Tín dụng chính sách trên đất Tây Đô

02/01/2018
(VBSP News) Trên lộ trình phấn đấu thành trung tâm công nghiệp, khoa học, thương mại, dịch vụ lớn nhất vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ (thường gọi là Tây Đô) ngay từ năm 2003 được chia tách là đô thị loại I trực thuộc Trung ương đã đề ra những kế hoạch, chương trình, dự án nhằm phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cũng vào thời điểm đó, NHCSXH được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phù hợp cho công cuộc giảm nghèo trên đất Tây Đô - Cần Thơ.

15 năm qua đã có trên 50 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn của NHCSXH TP Cần Thơ để phát triển SXKD

15 năm qua đã có trên 50 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn của NHCSXH TP Cần Thơ để phát triển SXKD

Hiện, NHCSXH TP Cần Thơ có mạng lưới hoạt động rộng khắp tại các quận huyện trên địa bàn thành phố với 85 Điểm giao dịch cấp xã và 2.040 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở ấp và khu vực. Hoạt động của chi nhánh đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH TP Cần Thơ đạt trên 2.025 tỷ đồng, tăng 1.977 tỷ đồng so với năm 2003, trong đó vốn nhận uỷ thác là 122 tỷ đồng. Trong 15 năm qua đã có trên 50 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền là 5.217 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho trên 179 nghìn lượt hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút tạo việc làm cho 270 nghìn lao động; hỗ trợ gần 46 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay được vốn học tập, xây dựng trên 140 nghìn công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn… Ngoài ra, nguồn vốn ưu đãi còn tham gia đầu tư trực tiếp, góp phần khôi phục hàng trăm làng nghề truyền thống, thúc đẩy 1/4 huyện và 20/36 xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy vốn chính sách đã tạo dấu ấn trong các “ngóc ngách” cuộc sống của người dân Cần Thơ. Theo đánh giá của ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, có được những kết quả đáng ghi nhận đó là do NHCSXH luôn bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành, địa phương, tăng cường sự phối hợp với các ngành, các đoàn thể sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, trong công tác huy động tạo lập nguồn lực tài chính và tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; đặc biệt NHCSXH đã xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức quản lý, phù hợp, sát với thực tiễn.

“Điểm mấu chốt là chi nhánh đã đẩy mạnh phương thức uỷ thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể, duy trì các công việc cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xóm, ấp, khối phố”, ông Tâm nhấn mạnh.

Cùng với việc tập trung huy động tăng trưởng nguồn vốn, phối hợp các ban ngành, đoàn thể chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn về tận thôn ấp, NHCSXH đã chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động toàn bộ mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn sắp xếp lại theo hướng liền canh, liền cư, đảm bảo từng tổ có đủ thành viên, tham gia sinh hoạt, đủ vốn chính sách hoạt động, có Ban quản lý và Tổ trưởng đủ năng lực, nhiệt tình quản lý kinh tế, tín dụng, đồng thời có sự tham gia trực tiếp của Trưởng ấp, nên chất lượng hoạt động đi vào nề nếp, đảm bảo từ khâu bình xét vay vốn công khai, minh bạch đến hướng dẫn đôn đốc kiểm tra việc sử dụng vốn đạt hiệu quả.

NHCSXH TP Cần Thơ luôn chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, sắp xếp lại theo hướng liền canh, liền cư

NHCSXH TP Cần Thơ luôn chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, sắp xếp lại theo hướng liền canh, liền cư

Hiện nay, toàn thành phố Cần Thơ có 2.040 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 99,75% tổ được xếp loại khá tốt. Tiêu biểu có Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Nhơn Phú A, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền do chị Nguyễn Nhã Vi làm Tổ trưởng đã giúp hộ nghèo hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo được tiếp cận thuận lợi tới 1,2 tỷ đồng để đầu tư phát triển thâm canh vườn cây ăn trái, phát triển nghề nuôi cá hầm, cá bè. Từ nguồn vốn vay này nhiều tổ viên trong tổ có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Gia đình ông Nguyễn Văn Phương nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn nên có điều kiện tiếp cận vốn vay của NHCSXH huyện để cải tạo ruộng chua phèn thành vườn trồng nhãn lai, quýt Hậu Giang, để đúng 3 năm sau mùa màng bội thu, trả được nợ vay, tự nguyện rút khỏi danh sách hộ nghèo

Cùng ấp với ông Phương, chị Nguyễn Thị Tuyết Thu từ 2 bàn tay trắng đã sử dụng 30 triệu đồng vốn của chương trình hộ nghèo đầu tư nuôi cá hầm, bò laisind. Do cần cù lao động đến nay chị đã có đủ tiền xây cất ngôi nhà ở vững chắc và được vay tiếp 50 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo để mở rộng mô hình chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp.

“Các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn đều được hướng dẫn chu đáo cách sử dụng vốn vay chính sách, nên chỉ sau thời gian ngắn đã làm ăn khá giả, ổn định cuộc sống, trả nợ, lãi đầy đủ, 5 năm liên tục Tổ không có nợ quá hạn với ngân hàng”, Tổ trưởng Nguyễn Nhã Vi cho biết.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, các cấp ngành cùng NHCSXH trên địa bàn tiếp tục tập trung mọi nguồn lực phối hợp chặt chẽ việc đầu tư tín dụng chính sách với hướng dẫn tổ chức sản xuất, gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao KHKT vào sản xuất nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác