỉ còn 38 hộ nông dân nghèo, giảm 61 hộ trong vòng 5 năm qua”, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Văn Thân cho biết.
Cũng như xã Đa Rsal, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương có hơn 80% hộ gia đình là đồng bào DTTS, nhờ sự trợ lực các chương trình 135, định cạnh định cư, nhất là nguồn vốn chính sách đã giảm tỷ lệ hộ nghèo khá nhanh, từ 28,20% năm 2011 xuống 6,2% năm 2016 và đạt chuẩn về nông thôn mới. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Thanh thì hiện cả xã dư nợ với NHCSXH hơn 26,8 tỷ đồng, riêng Hội Nông dân thực hiện uỷ thác hơn 14 tỷ đồng tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc K’Ho, Chu Ru… chủ động đầu tư trồng rau xanh, cà phê, nuôi bò.
Điển hình có ông Trần Nam Phi ở thôn Suối Thông B hiện có 2ha chuối, cứ 10 ngày thu hoạch được khoảng 3 tấn, với giá 9.000 đồng/kg, mỗi tháng, gia đình cũng có ít nhất 70 - 80 triệu đồng. Từ hộ cận nghèo, thông qua Hội Nông dân xã, ông vay vốn trồng 3 sào rau, rồi mua thêm đất chuyển sang trồng chuối từ 4 năm nay.
Ông Phi tâm sự: “Nhờ may mắn tiếp cận nguồn vốn chính sách và cố gắng làm lụng, tích lũy, dù con cái đều đang đi học, nhưng gia đình đã thoát nghèo 4 năm rồi”. Hiện, ông Phi đang là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Suối Thông B, với dư nợ 800 triệu đồng và tiết kiệm 12 triệu đồng, không có nợ quá hạn.
Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH được nông dân ở Lâm Đồng ghi nhận. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đạt trên 930 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng dư nợ NHCSXH uỷ thác cho các hội, đoàn thể trên địa bàn với gần 34 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc K’Ho, Tày, Nùng, Mạ, Chu Ru còn dư nợ.
Ðể nguồn vốn ưu đãi “chảy” về đúng đối tượng, cứ tới mỗi dịp ngân hàng giải ngân, Hội Nông dân đều thông báo với Ban giảm nghèo của xã phê duyệt và thực hiện phân bổ vốn về các thôn. Hội Nông dân các cấp rất quan tâm đến công tác kiểm tra giám sát định kỳ, đột xuất suốt cả quá trình sử dụng vốn của hộ vay, đôn đốc Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện hợp đồng uỷ thác đối với NHCSXH. Nhờ vậy, mọi hoạt động điều hành quản lý vốn vay uỷ thác của Hội Nông dân các cấp được thực hiện đồng bộ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các thiếu sót hạn chế và giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống mức thấp, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016 từ 12,6% xuống còn 6,67%.
Ðể công tác ủy thác đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục vấn đề còn tồn tại, yếu kém. Đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác; tập trung thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng, nợ chiếm dụng vốn; đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng đến cán bộ, hội viên, nông dân; nâng cao nhận thức của đối tượng được vay vốn.
Bài và ảnh Nguyễn Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giảm nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười
- » Thổi bùng hơi ấm nông thôn mới
- » Điểm tựa thực hiện bình đẳng giới
- » Chia sẻ yêu thương, kiến tạo tương lai
- » Tín dụng chính sách giúp 4,5 triệu lượt hộ vượt ngưỡng nghèo
- » Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ Quảng Nam, Quảng Ngãi
- » Bão tan, còn lại tình người
- » Viết tiếp huyền thoại Tơ Tung
- » Nuôi dưỡng khát vọng đổi đời từ “bút sách”
- » Ngọn hải đăng trên đảo Hòn Tre