Nam Trực thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn vốn tại chỗ

26/01/2018
(VBSP News) “Sau 15 năm hoạt động với mô hình tổ chức và phương thức hoạt động độc đáo, NHCSXH huyện Nam Trực (Nam Định) đã thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa sự nghiệp giảm nghèo và đưa vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, đảm bảo công khai, dân chủ”, đó là ý kiến đánh giá của Phó Giám đốc NHCSXH huyện, Đoàn Thị Tâm.

Nhờ có thêm nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều làng nghề ở Nam Trực được khôi phục, phát triển

Nhờ có thêm nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều làng nghề ở Nam Trực được khôi phục, phát triển

Hiện nay, NHCSXH huyện Nam Trực (Nam Định) đang cho vay 8 chương trình với tổng dư nợ đạt 250 tỷ đồng.Để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày một tăng, ngoài các nguồn vốn trên, thời gian qua NHCSXH huyện Nam Trực đã có nhiều giải pháp tích cực, thiết thực huy động vốn, nhằm tạo nguồn tại chỗ đ cho vay, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Theo báo cáo, tính đến hết năm 2017, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đạt 36,7 tỷ đồng. Trong đó số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 13,7 tỷ đồng; tăng 2,2 tỷ đồng so với đầu năm và là huyện có số dư gửi tiền tiết kiệm cao nhất tỉnh Nam Định. Hiện Hội Nông dân đang quản lý 198 Tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi 5,4 tỷ đồng; Hội Phụ nữ quản lý 151 tổ, đạt số dư tiền gửi 6,5 tỷ đồng, Hội CCB quản lý 34 tổ với số dư tiền gửi 1,5 tỷ đồng. Chưa dừng lại, NHCSXH huyện Nam Trực còn thực hiện hiệu quả việc huy động tiền gửi tại Điểm giao dịch xã đạt 4,6 tỷ đồng, tăng gần 36% so với kế hoạch năm 2017; huy động tiền gửi tại khu dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội đạt 18,4 tỷ đồng, tăng trên 44% so với kế hoạch năm 2017.

Hiện nay, toàn huyện Nam Trực có 383 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hầu hết các tổ đều thực hiện tốt việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các thành viên và hộ dân cư trên địa bàn. Xã Nam Mỹ có 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ và Hội CCB quản lý, năm qua đạt số dư tiền gửi tiết kiệm 1,3 tỷ đồng. Không phải bây giờ, mà cách đây vài năm gia đình chị Đoàn Thị Na ở xóm 1 được vay vốn ưu đãi để xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn vận động, giải thích chị đã gửi tiết kiệm qua tổ 50.000 đồng/tháng. Chị Na cho biết ban đầu tôi băn khoăn với số tiền đó liệu có mang lại hiệu quả cho mình hay không? Nhưng, sau 3 năm với số tiền 2 triệu đồng tiết kiệm được đã giúp tôi giảm bớt gánh nặng trong việc trả nợ gốc và lãi. Từ đó đến nay không cần Tổ trưởng vận động, đã thành nếp, tháng nào tôi cũng gửi tiết kiệm. Chị Đào Thị Hảo, láng giềng của chị Na thì bộc bạch: “Với mức tiền gửi như vậy mỗi tháng không có ngân hàng nào khác ngoài NHCSXH chấp nhận cho chúng tôi gửi. Lãi suất món tiền gửi giống như lãi suất của các ngân hàng khác nên chị em phụ nữ nghèo chúng tôi rất yên tâm, vận động nhau tham gia chương trình gửi tiền tiết kiệm”. Không thua kém các tổ trong xã Nam Mỹ, chị Nguyễn Thị Yến - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 4, cho biết: Hết năm 2017, tổ có dư nợ tại NHCSXH là 863 triệu đồng, cùng với việc thực hiện tốt 5 chương trình cho vay, việc trả tiền gốc, tiền lãi được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định không có nợ quá hạn; tổ còn vận động 100% thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm hằng tháng, tạo nguồn vốn tại chỗ để cho vay. Đóng sổ tiết kiệm năm 2017, tổ đạt số dư 170 triệu đồng, là tổ có số dư tiền gửi cao nhất huyện Nam Trực.

Trước thềm Xuân mới Mậu Tuất, có thể khẳng định hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã mang lại lợi ích thiết thực cho cac hộ vay vốn và cả ngân hàng. Để công tác này đi vào nề nếp, hiệu quả, NHCSXH huyện Nam Trực đã kiên trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi bằng nhiều hình thức như qua hệ thống loa, đài, huyện, xã; phát tờ rơi, lồng ghép vào các chương trình, hội nghị, tập huấn… Bên cạnh đó huyện đã xây dựng được đội ngũ Tổ trưởng nhiệt tình, có năng lực phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, cán bộ thôn, xóm. “Trước ngày giao dịch chúng tôi đã tiến hành thông báo đến từng thành viên vay vốn tiền lãi, tiền gốc đến kỳ phải trả; đồng thời đề nghị các hộ chuẩn bị cả tiền gửi tiết kiệm góp phần tạo thêm nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở địa phương. Nhờ vậy, các thứ thu đều đạt kế hoạch 100%”, chị Nguyễn Thị Hương - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 1, xã Nam Toàn, huyện Nam Trực trao đổi kinh nghiệm.

Bài và ảnh Hồ Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác