Giảm nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười

17/11/2017
(VBSP News) “Hoạt động của NHCSXH, trong đó trọng tâm là công tác tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đều đạt hiệu quả cao đã có tác dụng thiết thực và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, đồng thời phát huy những tiềm năng lợi thế của vùng Đồng Tháp Mười như nông nghiệp, thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp”, đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp khẳng định.

Hộ nghèo nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã

Hộ nghèo nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã

Sau 15 năm hoạt động, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đến nay đạt trên 2.710 tỷ đồng, tăng 2.579 tỷ đồng so với đầu năm 2003 (gấp 20,5 lần so với đầu năm 2003). Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, huy động trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp còn nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương với trên 208 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Mô hình Điểm giao dịch xã là một trong những sáng tạo của NHCSXH đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hiện có, tiết kiệm chi phí đi lại của người nghèo. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 133 Điểm giao dịch xã/144 xã, phường, thị trấn, có trên 80% số lượng giao dịch của NHCSXH được thực hiện tại xã.

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý đặc thù của NHCSXH đã tập hợp được nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó với dân, hiểu được dân nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành mình và tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng, góp phần đưa dòng vốn không chỉ lan tỏa rộng mà còn tăng vòng quay vốn trên địa bàn.

Đến nay, tổng doanh số cho vay đạt 5.848 tỷ đồng với 628.830 lượt hộ vay vốn. Doanh số thu hồi nợ đạt 3.175 tỷ đồng để cho vay quay vòng, đáp ứng hơn 50% nhu cầu vốn vay của người dân. Như vậy, so với dư nợ khi nhận bàn giao vào đầu năm 2003 là 119 tỷ đồng với 5 chương trình cho vay đến nay dư nợ cho vay tăng gấp 23 lần, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm là 21,4%/năm, đặc biệt là những năm đầu mới thành lập tăng trưởng dư nợ cho vay rất lớn (2004 tăng 41,9% so với năm 2003).

Nợ quá hạn giảm cho thấy chất lượng sử dụng vốn tăng lên cũng như ý thức sử dụng vốn của người dân cũng đã thay đổi. Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Tháp, Lại Văn Bé Chín cho biết, nợ quá hạn hiện chỉ chiếm tỷ lệ 0,35% tổng dư nợ.

Tín dụng chính sách 15 năm qua đã góp phần thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 120.849 lao động, 73.117 hộ thoát nghèo, 104.598 HSSV được vay vốn, 219.463 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo và xây mới; 33.953 căn nhà được xây dựng theo chương trình nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ vùng ĐBSCL; 10.693 căn nhà xây dựng theo chương trình nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167.

Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tỉnh Đồng Tháp, các hộ vay thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất

Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tỉnh Đồng Tháp, các hộ vay thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất

Theo Giám đốc Lại Văn Bé Chín, đạt được những kết quả trên là do NHCSXH đã luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đồng thời tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã triển khai tích cực Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và nỗ lực đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống, tạo bước đột phá về nhận thức cũng như việc vào cuộc sâu sát hơn của cán bộ lãnh đạo, đảng viên và nhân dân đối với công tác tín dụng chính sách, góp phần phát huy tiềm năng lợi thế của vùng đất Đồng Tháp Mười, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Nhờ vậy, NHCSXH được tăng cường năng lực hoạt động, nhân dân được hưởng lợi, có thêm cơ hội phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đơn cử về xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười đã có 698 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận trên 20 tỷ đồng vốn chính sách phát triển các mô hình thâm canh đồng lúa, đầm sen, nuôi cá hầm, cá bè, vay vốn đi XKLĐ tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhiều gia đình sử dụng vốn chính sách làm ăn khá giả, thu nhập cao như chị Dương Thị Đang ngụ ấp Kênh Hội đã sử dụng 45 triệu đồng vốn vay từ chương trình hộ nghèo xây dựng mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá. Từ tiền bán cá đồng, hoa, hạt sen chị Đang trả đủ nợ, lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng, thoát hết nghèo và còn dư dật tiền nong đầu tư mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi.

Cũng như chị Đang, ông Võ Phước Long ấp 6A đã dùng toàn bộ số tiền vay của NHCSXH huyện Tháp Mười đầu tư thâm canh 2 mẫu lúa nếp giống Dạ Hương và mạnh dạn cho 2 người con trai học nghề cơ khí sang Nhật Bản làm việc từ năm 2015. Đồng ruộng được mùa, được giá, con cái chăm chỉ lao động, dành dụm tiền gửi về nước, đến nay gia đình ông đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo và còn tích cực gửi tiết kiệm tới 56 triệu đồng ngay tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH.

Thực tế cho thấy, xã Trường Xuân nói riêng và các làng quê ở tỉnh Đồng Tháp nói chung từ khi có tín dụng chính sách đã làm thay đổi hẳn diện mạo. Người dân được vay vốn thuận lợi, kịp thời, được tiếp thu cách thức làm ăn mới, tiên tiến đã thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, tạo thêm việc làm, thu nhập ngay trên mảnh đất quê hương.

“Thành tựu trên con đường phát triển kinh tế - xã hội đó là niềm tự hào chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, trong đó có sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của NHCSXH. Tỉnh Đồng Tháp sẽ làm tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, tạo điều kiện giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn nhanh hơn, nhiều hơn để góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định.

Bài và ảnh Khánh Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác