Mèo Vạc mùa hoa Bạc hà

14/12/2017
(VBSP News) Mùa đông về gió mùa đông bắc thổi mạnh, cái lạnh tê tái trùm lên cả vùng biên giới, cũng là lúc cây Bạc hà xanh tươi nở hoa. Cả huyện Mèo Vạc (Hà Giang) ngập tràn hoa bạc hà, báo hiệu mùa ong mật đã đến. Từ nhiều năm nay mật ong Bạc hà trở thành cơm, áo, gạo tiền cho bà con nơi đây.

Nghề nuôi ong đang mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc tại huyện Mèo Vạc

Nghề nuôi ong đang mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc tại huyện Mèo Vạc

Mèo Vạc nằm trong vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Là một trong 64 huyện nghèo của cả nước. Mèo Vạc chủ yếu đồi, núi đá, địa hình chia cắt mạnh, nguồn đất và nước phục vụ cho sản xuất vô cùng khan hiếm. Loay hoay mãi, mấy năm nay huyện đã tìm ra 3 mũi tiến công giữa vùng đất khó để từng bước xoá nghèo bền vững. Đó là: trồng cỏ, nuôi bò hàng hóa và nuôi ong lấy mật.

Theo ông Phùng Minh Thóc - Giám đốc NHCSXH huyện Mèo Vạc: Bám sát chủ trương của huyện, dư nợ tín dụng chính sách liên tục tăng qua các năm. Riêng năm 2017, đã và đang cho vay 11 chương trình, với tổng dư nợ trên 211 tỷ đồng; dư nợ chủ yếu tập trung ở các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo làm nhà ở. Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết thêm: 3 nghề trồng cỏ, nuôi bò, nuôi ong lấy mật đan xen trong từng hộ gia đình đồng bào các dân tộc, các ngành nghề hỗ trợ cho nhau phát triển. Trồng cỏ, nuôi bò hàng hóa diễn ra quanh năm, riêng nuôi ong có mùa, có vụ. Bạc hà là loại cây dại, hoa có màu tím hồng, một năm một vụ, nở vào độ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Đây cũng là mùa ong làm mật. Nuôi ong là một ngành nghề đặc biệt, phát triển kinh tế nhanh. Khác với các ngành chăn nuôi khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm cần vốn đầu tư lớn về giống, chuồng trại, thức ăn, chi phí thú y… thì ngành nuôi ong lại chỉ đầu tư ít vốn, có thể tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để làm thùng nuôi; không tốn thức ăn vì thức ăn chủ yếu của ong là mật và phấn hoa của cây Bạc hà.

Nghề nuôi ong ở Mèo Vạc có từ lâu đời, trước đây đồng bào các dân tộc nuôi lấy mật phục vụ gia đình. Từ năm 2013, khi mật ong Bạc hà được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nghề du lịch phát triển “mật ong Bạc hà không có mà bán, vì được lít nào là có thương lái đến tận bản để mua”, ông Sùng Mí Chả - Phó Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết.

Sản xuất cung không đủ cầu, được NHCSXH cho vay vốn, được tỉnh, huyện hỗ trợ lãi suất vốn vay, nuôi ong đã và đang trở thành một trong những nghề mang lại nguồn thu chính cho đồng bào các dân tộc huyện Mèo Vạc. Anh Sùng Mí Chía 30 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Há Súng, xã Pả Vi kể: Trước đây cuộc sống người dân thiếu thốn, cả năm từ cái ăn đến cái mặc dựa hết vào một vụ ngô trên nương. Một vài năm gần đây dân bản mới hết đói, có vốn để dành là nhờ nuôi ong Bạc hà. Gia đình anh năm nay được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn nuôi 25 đàn ong rừng. Tuy chưa hết mùa nhưng đã cho hơn 60 lít mật, mỗi lít bán tại nhà giá 400 nghìn đồng. Có tiền, anh sửa lại ngôi nhà dột nát và mở rộng thêm mái hiên để đổ bê tông kiên cố. “Ngày trước chưa có tiền các con nhỏ đi học lo lắm, nhưng bây giờ thì lại động viên chúng nó đến lớp đều đặn để lấy cái chữ”, anh Chía tâm sự. Bà Giàng Thị Vàng gần 60 tuổi, cách nhà anh Chía không xa, có 56 đàn ong: “Nghề  này làm ăn có tiền, mình bảo mấy đứa con vay tiền NHCSXH nuôi ong, phát triển kinh tế chúng nó đều nghe theo”.

Lợi ích kinh tế đã rõ, khai thác tiềm năng lợi thế địa phương Mèo Vạc đang quy hoạch mở rộng nghề nuôi ong, phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng 20 nghìn đàn ong; đi đôi với bảo tồn, mở rộng vùng nguyên liệu hoa Bạc hà, nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hoa, huyện đã có cơ chế hỗ trợ công thu mua giống ở các hộ dân sau đó cấp lại cho người dân trồng vào vụ sau; nếu các hộ tự mua sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Để tạo nguồn nguyên liệu tập trung, huyện khuyến khích người dân gieo trồng ở những xã trọng điểm về nuôi ong, như: Sủng Trà, Sủng Máng, thị trấn Mèo Vạc, Giàng Chu Phìn, Pải Lủng…

Không lâu nữa cứ mỗi độ đông về, du khách đến Hà Giang ngoài hoa Tam giác mạch sẽ thấy ngập tràn hoa Bạc hà, nở tím ngắt trên các sườn núi cao nguyên đá.

Bài và ảnh Hồ Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác