“Luỹ thép” Vĩnh Linh giảm nghèo bền vững từ tín dụng chính sách

14/11/2017
(VBSP News) Vĩnh Linh (Quảng Trị) - mảnh đất “Luỹ thép” kiên cường bất khuất trong thời chiến, là địa phương đầu tiên vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Bước ra khỏi cuộc chiến, bằng sự cần cù và sáng tạo, nhân dân Vĩnh Linh đã xây dựng quê hương từ vùng đất bom đạn thành một “Luỹ hoa” tươi đẹp, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, an ninh, quốc phòng luôn được giữ vững. Đồng hành trên chặng đường đó, hoạt động tín dụng chính sách luôn là điểm tựa giúp người nghèo Vĩnh Linh có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Vốn vay ưu đãi đã giúp người nghèo ở Vĩnh Linh có cuộc sống ổn định

Vốn vay ưu đãi đã giúp người nghèo ở Vĩnh Linh có cuộc sống ổn định

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, Trần Hữu Hùng cho biết, “Vào thời điểm năm 2011,  tỷ lệ người nghèo thiếu vốn sản xuất ở tất cả 195 làng, bản trong huyện, đặc biệt có 3 xã miền núi biên giới có đông đồng bào Vân Kiều là Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Ô có đến 77% hộ nghèo. Trước thực trạng đó, bên cạnh việc thực hiện những mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra, Vĩnh Linh chú trọng 3 vấn đề phát triển kinh tế của huyện là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.

Theo đó, các cơ quan trên địa bàn và NHCSXH huyện Vĩnh Linh đã bám sát mục tiêu, nội dung Nghị quyết đề ra. Cụ thể hóa những hành động như tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước giúp nhiều làng, bản thoát nghèo góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đó giúp chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo năng động, mạnh dạn sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới.

Trong nhiều năm qua, việc đầu tư vốn chính sách cho chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất “Luỹ thép” Anh hùng Vĩnh Linh đã đạt những kết quả, chuyển biến rõ rệt. Từ đầu năm 2017 đến nay NHCSXH đã tận dụng nguồn vốn được giao, tổ chức phân bổ và giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, tập trung chủ yếu vào các chương trình: Hộ mới thoát nghèo (tăng 25 tỷ đồng), hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn (tăng 14 tỷ đồng), đặc biệt ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ, tạo việc làm cho ngư dân các xã vùng biển là Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, Vĩnh Thanh, thị trấn Cửa Tùng trên 12 tỷ đồng để chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống.

Với mạng lưới 278 Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng 22 Điểm giao dịch xã/22 xã, thị trấn trải khắp toàn địa bàn, NHCSXH huyện Vĩnh Linh đã tổ chức tốt hoạt động giao dịch, qua đó giúp bà con có vốn kịp thời để làm ăn, tăng gia sản xuất. Hiện Vĩnh Linh có mức dư nợ lớn thứ 2 của tỉnh Quảng Trị với 338 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,03% tổng dư nợ; toàn huyện có 15/22 xã, thị trấn không có nợ quá hạn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 15 năm qua đã giúp trên 7.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn để SXKD, thâm canh vườn cây công nghiệp cao su, hồ tiêu… xây dựng nhà phòng chống lụt bão, chung tay góp sức đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 7/13 xã, chiếm 36,85%.

Điển hình có vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Mỹ Duyệt, xã Vĩnh Tú với 32 triệu đồng vay hộ nghèo cộng thêm số tiền của bố mẹ cho, anh Cường tận dụng 2 mẫu ruộng trũng, thầu thêm đất hoang hóa, tiến hành quy hoạch cải tạo thành vườn cà phê, trồng rừng keo, tràm. Nhờ chăm sóc cây trồng theo đúng kỹ thuật, công việc sản xuất thuận lợi. Cuối năm 2014, anh Cường hoàn trả hết nợ vay để đến đầu năm 2017 được vay tiếp 50 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo, tiếp tục mở rộng vườn hồ tiêu lên 1ha và nuôi thêm con 04 bò.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú, Tô Ngọc Thành, khẳng định: “Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà vùng đất nghèo đầy vết sẹo trong chiến tranh đã nhanh chóng được khôi phục, phát triển và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy xã Vĩnh Tú và NHCSXH huyện luôn phối hợp, động viên hướng dẫn bà con nghèo vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi thực hiện tốt chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế”.

Với những xã đặc biệt khó khăn, NHCSXH đã ưu tiên dành nhiều nguồn vốn đầu tư cho bà con, cụ thể trong tổng số 78 tỷ đồng đầu tư cho 11 bản vùng đồng bào Vân Kiều ở 3 xã vùng cao biên giới thì vốn ưu đãi do NHCSXH thực hiện chiếm 69%. Nhờ đó, hoạt động sản xuất nơi đây từng bước phát triển, chuyển từ phương thức làm ăn tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, thu nhập theo đầu người năm 2016 so với năm 2012 ở các xã Vĩnh Ô tăng 2,45 lần, Vĩnh Hà 1,9 lần, Vĩnh Khê tăng 2,2 lần; tỷ lệ hộ nghèo các xã trên cũng giảm bình quân 21,8%. Nhiều gia đình Vân Kiều còn được vay vốn ưu đãi dành cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đã khai hoang phục hóa trồng lúa nước, bắp lai, chăn nuôi bò sinh sản. Một trong số hộ thoát được nghèo, đơn cử gia đình chị Hồ Thị Hoài ở xã Vĩnh Ô, sử dụng 68 triệu đồng đầu tư mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi với 1ha cây cao su tiểu điền, đàn bò thịt 5 con. Từ sự năng động sản xuất cùng đồng vốn ưu đãi góp hỗ trợ gia đình chị Hồ Thị Hoài trở lên khá giả, mua sắm thêm đồ dùng sinh hoạt, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh tăng cường chỉ đạo quyết liệt, các ngành các đơn vị vào cuộc sâu sát hơn, trong đó NHCSXH sẽ bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xuân Dư thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác