Mùa xuân hy vọng ở xứ Thanh

08/02/2019
(VBSP News) Những vùng núi, vùng biển xứ Thanh, vốn được biết đến với sự khó khăn nghèo khổ bao đời, đang thay da đổi thịt mỗi ngày, nhờ nỗ lực của các thế hệ người Thanh Hóa và sự đồng hành của nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.
Hộ nghèo ở Thanh Hóa phấn khởi nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Hộ nghèo ở Thanh Hóa phấn khởi nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Đưa “luồng gió mới” đổi thay vùng nông nghiệp lạc hậu

Nếu mai này xã Thiết Ống, huyện Bá Thước có trở thành vùng trồng dưa lưới đặc sản ở địa phương thì ắt hẳn gia đình ông Phạm Bá Hoan và bà Cao Thị Nhặt, dân tộc Mường ở thôn Quyết Thắng hẳn được mọi người coi như là người khởi đầu “cuộc đổi thay” này.

Đây là vườn dưa mà con trai ông bà - anh Phạm Văn Đức - đưa về Thiết Ống. Hiện nay, dưa vàng kim cô của gia đình ông Hoan, bà Nhặt nổi tiếng lắm, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, có nhiều lý do nhưng có lý do đặc biệt nhất là giống dưa khá ngon này lại được gia đình ông bà trồng theo cách mới, vừa đảm bảo sạch lại đảm bảo chất lượng.

Nhưng không phải ai cũng biết, ngoài ông Hoan, bà Nhặt và anh Đức, có một “người” góp phần quan trọng đưa dưa lưới về Thiết Ống - đó là đồng vốn chính sách. Bà con xung quanh nói, ông bà Hoan - Nhặt chịu khó lắm, từ đôi tay cần cù của ông bà, một vùng đồi núi đá sỏi gồ ghề được cải tạo dần dần qua năm tháng thành vườn cây ao cá, vườn cây mùa nào thức ấy, luôn xanh tốt. Còn ông Hoan chia sẻ với chúng tôi, không có sự đồng hành của vốn chính sách và của cán bộ hội, đoàn thể, cán bộ NHCSXH huyện Bá Thước, thì hành trình của gia đình không dễ dàng đến như vậy được.

Trong cuộc sống của gia đình ông Hoan, vốn chính sách ghi dấu ấn khá rõ ràng. Để phát triển kinh tế gia đình, ông bà vay từ chương trình hộ nghèo, đến hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn, để cải thiện chất lượng cuộc sống, ông bà vay chương trình NS&VSMTNT, và để cho con trai Phạm Văn Đức đi học, ông bà vay vốn chương trình HSSV. Ông Phạm Bá Hoan kể, cùng với mấy chục triệu đồng từ những đợt vay vốn ấy, cuộc sống gia đình đổi thay rồi, thoát nghèo rồi, thoát nghèo cả về tài sản, cả về kiến thức nữa.

Và trên con đường đó, hai người con lớn của ông bà đã trưởng thành, làm giáo viên, làm cán bộ xã, cậu con út sau thời gian học trên phố trở về làm nông với ông bà nhưng đem theo về cả kiến thức KHKT, kinh nghiệm học hỏi giao lưu qua Internet và nhạy bén thị trường để bắt đá sỏi phải nghe lời con người. Chính anh tiên phong đưa giống dưa kim cô về vườn nhà, thức đêm, thức hôm chăm dưa như chăm con, và thu được mùa vàng, thu được cả tiếng “dưa nhà ông Hoan, anh Đức”. “Từ đó, tôi khuyến khích bà con trong vùng tham khảo cách thức trồng dưa, trồng các giống cây mới có hiệu quả kinh tế cao hơn, không thụ động ngồi chờ mùa vụ như bao năm nay nữa - anh Đức nói - Gia đình đang tính vay vốn giải quyết việc làm hay hộ mới thoát nghèo để có thể cải tạo chuồng trại, làm nhà lưới chủ động trồng trọt, đưa công nghệ cao vào thay đổi nông nghiệp lạc hậu bao đời ở vùng quê”.

Việc “chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, đưa giống mới vào trồng ở một vùng quê xa xôi ở Bá Thước vô cùng có ý nghĩa, bởi Bá Thước là huyện thuộc vùng khó khăn với gần 85% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Thái, Mường, gần 10.000 hộ dân thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Vốn chính sách còn giúp nhiều hộ gia đình nơi đây xây dựng mô hình du lịch Homestay để tận dụng tiềm năng về du lịch ở địa phương, biến Bá Thước thành một trong những điểm du lịch ngày càng được nhiều người biết đến. Việc triển khai các chương trình tín dụng lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn thị trường… tăng thêm hiệu quả sử dụng vốn vay, góp phần, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đang mang tới những kỳ vọng đổi thay đáng bộ mặt địa phương trong thời gian tới.

Cùng hàng nghìn gia đình vững bước đi lên

Ở một vùng quê khác của Thanh Hóa, chúng tôi đã được chứng kiến câu chuyện về những gia đình vững bước đi lên với sự đồng hành của vốn chính sách. Cách đây chưa lâu, năm 2011, gia đình anh Vũ Ngọc Miền và vợ là Hoàng Thị Hương ở thôn Khánh Vân, xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, vẫn thuộc diện hộ nghèo. Gia đình có nghề làm chổi đót, nhưng vốn không có, lại nuôi 3 người con tuổi ăn tuổi học, nên cái khó cứ bó luẩn quẩn ở gia đình anh. Năm 2011, gia đình anh vay 10 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo qua NHCSXH huyện Tĩnh Gia để đầu tư mua nguyên vật liệu làm chổi. Sau đó, gia đình lại vay vốn chương trình HSSV cho 3 cô con gái đi học đại học, với số dư lên đến 80 triệu đồng.

Cái hay của nghề làm chổi đót nhà anh Miền là không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong vùng, tùy sức ai hợp khâu nào làm khâu ấy, công tính theo sản phẩm. Nguyên liệu mua từ vùng núi Thanh Hóa, mỗi tháng hiện giờ nhà làm khoảng 6.000 cái bán chủ yếu ở thị trường Thanh Hóa - Nghệ An. “Có sự hỗ trợ của NHCSXH nên giờ gia đình tôi làm chổi nuôi con đi học không đến nỗi eo hẹp lắm, lãi có thể ít nhưng không sợ bị lỗ. Nhưng đặc thù làm chổi đót nguyên liệu thu hoạch chỉ trong vài tuần, tôi cũng muốn vay thêm để mua nguyên liệu dự trữ, sản xuất quy mô hơn, thậm chí có thể lập công ty, xuất chổi sang nước ngoài…”, anh Miền tâm sự.

Gia đình ông Hoan sử dụng vốn vay trồng cây ăn quả

Gia đình ông Hoan sử dụng vốn vay trồng cây ăn quả

Ở thôn Sơn Hải, xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia, gia đình ông bà Cao Văn Luyện và Nguyễn Thị Hương là một mẫu mực về phát triển kinh tế. Ra ở riêng năm 1988 cùng hai bàn tay trắng, vốn liếng là sự cần cù, ông bà bươn chải dần dần phát triển. Đầu tiên chế biến moi cá, rồi có tí vốn thì học tập kinh nghiệm nuôi tôm thẻ. Trên con đường phát triển kinh tế của gia đình, 50 triệu đồng vốn chính sách, ông bà xây dựng cơ sở nuôi trồng gần nhà. Giờ đây, con cái đã trưởng thành, kinh tế gia đình cũng vững mạnh với cơ sở chế biến nông sản, nuôi tôm, làm nước mắm… gia đình ông bà không những tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 người và thời vụ cho hàng chục người, mà còn là mô hình điểm về phát triển kinh tế trong vùng.

Ngoài ra, có thể kể tới hộ chị Lê Thị Duyên ở thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm vay vốn hộ nghèo 50 triệu đồng, giờ gia đình chị đã có đàn bò với 13 con, hay gia đình anh Lê Hữu Quyến ở thôn 3, xã Định Hải vay 45 triệu đồng vốn chương trình hộ cận nghèo hiện gia đình đã có một xưởng sản xuất gạch cốm lớn; gia đình anh Cao Đình Diện ở thôn 7, xã Định Hải vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo 40 triệu đồng, đến nay gia đình anh đã có 150 con lợn thịt và 4 con bò, kinh tế ngày một khá giả…

Câu chuyện vốn chính sách ở huyện Tĩnh Gia có thể coi là câu chuyện thu nhỏ của vốn chính sách ở Thanh Hóa, bởi đây là huyện có cả miền núi, miền biển, trung du, có đủ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai trên địa bàn tỉnh. 16 năm qua hành trình của vốn chính sách ở Tĩnh Gia, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, giúp địa phương phát huy được lợi thế, thế mạnh của từng miền, từng vùng, từng hộ gia đình, tạo điều kiện sản xuất, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tình trạng bán lúa non, bán và cầm cố ruộng đất ở nông thôn, đời sống dân nghèo được cải thiện góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.

Đồng vốn nhỏ tạo nên đổi thay lớn

Tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020 từ 13,5% (năm 2016) xuống còn 8,43% (năm 2017), trong đó, 7 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 33,9% (năm 2016) xuống còn 24,62% (năm 2017).

Chứng kiến những đổi thay bền vững qua 16 năm hành trình của đồng vốn chính sách tại Thanh Hóa, chúng tôi nhớ câu chuyện mà Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ. Ông Hồng nói rằng, khác với việc hỗ trợ cho không, khi vay vốn để phát triển kinh tế, người dân ý thức được trách nhiệm đối với đồng vốn, có vay, có trả, nên cũng tìm tòi mọi cách để nâng cao hiệu quả SXKD, nhờ đó không chỉ đời sống kinh tế phát triển mà cả tư duy của người dân cũng thay đổi. “Từ tâm lý trông chờ, ỷ lại ăn sâu bám rễ từ lâu, bà con đã dần thay đổi nhận thức, trở nên chủ động hơn trong việc lên kế hoạch phát triển kinh tế gia đình mình, tìm hiểu ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao tư duy trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một trong những kết quả đáng quý mà tín dụng chính sách mang lại”, ông Nguyễn Xuân Hồng nhận định.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 7,9 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc sự quản lý của 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác. Tất cả 635 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có Điểm giao dịch xã của NHCSXH, nơi người vay được giao dịch trực tiếp với NHCSXH theo lịch giao dịch định kỳ và cũng là nơi niêm yết công khai các chính sách tín dụng, quy trình thủ tục, danh sách hộ vay vốn để mọi người đều được giám sát.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, NHCSXH đã triển khai 19 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đến hết năm 2018 là 8.665 tỷ đồng với 265,8 nghìn hộ đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách phần lớn được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ nghèo là đồng bào DTTS, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp người dân có vốn để sản xuất, cải thiện cuộc sống từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Đặc biệt ở các vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, việc cho vay ưu đãi, kề vai sát cánh với hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn có tác động quan trọng đối với việc giữ đất, giữ biên cương Tổ quốc. Hoạt động tín dụng chính sách cũng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động đa chiều vào đời sống người dân, từ cơm ăn áo mặc nhà ở đến công việc học hành. Và, từ dòng chảy miệt mài của từng đồng vốn chính sách nhỏ, đã tạo nên những dòng sông tri thức làm đổi thay bền vững nhiều cuộc đời, vun lên những niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp trên những vùng quê xứ Thanh!.

Bài và ảnh Hoàng Bách

Các tin bài khác