Người nhân lên giá trị đồng vốn ưu đãi
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Ông Hưng kể: “Tôi sinh năm 1964, năm 1972 - tuổi 18, tôi lên đường nhập ngũ. Sau mấy tháng vượt Trường Sơn dốc đá tai mèo, đơn vị vào thẳng miền đông Nam Bộ, “nếm mật, nằm gai” chiến đấu với quân thù. Năm 1976 - sau khi nước nhà thống nhất, tôi được xuất ngũ. Gia tài gồm một chiêc ba lô, mấy bộ đồ lính và giấy chứng nhận thương binh loại ¾”.
Không nghề nghiệp, không bằng cấp trở về quê nghèo với hai bàn tay trắng. Tưởng rằng lấy vợ, nương tựa vào nhau cuộc sống bớt khổ, nhưng ngược lại ngày một khốn khó. Vào những năm 80 thế kỷ trước, quê tôi từng đoàn người kéo nhau vào Nam - đi tìm vùng “đất hứa”, với hy vọng thoát nghèo. Vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng, đi mãi, tìm mãi vẫn không thấy vùng “đất hứa”. Chuyện làm ăn nơi đất khách đối với một người khỏe mạnh đã khó, huống chi tôi còn mang trên mình những vết thương từ chiến tranh. Không có vốn, vợ chồng phải đi làm thuê kiếm sống đắp đổi qua ngày.
Vỡ mộng giấc mơ đổi đời. Năm 2001 vợ chồng tôi quyết định trở về quê lập nghiệp. Sau khi đi thăm nhiều nơi, tôi làm đơn xin UBND xã nhận hơn 12ha đất hoang tại đập Cây Rễ. Ngày đó nhiều người cho tôi là “kẻ dở hơi”!
Với ý chí bộ đội cụ Hồ, tôi quyết làm cho mọi người biết. Dựng một căn lều tạm, giắt díu đàn con lên ở luôn trên đó. Không kể ngày, đêm cả nhà dốc sức khai hoang: phát quang bụi rậm, san lấp đất đá… không thể kể hết nỗi khổ. Nhưng, được bù lại “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”!
Cấy lúa, trồng khoai, sắn… giải quyết được cái ăn; nuôi thêm con bò, đàn lợn, đàn gà… tăng thêm thu nhập. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tích cóp được đồng nào lại đầu tư vào sản xuất. Bằng những kiến thức đã gom nhặt được về chăn nuôi, làm vườn rừng, trang trại… trong những năm tháng đi làm thuê ở miền Nam, từng bước tôi xây dưng mô hình kinh tế VACR.
Nhân lên giá trị vốn mồi
Khó khăn nhất là vốn. Năm 2008, thông qua Hội Nông dân tôi được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm; anh em, bè bạn cho vay thêm 20 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời được cầm trong tay một món tiền lớn, tôi khấp khởi mừng và nói với vợ con: Đây là vốn mồi, cả nhà phải góp sức đốt lên thành ngọn lửa. Có vốn, tôi tiếp tục cải tạo mặt bằng, mua con giống, cây giống: trồng 5ha keo; 4ha sắn; hàng trăm gốc cam bù; đào. Ngoài ra, nuôi hàng chục con lợn rừng, trên 1.500 con gà đồi cung cấp cho khu công nghiệp Vũng Áng. Doanh thu đạt gần 300 triệu đồng/năm.
Năm 2013, được Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho đi thăm quan mô hình chăn nuôi lợn ở huyện Hương Sơn. Ngoài vốn vay NHCSXH, tôi được địa phương giúp đỡ tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, vợ chồng tôi quyết tâm xây dựng trang trại chăn nuôi lợn liên kết với một doanh nghiệp cung cấp con giống. Theo đó, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại đạt chuẩn về diện tích, ánh sáng, nhiệt độ, vệ sinh môi trường… Công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm. Với quy mô nuôi 2.400 con/năm, sau khi trừ hết chi phí thu về gần 400 triệu đồng/năm. Hiện trang trại giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao đông, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Sau trang trại chăn nuôi lợn, năm 2014 tôi mạnh dạn xây dựng lò mổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phục vụ nhu cầu của người dân 5 xã vùng thượng. Ngoài ra, còn trồng 5 sào rau sạch (2.500m2).
Hiện nay, ở Hà Tĩnh - đặc biệt ở vùng thượng Kỳ Anh nơi “chảo lửa, túi mưa” ít có những người đi đầu trong các phong trào sản xuất, làm ăn có hiệu quả như thương binh Lê Viết Hưng. Nhìn cơ ngơi khang trang, ông Hưng nói: “Gần chục năm qua tôi không nhớ mình đã vay NHCSXH bao nhiêu tiền, bao nhiêu lần. Cứ vay xong đến hạn lại trả, lại vay tiếp. Hiện, tôi vẫn còn dư nợ NHCSXH 100 triệu đồng của chương trình tín dụng giải quyết việc làm và hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn. Xin tri ân tín dụng chính sách. Từ đồng vốn nhỏ tôi đã thổi bùng lên ngọn lửa hôm nay”.
Bài và ảnh Hồ Minh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hội Phụ nữ xã Chỉ Đạo làm tốt công tác ủy thác vốn vay chính sách
- » Tạo nguồn vốn lớn để phát triển vùng cây ăn quả trọng điểm
- » Có vốn ưu đãi, nông dân vùng Đèo Ngang hết “đang nghèo”
- » Điển hình thực hiện ủy thác vay vốn chính sách ở vùng cao Ba Bể
- » Hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt
- » Ghép lành những mảnh đời...
- » Hưng Yên có 10 nghìn lượt hộ thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Huyện Thạch Hà có trên 50 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn SXKD
- » Ở đâu có người nghèo, ở đó có NHCSXH
- » Tổng kết khóa đào tào cán bộ lãnh đạo và quy hoạch lãnh đạo chi nhánh cấp tỉnh