Mang Tết đến sớm với đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang
Kiên Giang là tỉnh có gần 65 nghìn hộ dân tộc Khmer (chiếm 15% dân số toàn tỉnh), sinh sống đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm, thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia như 134, 135, 32,… đặc biệt là các Quyết định 167 và 74 của Chính phủ đã giúp đồng bào Khmer có đất sản xuất, có vốn, tư liệu, phương tiện phục vụ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình bằng nhiều nguồn lực.
Luôn đồng hành với bà con dân tộc Khmer có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH tỉnh Kiên Giang, những năm qua nguồn vốn đã hỗ trợ cho bà con vay các chương trình tín dụng khác nhau. Chỉ tính riêng dư nợ cho vay đồng bào DTTS của NHCSXH tỉnh Kiên Giang là 332 tỷ đồng, trong đó hơn 262 tỷ đồng chủ yếu đầu tư cho đồng bào dân tộc Khmer, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định xã hội, nâng cao dân trí. Nguồn vốn chính sách đã giúp cho 9.329 lao động có việc làm, 1.842 HSSV vay vốn học tập, xây dựng hơn 5.103 công trình cung cấp NS&VSMTNT, 903 căn nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách, 47 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trên 1.886 hộ được đầu tư vốn để SXKD, hỗ trợ cho 583 hộ đồng bào DTTS được sinh sống trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ… Những con số trên đã khẳng định sự cố gắng, nỗ lực của NHCSXH tỉnh Kiên Giang kịp thời đưa đồng vốn chính sách đến với người dân, giúp đồng bào dân tộc Khmer đẩy mạnh hoạt động SXKD, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã vượt lên sự tự ti, mặc cảm và cả những khó khăn để làm giàu.
Không gì vui hơn khi mùa xuân đang tràn ngập khắp ngả đường, ngõ phố, có nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer vay vốn ưu đãi từ NHCSXH đã vươn lên thoát nghèo bền vững, điển hình như gia đình chị Thị Nhung, dân tộc Khmer ở ấp Tà Tây, xã Phi Thông, TP Rạch Giá có 5 nhân khẩu, không có ruộng đất để canh tác. Trước khi vay vốn ưu đãi, gia đình đi làm thuê, làm mướn cuộc sống chỉ lo bữa ăn qua ngày. Được Hội Phụ nữ xã giới thiệu và NHCSXH cho vay 30 triệu đồng mở cửa hàng tạp hóa, nhờ chăm chỉ và tiết kiệm trong chi tiêu, cửa hàng của chị ngày càng mở rộng, đến nay gia đình chị đã thoát hẳn nghèo.
Cũng tại xã Phi Thông, gia đình anh Danh Chưởng, dân tộc Khmer, có 6 khẩu với 2 lao động chính mà chỉ có 4 sào đất sản xuất, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng, anh đã đầu tư xen canh, tăng vụ trồng các loại rau màu, số tiền thu từ việc bán rau mỗi ngày cũng được 50 - 100 nghìn đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư chăn nuôi dê. Sau mấy năm tích lũy, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo và xây được căn nhà mới để đón xuân, mua xe máy mới. Anh tâm sự: “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi thì chắc chắn rằng cuộc sống còn khó khăn trăm bề”.
Tại huyện Giang Thành có hộ chị Lai Phươl, dân tộc Khmer ở ấp Tân Tiến, xã Tân Khánh Hòa và hộ chị Tiên Rum ở ấp Chàm Chổi, xã Vĩnh Điều đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nhà cửa tạm bợ, sau khi NHCSXH cho vay vốn các chị đầu tư vào chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay cả hai chị đã có cuộc sống ổn định, các con có điều kiện đến trường, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.
Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, đồng bào dân tộc Khmer còn được thụ hưởng nhiều chính sách, dự án do Nhà nước ban hành. Chủ trương lớn bắt đầu bằng Chỉ thị số 68/CT-TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư (khóa VI) về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Sau đó là Nghị quyết TW 7 (khóa IX) phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác dân tộc, tôn giáo. Đi cùng chủ trương là hàng loạt chương trình, dự án, chính sách liên quan đến đồng bào Khmer được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tất cả các lĩnh vực của đời sống từ kết cấu hạ tầng, vấn đề nhà ở, học tập, giải quyết việc làm, nước sinh hoạt rồi cả đất ở, đất sản xuất cùng các chính sách tín dụng ưu đãi cho đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn được quan tâm đầu tư đồng bộ.
Sự đổi thay diện mạo ở các phum sóc của đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang đã bắt đầu. Các công trình điện, đường, trường, trạm và nước sạch ở vùng đồng bào Khmer được đầu tư đồng bộ kiên cố và vững chắc. Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi triển khai các chương trình, dự án hướng về đồng bào Khmer cùng với chủ trương xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, toàn tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn và 57 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 đã công nhận 18 xã, từ 2016 - 2018 công nhận 31 xã. Bình quân đạt 15,8 tiêu chí/xã.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Kiên Giang, Lê Thị Minh Phụng khẳng định: “Chương trình 135 là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chương trình đã mang đến sự đổi thay căn bản cho các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer ổn định cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trong thành tích đó phải kể đến sự đóng góp rất lớn của hệ thống NHCSXH”.
Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS đang thay đổi từng ngày. Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đầu tư để vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trở thành vùng nông thôn mới, với hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng từ 2 - 3 lần, giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng. Phấn đấu hằng năm giảm từ 1,7% số hộ nghèo và đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer chỉ còn dưới 6%.
Với mục tiêu và giải pháp cụ thể của tỉnh và sự đồng hành của vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, chắc chắn rằng trong tương lai vùng đồng bào dân tộc ở tỉnh Kiên Giang sẽ mang diện mạo mới với khí thế của mùa xuân.
Thành Văn
Các tin bài khác
- » Khi chính sách đi vào cuộc sống ở quê hương Đồng Tháp Mười
- » Như “Cánh én” dệt mùa xuân tươi vui
- » Ba mùa xuân chở đầy những niềm vui
- » Tín dụng chính sách ở vùng đất mỏ Quảng Ninh
- » Mùa xuân no ấm
- » Mang đến những mùa xuân ấm no, hạnh phúc
- » Vốn chính sách dệt nên mùa xuân ấm no ở Quảng Ngãi
- » Hành khúc Xuân Kỷ Hợi
- » Mùa xuân “gõ cửa” những gia đình thu nhập thấp ở Hà Tĩnh
- » Chăm chút từng hạt giống nông thôn mới