Tọa đàm trực tuyến tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào DTTS và thanh niên phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc

15/12/2017
(VBSP News) Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hoạt động tín dụng chính sách 15 năm qua đã giúp hàng triệu thanh niên nghèo và đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Đại diện Báo Thanh niên chúc mừng các khách mời tham gia buổi Tọa đàm trực tuyến

Đại diện Báo Thanh niên chúc mừng các khách mời tham gia buổi Tọa đàm trực tuyến

Có thể khẳng định, hệ thống Đoàn TNCS HCM cùng với các tổ chức chính trị - xã hội khác thực hiện ủy thác một số nội dung công việc trong hoạt động tín dụng chính sách đã tạo nên một mô hình quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và có hiệu quả, giúp công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đạt được nhiều thắng lợi.

Thực tiễn hoạt động ủy thác cũng chính là thực hiện những phong trào lớn mà Đoàn TN đang triển khai như “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ với phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,…

Việc vay vốn ưu đãi của Chính phủ đã góp phần giúp hộ đồng bào DTTS tính toán cách làm ăn, tiếp cận dần với cơ chế thị trường, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mặt khác, tín dụng chính sách xã hội phát triển rộng khắp đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhìn lại chặng đường tín dụng chính sách luôn sát cánh cùng thanh niên và đồng bào DTTS cũng như trao đổi, giải đáp những nội dung liên quan, NHCSXH vừa phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến “Tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào DTTS và Thanh niên phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc”.Các khách mời tham gia buổi Tọa đàm là đại diện Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn - TW Đoàn TNCS HCM (Trung tâm HTPTTNNT); Lãnh đạo các Ban Tín dụng người nghèo; HSSV&CĐTCSK và HTQT&Truyền thông của NHCSXH.

Sau đây là toàn bộ nội dung buổi Tọa đàm trực tuyến.

Bạn đọc Như Ngọc (Lâm Đồng) hỏi: Là 1 trong 4 đơn vị nhận ủy thác vốn vay của NHCSXH ngay từ ngày đầu hoạt động, đến nay, tổng dư nợ vốn ủy thác do Đoàn Thanh niên đang quản lý đạt trên 21 nghìn tỷ đồng với 845.420 ĐVTN được vay vốn. Đây là con số rất ấn tượng. Các cơ quan có thể thông tin rõ hơn về kết quả này?

Phó Giám đốc Trung tâm HTPTTNNT, Lê Ngọc Khánh: Tính đến hết tháng 10/2017, tổng dư nợ của Đoàn Thanh niên quản lý là 21.437 tỷ đồng, với trên 24.395 Tổ tiết kiệm và vay vốn; cho 845.420 hộ được vay vốn. Về tỷ lệ quản lý uỷ thác của hệ thống Đoàn trong tổng số dư nợ uỷ thác NHCSXH chiếm 12,6%.

Tất cả các tỉnh, thành Đoàn đều tăng dư nợ uỷ thác. Có nhiều tỉnh tăng dư nợ trên 50 tỷ đồng như Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Thanh Hoá và Nghệ An - tăng trưởng dư nợ cao nhất, đạt 72,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017. Đánh giá chung, Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc là khu vực tăng trưởng nhanh với bình quân gần 40 tỷ đồng/tỉnh trong khu vực.

Dư nợ uỷ thác qua hệ thống Đoàn tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo đạt 6.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28%; cho vay hộ cận nghèo đạt 3.644 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 17%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 2.829 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,2%; cho vay hộ SXKD vùng khó khăn đạt 2.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,6%; cho vay HSSV đạt 1.822 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,5%.

Đã có sự thay đổi cơ cấu các chương trình cho vay, vay hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, tuy tỷ lệ có giảm so với cuối năm 2016, tỷ lệ dư nợ chương trình tín dụng HSSV đã giảm xuống và cho vay hộ cận nghèo tăng.

Nợ quá hạn trong toàn hệ thống Đoàn hiện nay là 132 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,61%.

Phó Giám đốc Trung tâm HTPTTNNT, Lê Ngọc Khánh đang trả lời độc giả

Phó Giám đốc Trung tâm HTPTTNNT, Lê Ngọc Khánh đang trả lời độc giả

Bạn đọc Như Ý (Quảng Trị) hỏi: Đạt được những kết quả trên là do có nhiều nguyên nhân. Theo ông, vai trò chính trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đoàn là gì?

Phó Giám đốc Trung tâm HTPTTNNT, Lê Ngọc Khánh: Những kết quả đạt được theo tôi có một số giải pháp chính như sau:

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, Ban Bí thư TW Đoàn đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn và đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao (Tây Nam Bộ và Tây Nguyên).

Thứ hai, có sự phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các tỉnh, UBND các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.

Thứ ba, đôn đốc yêu cầu các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở, NHCSXH và các đoàn thể khác tổ chức khắc phục những địa phương dư nợ còn thấp, trắng Tổ tiết kiệm và vay vốn, nợ quá hạn còn cao.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm.

Thứ năm, phải kể đến là sự hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên nghèo cách làm ăn thông qua hoạt động truyền thông; xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hợp tác xã… để thanh niên có thêm việc làm, có thu nhập để trả nợ cho Nhà nước.

Cuối cùng là chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện đang trả lời bạn đọc

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện đang trả lời bạn đọc

Bạn đọc Văn Cương (Cao Bằng) hỏi: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Vậy định hướng và giải pháp của NHCSXH hướng tới đối tượng là thanh niên vay vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế thời gian tới là gì?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện: Các chương trình cho vay của NHCSXH đều thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, NHCSXH chưa có chương trình riêng để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, thanh niên khi có nhu cầu vay vốn nếu thuộc đối tượng vay vốn theo quy định thì đều được NHCSXH xem xét cho vay, cụ thể như: chương trình cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm; hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và ưu tiên đối tượng được vay vốn là thanh niên - chủ nhân tương lai của đất nước, có tri thức, sức sáng tạo, xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội. Để thanh niên tham gia vào sản xuất và sử đụng vốn vay có hiệu quả cần có sự góp sức định hướng và phối hợp giữa chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nền nông nghiệp; các thông tin liên quan đến kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm ngư, diêm nghiệp; giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của thanh niên nông thôn và một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp; kết nối giữa thanh niên với doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Bạn đọc Phương Mai (Thái Bình) hỏi: Mức cho vay tối đa hiện nay là 50 triệu đồng, tuy nhiên vẫn còn thấp so với thực tế. Ví dụ chỉ mua đủ được cặp trâu. Xin hỏi NHCSXH có chủ trương đề nghị Chính phủ nâng mức cho vay không?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện: Hàng năm, NHCSXH luôn tích cực kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cân đối nguồn vốn để cho vay phát triển SXKD đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ vay.

Năm 2014, Hội đồng quản trị NHCSXH đã quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ vay để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ SXKD nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế hiện nay thì số tiền này có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu của một số đối tượng vay vốn. NHCSXH đang tiếp tục nghiên cứu chủ trương đề nghị nâng mức cho vay, trình các cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.

Bạn đọc Như Ý (Nghệ An) hỏi: Những điển hình trong công cuộc thanh niên lập thân, lập nghiệp từ nguồn vốn ưu đãi. Vai trò của NHCSXH nhằm nhân rộng mô hình vay vốn làm kinh tế giỏi này?

Phó Giám đốc Ban HTQT&Truyền thông NHCSXH, Nguyễn Việt Hải: Hiện nay trong tổng số 6,7 triệu khách hàng đang vay tại NHCSXH thì có tới 1,4 triệu khách hàng vay vốn có độ tuổi dưới 35 tuổi, với dư nợ là 37.129 tỷ đồng (chiếm 21,8% tổng dư nợ của NHCSXH).

NHCSXH luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi về nguồn vốn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để kịp thời SXKD, cải thiện cuộc sống,…

Tôi xin dẫn chứng ở huyện vùng cao Vị Xuyên (Hà Giang), nguồn vốn ưu đãi đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác Đoàn khi thanh niên tiếp cận vốn vay. Đến nay huyện Vị Xuyên đang có hàng nghìn mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi với quy mô lớn đang cho doanh thu ổn định. Thanh niên có nhu cầu vay vốn đều được tổ chức Đoàn và NHCSXH tận tình hướng dẫn, hỗ trợ.

Phó Giám đốc Ban HTQT&Truyền thông NHCSXH, Nguyễn Việt Hải đang giao lưu với độc giả

Phó Giám đốc Ban HTQT&Truyền thông NHCSXH, Nguyễn Việt Hải đang giao lưu với độc giả

Bạn đọc Nguyễn Bình (Hà Nội) hỏi: Mặc dù lãi suất thấp, nhiều thuận lợi nhưng thanh niên vẫn khó tiếp cận được vốn vay, NHCSXH có thể nghiên cứu và xem xét nới lỏng một số quy định về tài sản thế chấp, sự bảo lãnh của gia đình và tạo điều kiện cho thanh niên vay với số tiền nhiều hơn, để mở rộng phát triển kinh tế?

Phó Giám đốc Ban HTQT&Truyền thông NHCSXH, Nguyễn Việt Hải: Các chương trình cho vay của NHCSXH hiện nay đang được thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tục và quy trình cho vay đã được NHCSXH đơn giản đến mức tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật.

Những trường hợp vay vốn SXKD với mức trên 50 triệu đồng thì vẫn phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định hiện hành của pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bạn đọc Minh Anh (Nam Định) hỏi: Quỹ quốc gia về việc làm (kênh 120) của Trung ương Đoàn chỉ tập trung cho Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh chứ không giải ngân cho các dự án trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ của thanh niên nông thôn. Vậy, NHCSXH có chính sách cho vay các dự án này không?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV&CĐTCSK NHCSXH, Đinh Mai Phong: Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, quy định: “UBND cấp tỉnh và cơ quan TW của tổ chức thực hiện chương trình được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ theo quy định tại Nghị định này”.

Vì vậy, việc sử dụng nguồn từ Quỹ quốc gia về việc làm do TW Đoàn Thanh niên quản lý để ưu tiên cho vay đối với cơ sở SXKD là thuộc thẩm quyền của TW Đoàn Thanh niên. Đối với các dự án trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ của thanh niên nông thôn, nếu TW Đoàn Thanh niên có hướng ưu tiên cho đối tượng này được vay vốn từ Quỹ do TW Đoàn Thanh niên quản lý, thì NHCSXH sẽ thực hiện cho vay.

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV&CĐTCSK NHCSXH, Đinh Mai Phong

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV&CĐTCSK NHCSXH, Đinh Mai Phong

Bạn đọc Thanh Hoa (Bình Thuận) hỏi: Thanh niên khởi nghiệp hiện nay đang tạo ra các doanh nghiệp nhỏ, thậm trí là siêu nhỏ chỉ có vài lao động. Vậy, các mô hình doanh nghiệp này có thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi tại NHCSXH không?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV&CĐTCSK NHCSXH, Đinh Mai Phong:Đối tượng vay vốn thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cở sở sản xuất, kinh doanh); Người lao động.

Do đó, theo quy định trên thì doanh nghiệp nhỏ, thậm trí là siêu nhỏ chỉ có vài lao động là thuộc đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc. Tuy nhiên, để được vay vốn thì phải đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ, gồm: Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành nghề SXKD, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; Có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Bạn đọc Minh Trang (Quảng Nam) hỏi: NHCSXH hiện nay có chính sách cho vay ưu đãi, ưu tiên cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tham gia phát triển kinh tế không? Nếu có, đề nghị xin tư vấn giúp?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV&CĐTCSK NHCSXH, Đinh Mai Phong: Theo Điểm b, Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, thì thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự được “vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.

Bạn đọc Tuấn Dương (Đắc Lắc) hỏi: Giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng ủy thác vốn vay thời gian qua như nào?

Phó Giám đốc Trung tâm HTPTTNNT, Lê Ngọc Khánh:Để nâng cao chất lượng uỷ thác vốn vay, thời gian qua TW Đoàn đã quyết liệt chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong toàn quốc như sau:

Thứ nhất, thực hiện đầy đủ 3 nội dung ủy thác đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, nâng cao nhận thức của người vay trong việc trả nợ gốc, lãi và huy động tiền gửi tiết kiệm.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chú trọng vận động hộ vay thực hiện tốt nghĩa vụ khi vay vốn.

Thứ ba, tăng cường công tác  kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác  tại các cơ sở Đoàn, kịp thời chấn chỉnh các sai sót và tháo gỡ khó khăn tại cơ sở.

Thứ tư, chỉ đạo, đôn đốc cơ sở đoàn tập trung phối hợp với NHCSXH tổ chức rà soát, đối chiếu, phân tích nợ. Qua đó đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các phương án cụ thể để giải quyết góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn.

Thứ năm, chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với NHCSXH cùng cấp và chính quyền cơ sở củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, đặc biệt tại một số tỉnh trọng điểm có tỷ lệ tổ trung bình và yếu trên 20%.

Thứ sáu, tập trung chỉ đạo các tỉnh thành đoàn có trên 100 xã trắng chủ động tham mưu cho cấp ủy, UBND cùng cấp nhận ủy thác  vốn vay từ NHCSXH (do các tổ chức chính trị - xã hội khác bàn giao hoặc tách tổ).

Thứ bảy, phối hợp với NHCSXH tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ ủy thác và công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn thanh niên các cấp, tập huấn nghiệp vụ cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Yêu cầu Đoàn cơ sở tham gia  đầy đủ các buổi giao ban với ngân hàng theo quy định.

Thứ tám, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông…

Bạn đọc Hồng Hoa (Phú Yên) hỏi: Ngoài hiệu quả kinh tế, tín dụng chính sách đã đóng góp gì cho phong trào tổ chức Đoàn?

Phó Giám đốc Trung tâm HTPTTNNT, Lê Ngọc Khánh:Thông qua hoạt động ủy thác cho vay qua tổ chức Đoàn, tín dụng chính sách có 5 đóng góp đáng kể.

Phong trào SXKD trong thanh niên phát triển; vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn được củng cố và nâng cao; cán bộ Đoàn được trang bị thêm kiến thức quản lý và kỹ năng khởi nghiệp; có nhiều mô hình tốt, nhiều thanh niên làm ăn có hiệu quả góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo; có thêm kính phí phục vụ hỗ trợ cho các hoạt động của Đoàn.

Có thể nói hoạt động này đã thiết thực góp phần giúp tổ chức Đoàn xây dựng và củng cố tổ chức, thực sự đồng hành cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp.

Bạn đọc Tuấn Kiệt (Gia Lai) hỏi: Khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là địa bàn có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn so với các khu vực khác trong cả nước. Vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc làm giảm tỷ lệ nợ quá hạn ở các khu vực này ra sao?

Phó Giám đốc Trung tâm HTPTTNNT, Lê Ngọc Khánh:Về giải pháp với những địa bàn của tỉ lệ nợ quá hạn cao, Ban Bí thư TW Đoàn chỉ đạo các nội dung cụ thể:

Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các tỉnh, thành phố và UBND các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng và Kế hoạch triển khai của Thủ tướng Chính phủ về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Ban hành các văn bản nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình liên tịch với NHCSXH.

Xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ, lựa chọn các đơn vị có thành tích xuất sắc để khen thưởng trong Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án.

Thường xuyên đôn đốc các tỉnh, thành Đoàn, đặc biệt các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên; Tây Nam Bộ trong công tác thu hồi nợ quá hạn, xóa xã “trắng” Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn đang quản lý, công tác kiểm tra các hoạt động ủy thác tại tổ và đoàn các cấp.

Thường trực chương trình (Trung tâm Hỗ trợ phát thanh niên nông thôn) trực tiếp làm việc với các Tỉnh, Thành Đoàn Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Phước, Hòa Bình, Hà Nam… về việc thực hiện chương trình liên tịch tại cơ sở, đôn đốc công tác phối hợp nâng cao chất lượng tín dụng, giảm số xã “trắng” Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn đang quản lý.

Tại Sóc Trăng lãnh đạo đơn vị đã trực tiếp kiểm tra làm việc với đoàn xã, chính quyền địa phương và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn về tình trạng nợ quá hạn tăng đột biến trong những tháng đầu năm.

Bạn đọc Anh Tuấn (Bắc Ninh) hỏi: Theo Nghị định 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975 ở các tỉnh Quảng Trị đến Cà Mau, theo Nghị định các đối tượng này sẽ được vay vốn SXKD, vậy điều kiện vay vốn, mức vay, thời hạn và phương thức cho vay như thế nào?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV&CĐTCSK NHCSXH, Đinh Mai Phong: Điều 7, Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 -1975 quy định: Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam được vay vốn tại NHCSXH để SXKD cải thiện đời sống; Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam khi làm thủ tục vay vốn phải được UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận thuộc đối tượng được vay vốn để SXKD; Mức vay, lãi suất vay, thời hạn vay vốn, phương thức cho vay và các quy định cho vay khác được áp dụng như đối với chương trình cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ; Việc xử lý nợ rủi ro vốn vay thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH.

Vì vậy, mức vay, lãi suất vay, thời hạn vay vốn, phương thức cho vay và các quy định cho vay khác đối với các đối tượng vay vốn theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ được áp dụng như đối với chương trình cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ:

+ Về điều kiện vay vốn: Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam khi làm thủ tục vay vốn phải được UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận thuộc đối tượng được vay vốn để SXKD.

+ Phương thức cho vay, thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB và Đoàn TNCS HCM và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.

+ Mức cho vay hiện nay tối đa là 50 triệu động/hộ.

+ Lãi suất vay là 0,55%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

+ Thời hạn cho vay do NHCSXH và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ SXKD và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.

Đối với vay ngắn hạn, thời hạn cho vay đến 12 tháng; đối với cho vay trung hạn thời hạn cho vay trên 12 tháng đến 60 tháng.

Bạn đọc Nguyên Thanh (Bắc Giang) hỏi: Nhu cầu thanh niên vay vốn phát triển kinh tế thực tế là rất lớn nhưng tổng số tiền giải ngân cho thanh niên vay qua tổ chức Đoàn vẫn còn thấp. Xin được hỏi có phải do Nhà nước không đáp ứng đủ nguồn hay do phương thức quản lý vốn của tổ chức Đoàn các cấp?

Phó Giám đốc Trung tâm HTPTTNNT, Lê Ngọc Khánh:Đúng là nhu cầu thanh niên vay vốn phát triển kinh tế trong những năm qua là rất lớn. Đây là tín hiệu tích cực của phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế. Trong số 1.397.194 hộ thanh niên (các hộ dưới 35 tuổi) đang có dư nợ tại NHCSXH là 37.129 tỷ đồng, có đến 973.185 hộ và dư nợ 29.890 tỷ đồng đăng ký vay vốn phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy thanh niên đã và đang vay vốn để tập trung phát triển kinh tế.

Nghị quyết Đaị hội Đoàn lần thứ XI quyết tâm trong 5 năm tới, tổ chức Đoàn các cấp sẽ có trách nhiệm kết nối; tạo điều kiện hỗ trợ cho thanh niên vay 10.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế.

Chính phủ đã có Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có mục hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Thanh niên có thể được vay vốn đến 50 triệu đồng, không cần thế chấp.

Như vậy, với sự nỗ lực của mình tổ chức Đoàn đã và đang đồng hành với thanh niên trong việc lập nghiệp, khởi nghiệp nói chung và hỗ trợ các giải pháp để thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế nói riêng.

Bạn đọc Hồ Quân (Quảng Trị) hỏi: Đề nghị NHCSXH cho biết khái quát những chính sách cho vay đặc thù nhất của NHCSXH tới các hộ đồng bào DTTS thời gian qua?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện: Công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, NHCSXH được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó đồng bào DTTS là một trong những đối tượng chính sách quan trọng. Hiện nay, toàn bộ các chương trình tín dụng NHCSXH đang quản lý, thì hộ đồng bào DTTS đều có thể tiếp cận và thụ hưởng; bên cạnh đó, còn có những chương trình tín dụng chính sách đặc thù ưu tiên dành riêng cho hộ đồng bào DTTS, cụ thể:

1. Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chương trình hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

(Đến 31/12/2016, 03 chương trình tín dụng nêu trên đã hết hiệu lực thi hành và đang được NHCSXH quản lý, theo dõi, thu hồi nợ theo quy định).

4. Chương trình cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

5. Ngoài ra, còn có chương trình cho vay theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020.

Bạn đọc Hưng Hà (Điện Biên) hỏi: Những chính sách này đã tác động trực tiếp đến đời sống của đồng bào DTTS thời gian qua?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện: Có thể nói, các chính sách nêu trên - cụ thể là chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần giúp đồng bào dân tộc thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước. Kết quả này đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và đặc biệt là đông đảo quần chúng ghi nhận, đánh giá cao.

Thứ nhất, Tín dụng chính sách này đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2005 - 2016 đã giảm từ 22% xuống còn 8,38%; đặc biệt là giảm nghèo trong khối đồng bào DTTS.

Thứ hai, Nguồn vốn ưu đãi luôn ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có đông đồng bào DTTS nghèo, có những hộ vay vốn tới 3 chương trình tín dụng. Nguồn vốn đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống đồng bào; giúp đời sống bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội và nâng cao dần chất lượng cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng tạo nguồn lực giúp các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh cũng như toàn vùng, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường sự hỗ trợ của TW và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước gắn với yêu cầu phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển sản xuất, giúp đồng bào có vốn để SXKD, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính quê hương mình.

Thứ ba, Tín dụng chính sách đã giúp cho đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để SXKD; qua đó, nâng cao trình độ quản lý vốn, cũng như trình độ sản xuất. Đặc biệt, là thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động để chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tăng dần vị thế trong xã hội.

Thứ tư, Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH (chính quyền địa phương xác nhận về đối tượng; các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; Tổ tiết kiệm và vay vốn) đã góp phần là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với quần chúng nhân dân, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Bạn đọc Ánh Dương (Gia Lai) hỏi: Ngày 31/10/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Đề nghị Ủy ban Dân tộc và NHCSXH cho biết mục tiêu của chương trình là gì?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 ban hành theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể như sau:

- Mục tiêu tổng quát: Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng DTTS và miền núi với các vùng khác trong cả nước.

- Mục tiêu cụ thể: Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% đến 4%/năm; hộ nghèo được xác định theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;

Giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn;

Hoàn thành các dự án định canh, định cư tập trung theo kế hoạch được duyệt để tiếp tục bố trí sắp xếp dân cư nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS du canh, du cư còn lại theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Tạo điều kiện thuận lợi để hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất.

Bạn đọc Khánh An (Ninh Thuận) hỏi: Các đối tượng sẽ được thụ hưởng như thế nào, mức vay ra sao, phương thức cho vay có khác gì so với các chương trình tín dụng đang thực hiện tại NHCSXH hay không?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện: Đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 2085 đã được quy định rõ tại Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc như sau:

Đối tượng khách hàng được vay vốn để tạo đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề bao gồm:

Hộ đồng bào DTTS nghèo (kể cả vợ hoặc chồng) ở các thôn, bản, buôn, làng, ấp, phum, sóc, xóm…, xã thuộc vùng DTTS và miền núi.

Hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn;

Các đối tượng trên là hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo hạn mức bình quân chung do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; chưa được hưởng chính sách của Nhà nước hỗ trợ về đất sản xuất.

Đối tượng khách hàng được vay vốn để phát triển SXKD là hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn; có phương án sử dụng vốn vay để SXKD.

Về mức cho vay, bằng mức cho vay tối đa của hộ nghèo từng thời kỳ (hiện nay là 50 triệu đồng).

Về phương thức cho vay, áp dụng như đối với cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác: thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB và Đoàn TNCS HCM) và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bạn đọc Châu Long (Hà Giang) hỏi: Thời gian vay, định kỳ trả nợ gốc và lãi của chương trình này cụ thể ra sao?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện: Trên cơ sở quy định tại Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc, NHCSXH đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, cụ thể: Thời hạn cho vay tối đa là 10 năm; định kỳ hạn trả nợ gốc 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Đến kỳ hạn trả nợ theo định kỳ, nếu người vay chưa trả được nợ thì được theo dõi vào kỳ hạn tiếp theo; Định kỳ trả lãi theo tháng.

Bạn đọc Mai Hương (Thanh Hóa) hỏi: Việc xử lý nợ đến hạn, gia hạn nợ và xử lý rủi ro như thế nào?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện:Việc xử lý nợ đến hạn, gia hạn nợ và xử lý rủi ro được quy định tại tiết c, khoản 3 Điều 3 Quyết định số 2085, cụ thể:

Đến hạn trả nợ, nếu hộ được vay vốn chưa thoát nghèo và đang gặp khó khăn tạm thời chưa có nguồn trả nợ thì được xem xét kéo dài thời gian trả nợ tối đa không quá 5 năm; nếu hộ được vay vốn đã thoát nghèo thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trường hợp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Đối với các hộ được vay vốn gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các khó khăn bất khả kháng khác không trả được nợ thì được xử lý rủi ro theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH.

Bạn đọc Lê Phước (An Giang) hỏi: Đối với khách hàng hiện nay đang còn dư nợ với NHCSXH theo chương trình tín dụng đã được triển khai trước đó, thì có được vay vốn theo Quyết định này nữa không?

Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, Nguyễn Mạnh Thiện:Theo quy định tại Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc, hộ gia đình thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định 2085 đang có dư nợ các chương trình tín dụng khác trước đó nếu đủ điều kiện vay vốn thì vẫn được xem xét cho vay.

Riêng các hộ gia đình đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020, thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề.

PV lược ghi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác