Tin vui đầu xuân mới về tín dụng chính sách ở Lâm Đồng

15/03/2018
(VBSP News) Trong không khí tân xuân, niềm vui hiện diện trên khắp dải đất cao nguyên Lâm Đồng khi toàn vùng phía Nam Tây Nguyên này đứng đầu cả nước trong sản xuất nông nghiệp cao với diện tích hơn 49 nghìn héc - ta. Cùng với đó, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó đáng kể đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đã triển khai chương trình hành động cụ thể ngay từ đầu năm như tập trung huy động nguồn vốn, giải ngân các chương trình cho vay để bà con nghèo có vốn bắt tay vào sản xuất.

Nguồn vốn chính sách đã giúp người nghèo trên cao nguyên Lâm Đồng có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Tính đến hết tháng 2/2018 tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 338 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 81 tỷ đồng, tăng 2,4 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2017; doanh số cho vay trong hai tháng đầu năm đạt 66 tỷ đồng.

Với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ khắp trên toàn tỉnh, cán bộ tín dụng NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cùng với các hội, đoàn thể tổ chức nghiêm túc thực hiện hoạt động ủy thác, nhanh chóng đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng từ huyện 30a Đam Rông, rẻo cao Lạc Dương, Bảo Lâm, vùng sâu Đơn Dương, Đạ TéH, Lâm Hà và Đức Trọng.

Điển hình như các cấp Hội ND trong tỉnh, hai tháng đầu năm 2018 được NHCSXH giải ngân 22,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đạt gần 1.000 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, bên cạnh việc các cấp hội tổ chức tập huấn, kiểm tra giám sát nghiệp vụ ủy thác một số nội dung công việc mà còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín dụng ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đơn cử gia đình chị Mai Thị Hường ở xã Đa Rsai, huyện 30a Đam Rông được vay vốn thông qua chương trình hộ nghèo để khai hoang mở đất trồng cà phê, dâu tằm. Bên cạnh đó, chị còn được Hội ND xã tạo điều kiện tham dự lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, thăm quan các mô hình làm kinh tế giỏi. Nhờ tần tảo chịu khó và biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên năm vừa rồi gia đình chị đã thoát được nghèo. Mùa xuân này chị Hường được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, tiếp tục vay 50 triệu đồng để chủ động thâm canh mở rộng vườn cà phê và gia tăng đàn lợn. “Trước kia khi chưa có vốn thì số hộ nông dân nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Nhờ nguồn vốn ưu đãi đầu tư, bà con ở xã Đa Rsai đã biết làm kinh tế, cuộc sống giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Hiện toàn xã còn 38 hộ nông dân nghèo, giảm 61 hộ trong vòng 5 năm qua. Vì vậy, Hội ND xã đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để giúp hội viên giảm nghèo bền vững góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”, Chủ tịch Hội ND xã Đa Rsai, Vũ Văn Thân thông tin.

Hay ở xã Đa Ròn, huyện Đơn Dương có hơn 80% hộ gia đình là đồng bào DTTS, nhờ sự trợ lực qua các chương trình 135, định canh định cư, nhất là sự đầu tư của nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo tại đây giảm khá nhanh, từ 28,20% vào năm 2011 xuống còn 6,2% vào cuối năm 2017 và là xã đạt chuẩn về nông thôn mới. Theo Chủ tịch Hội ND xã Đa Ròn, Nguyễn Văn Thanh: “Hiện dư nợ tín dụng chính sách trên toàn xã là 28,6 tỷ đồng, trong đó Hội ND chiếm 15 tỷ đồng, nguồn vốn quý đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc KHo, Chu Ru chủ động đầu tư trồng rau xanh, cà phê, nuôi bò. Tiêu biểu là gia đình bà Ka Sel ngụ thôn 4 đã sử dụng 40 triệu đồng vốn ưu đãi nuôi một cặp bò sinh sản. Nhờ nguồn vốn vay kịp thời cùng với sự chăm sóc phòng bệnh gia súc chu đáo, công việc chăn nuôi suôn sẻ, gia đình bà hiện đang sở hữu 5 bò và 4 bê, trị giá ngót 200 triệu đồng. “Gia đình tôi phấn đấu đầu xuân tới sẽ trả hết nợ vay ngân hàng và thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã”, bà Ka Sel vui vẻ nói.

Tiếp tục phát huy những kết quả, trong thời gian tới NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tập trung tăng trưởng nguồn vốn, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch xã, luôn củng cố chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội nhằm giúp người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác