Huyền thoại dưới chân núi Puxailaileng

24/01/2018
(VBSP News) “Người Mông ta bao đời nay chỉ biết đốt, phát rừng, chọc lỗ tra hạt; không biết làm ruộng nước, không biết mặt con cá. Giờ, đã khác xưa rồi. Người Mông đã được vay vốn chính sách, muốn tự mình làm chủ cuộc sống của mình, chứ không muốn phụ thuộc vào ông trời nữa!”, ông Mùa Dua Thái - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nói.

Ông Mùa Bá Phia đang khôi phục lại nghề rèn của người Mông

Ông Mùa Bá Phia đang khôi phục lại nghề rèn của người Mông

Phải đổi tên núi thôi

Con đường cheo leo, dốc núi hiểm trở, quanh co từ ngã ba khe Kiền, Quốc lộ 7, vượt qua xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn vào gần trung tâm xã Na Ngoi mấy năm nay đã được cấp phối nhựa bằng dự án quốc phòng. Sau mỗi trận mưa núi lở, xe chở gỗ băm nát, nhưng cũng đỡ gập gềnh và nhanh hơn so với đi bộ đường rừng trước đây. Na Ngoi, cách thị trấn Mường Xén 70km, nằm dưới chân Puxailaileng - đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn (2.722m) và thứ nhì Việt Nam (sau Phanxi Phăng). Xã có 18 bản với 4.500 người, trong đó 16 bản người dân tộc Mông (chiếm 80% dân số của xã), còn lại 2 bản dân tộc Thái và Khơ Mú.

Xã biên giới Na Ngoi ngày nay không còn heo hút như xưa. Cùng sống chung với đồng bào các dân tộc có những người lính áo xanh đồn biên phòng Na Ngoi, bộ đội Đoàn kinh tế quốc phòng 4 (Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An) đóng trên địa bàn; Tổng đội TNXP 10 (tiền thân là làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi). Và, không đông, tháng một lần vài ba người “lính áo hồng” - trong đội quân tín dụng của NHCSXH huyện mang tiền Chính phủ về Điểm giao dịch xã Na Ngoi “cho bản làng vay đủ”. Cả 4 lực lượng cùng chung tay, hướng về một mục tiêu: Xóa đói, giảm nghèo, vì an sinh xã hội vùng biên viễn.

Theo lời bà con người Mông ở Na Ngoi, thì: “Cán bộ NHCSXH huyện Kỳ Sơn giỏi lắm, biết cả đường đi của người Mông “cõng” vốn về cho dân vay. Dân bản được nhờ nhiều lắm !” Năm 2017, Na Ngoi đạt dư nợ gần 9 tỷ đồng. Từ đồng vốn vay nhiều hộ đã thoát nghèo. Ông Mùa Vả Phia, gần 60 tuổi ở bản Phù Khả 2 tâm sự: “Từ trên núi cao nghe theo bộ đội, bố đưa cả vợ con xuống núi, làm nhà bên con đường lớn này. Được bộ đội giúp đỡ, được TNXP hướng dẫn nuôi con trâu, làm lúa nước, trồng rau màu; được NHCSXH về tận xã cho vay 30 triệu đồng… Giờ bố có đàn trâu 5 con, giá gần 200 triệu đồng; có 8 sào lúa nước, mỗi năm thu hoạch 70 - 80 bì lúa nên không còn lo đói nữa rồi. Nghe theo cán bộ trồng thêm cây gừng, dong riềng, chè tuyết shan… bán có tiền tiêu, còn đủ lo cho hai con đi học đại học, cao đẳng. Bố thoát nghèo rồi. Ngày xưa, người ta gọi Puxailaileng là đỉnh núi đói, giờ chắc phải đổi tên núi thôi. Bà con ta ở đây không còn đói như ngày xưa nữa!”. Năm 2014, ông Phia là người Mông đầu tiên ở Na Ngoi mạnh dạn trả lại giấy chứng nhận hộ nghèo. Với cái lý của người Mông, rất đơn giản: “Mình thấy nhà đủ ăn, đủ mặc rồi thì trả giấy hộ nghèo thôi. Hộ nghèo có thêm gạo, thêm muối của Nhà nước cho, nhưng làm như thế là không được. Mình khá hơn rồi phải nhường cho nhà khác còn khó khăn hơn để họ có cơ hội thoát nghèo tiến lên làm giàu như thanh niên Xồng Bá Dênh!”.

Triệu phú nơi cổng trời

Xồng Bá Dênh mà ông Phia nhắc tới, sinh năm 1985, dân tộc Mông ở bản Buộc Mú 1. Năm 2012 anh được vay 30 triệu đồng (hộ nghèo) từ NHCSXH huyện Kỳ Sơn và 70 triệu đồng từ vốn thanh niên lập nghiệp. Anh quyết định chọn mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản địa phương. “Ở đây thời tiết khắc nghiệt, một ngày có tới 4 mùa, nhiệt độ có thời điểm xuống rất thấp, nên chỉ có giống trâu bò địa phương mới chịu được”, Dênh lý giải việc mình làm. Xưa nay, bà con các dân tộc ở Na Ngoi nuôi trâu, bò thả rong ngoài rừng. “Mình không nuôi như thế, tự học nghề thú y, khoanh rừng thành khu vực, nuôi thả tập trung”. Để chủ động thức ăn cho đàn trâu, anh trồng 3ha cỏ voi, thuê 10 lao động địa phương chăm sóc, cắt cỏ luân phiên theo ngày. Ngoài ra, tân dụng đất rừng, vợ chồng Xồng Bá Dênh còn trồng 2ha gừng. Gừng Mông nổi tiếng với vị cay, thơm, củ nhỏ, đều nên thu hoạch đến đâu lái buôn vào tận nơi mua hết đến đó. Năm nay, cận Tết Mậu Tuất gừng được giá 10.000 đồng/kg, vợ chồng Dênh thêm một nguồn thu khá.

Sau 6 năm xây dựng kinh tế theo mô hình gia trại, không những trả hết nợ NHCSXH, ông chủ trẻ Xồng Bá Dênh quản lý đàn trâu, bò 17 con béo múp míp trị giá gần nửa tỷ đồng, có mức thu nhập 200 triêu đồng/năm. Bí thư đoàn Xồng Bá Dênh trở thành một điển hình làm giàu giàu ở Na Ngoi.

Miền biên viễn nở hoa

Có bộ đội giữ vững trận tuyến an ninh, giúp dân xây dựng cơ sở vật chất làm kinh tế; có tổng đội TNXP 10 cử người xuống tận bản, vào tận nhà vân động dân khai hoang, “cầm tay chỉ việc” trồng lúa nước, rau màu, chăn nuôi gia súc theo tiến bộ kỹ thuật;  có NHCSXH “mang tiền Chính phủ, cho bản làng vay đủ”… Tất cả tạo nên một huyền thoại ở vùng phên dậu quốc gia.

“Người Mông ta ơn Đảng, Chính phủ suốt đời”(!) Đó là lời gan ruột của Chủ tịch UBND xã Na Ngoi. Cả xã giờ có tới 400ha lúa nước, năm làm 2 vụ, năng suất 5 - 6 tấn/ha/vụ. Cây chè shan tuyết gốc gác từ Hà Giang, Yên Bái cũng về đây hội tụ 300 ha. Tết Mậu Tuất này xuống các bản, làng, những nông dân nhiều lúa như “bố” Mùa Vả Phia; nhiều trâu, bò như Xồng Bá Dênh không còn hiếm. Kinh tế gia trại, trang trại đang giúp người Mông, người Thái, người Khơ Mú xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Mấy năm nay cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về dọc theo Quốc lộ 7 người ta  thấy những chiếc xe chở đầy hoa ly, rau củ, quả (sạch) từ Na Ngoi về thị trường TP Vinh. Sản phẩm của Tổng đội TNXP 10, của người dân trên đất Na Ngoi gửi về chợ Tết vùng xuôi còn có đặc sản gà đen, cá hồi… Cùng với Huội Tụ, huyện Tương Dương, Na Ngoi thuộc vùng tiểu khí hậu ôn đới, nhiều cây, con đặc sản từ Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) đã và đang được đưa về đây nuôi, trồng phát triển tốt. Năm mới hy vọng mới. Một ngày không xa Na Ngoi nơi “cổng trời” của đại ngàn Trường Sơn sẽ là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Nghệ.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác