Hiệu quả từ công tác phối hợp ủy thác vốn tín dụng chính sách ở Lâm Đồng

28/02/2018
(VBSP News) Trong năm 2017, NHCSXH tỉnh Lâm Ðồng triển khai đầy đủ 13 chương trình, nhận vốn ủy thác tăng gần gấp 4 lần so với các năm trước; dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể đạt trên 2.795 tỷ đồng/2.526 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 96.790 khách hàng, chiếm 99,9% trên tổng dư nợ của chi nhánh... khẳng định hiệu quả của hoạt động phối hợp ủy thác.
Việc quan tâm của các cấp hội, đoàn thể  đến thành viên vay vốn, giúp nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng hiệu quả (Trong ảnh: Chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể xã Ðinh Trang Thượng thăm gia đình nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả)

Việc quan tâm của các cấp hội, đoàn thể đến thành viên vay vốn, giúp nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng hiệu quả (Trong ảnh: Chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên thăm gia đình nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả)

Các cấp hội, đoàn thể lập chương trình kiểm tra giám sát vốn nhận ủy thác năm 2017 và phối hợp với ngân hàng cùng cấp đã kiểm tra, giám sát được 50 lượt huyện, 677 lượt xã, 4.292 lượt Tổ tiết kiệm và vay vốn, 43.397 hộ vay. Cùng với việc giải ngân các nguồn vốn, trong năm các tổ chức hội, đoàn thể đã phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT nhằm nâng cao hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi. Trong đó, Hội ND tổ chức 3.188 buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho 141 nghìn lượt hội viên; Hội Phụ nữ tổ chức 328 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hơn 18 nghìn lượt hội viên tham gia, phối hợp tổ chức 49 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.960 chị; Đoàn TN tổ chức được 56 buổi tập huấn chuyển giao KHKT và trên 100 lớp khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công cho đoàn viên.

Việc bình xét cho vay được thực hiện công khai, dân chủ, với doanh số cho vay năm 2017 đạt 757 tỷ đồng, chiếm 99,9% doanh số cho vay của chi nhánh; thực hiện nâng mức cho vay bình quân lên 36 triệu đồng/hộ để đầu tư sản xuất kinh doanh (tăng 3,3 triệu đồng so với năm 2016). Dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể đến 31/12/2017 là 2.795 tỷ đồng. Trong đó, Hội PN có số Tổ tiết kiệm và vay vốn, số hộ và dư nợ cao nhất, kế tiếp là Hội ND; Hội CCB và Đoàn TN có dư nợ thấp hơn.

Mặc dù, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,9% (giảm 1,3% so với đầu năm); trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn 11,56%, giảm 3,23% so với đầu năm; tỷ lệ nợ quá hạn bình quân còn 0,17%, tỷ lệ thu lãi đạt 101%, đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, tài sản và kho quỹ… nhưng, người vay vốn cũng còn nhiều khó khăn hiện hữu vẫn cần có sự chung tay của các cấp ngành và bổ sung thêm nguồn vốn.

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Năm 2017, cũng như mọi năm, Hội ND đều kiểm tra hết các đơn vị, qua đó nhận thấy, những đơn vị có nợ quá hạn cao vẫn rơi vào trường hợp còn dư nợ mà đi khỏi nơi cư trú. Chất lượng tín dụng khẳng định vai trò của tín dụng chính sách trong hỗ trợ hộ nghèo. Dù các chỉ tiêu năm 2017 đều đạt, dù người dân rất có ý thức trả nợ, nhưng khó khăn của người nông dân vẫn còn lớn, như các huyện phía Nam bị ảnh hưởng mùa điều, giá cả cà phê ổn định - nhưng sản lượng thấp và công thu hái cao, do đó, thu hồi nợ còn khó. Còn theo bà Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn: Nhu cầu vốn vay trong các hộ nghèo, hộ khó khăn rất lớn; việc phải thế chấp khiến các hộ nghèo không có tài sản phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm khi không có vốn, vì vậy cần quan tâm huy động thêm nguồn vốn vay để tăng cường cho các hộ.

Các hội, đoàn thể cũng phối hợp với chính quyền cơ sở và cán bộ tín dụng rà soát, kiện toàn hoạt động của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến 31/12/2017 tổng số Tổ tiết kiệm và vay vốn là 2.526 tổ, giảm 141 tổ so với đầu năm, bình quân 1 Tổ tiết kiệm và vay vốn có 38,4 hộ, với dư nợ 1.107 triệu đồng.

Hoạt động giao ban định kỳ được tổ chức hằng tháng giữa NHCSXH, hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách trong tháng, đưa ra biện pháp và giải pháp để tháo gỡ và giải quyết những tồn tại, vướng mắc phát sinh; kết quả hoạt động tín dụng chính sách được báo cáo cho Chủ tịch UBND cấp xã khi kết thúc phiên giao dịch. Các chính sách tín dụng được bổ sung, thay đổi, các thông tin về khách hàng vay vốn được công khai đầy đủ, kịp thời tại Điểm giao dịch xã.

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH và hoạt động phối hợp ủy thác của các hội, đoàn thể đạt hiệu quả cao, trong năm 2017, đã giúp cho 3.166 lượt hộ nghèo, 4.136 lượt hộ cận nghèo, 2.641 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; giải quyết việc làm cho 1.891 lao động; tạo điều kiện cho 3.312 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; giúp 8.572 hộ sống ở vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn và giúp 297 hộ nghèo vay vốn để làm nhà ở, qua đó góp phần vào việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng

Dư nợ tín dụng ấn tượng với hơn 96 ngàn lượt hộ được vay, chất lượng tín dụng tốt, không phát sinh nợ chiếm dụng, nguồn vốn huy động tăng cả ở khu vực dân cư và thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung cho vay các chương trình lớn là cho vay đồng bào DTTS và cho vay huyện nghèo… thể hiện người vay vốn làm ăn hiệu quả. Các tổ chức nhận ủy thác tăng lượng vốn vay và giảm được nợ quá hạn khẳng định chất lượng của Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tích cực, với số lượng tổ tốt và khá tăng, giảm tỷ lệ tổ trung bình; các hoạt động ở điểm giao dịch xã đúng quy định và an toàn. 

Ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Ðồng

Ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Ðồng

Hội CCB đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đáp ứng được yêu cầu thực hiện chủ trương chính sách của địa phương. Người nghèo được thụ hưởng chính sách này, góp phần nâng mức sống của người dân. Vai trò tham mưu của NHCSXH kịp thời, hiệu quả. Vai trò của các hội, đoàn thể, địa phương được phát huy, nhất là vai trò của các Chủ tịch xã. Tuy nhiên, cần có đánh giá thực trạng của các đối tượng chính sách, hộ nghèo hằng năm, để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, giảm hộ nghèo, giảm nợ quá hạn. Nên giao cho NHCSXH hoặc mỗi hội, đoàn thể phụ trách từng địa phương (chọn một số địa phương) để nguồn vốn không rải đều mà có sự tập trung, thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách có hiệu quả nổi bật hơn. Nên để huyện thực hiện nguồn vốn đối ứng chứ không nên để tỉnh thực hiện, để nâng cao trách nhiệm của từng cấp.

Ông Trần Văn Anh - Giám đốc NHNN tỉnh Lâm Ðồng

Ông Trần Văn Anh - Giám đốc NHNN tỉnh Lâm Ðồng

Điểm nổi bật của NHCSXH là nguồn vốn ủy thác cao nhất từ trước đến nay. Công tác kiểm tra, giám sát tốt; tiếp tục nâng mức cho vay bình quân lên khoảng36 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn giảm, số xã không có nợ quá hạn tăng, số xã có nợ quá hạn trên 0,5% giảm, thể hiện việc cho vay và thu hồi nợ tốt, ngoài ý thức trả nợ và cố gắng sử dụng đồng vốn hiệu quả của người dân.

Ông Ðỗ Quý Uy - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Ðồng

Ông Ðỗ Quý Uy - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Ðồng

Cần tăng cường nguồn vốn từ các hội, đoàn thể, tăng cường cân đối nguồn vay cho các đối tượng có nhu cầu và nguồn vay giải quyết việc làm. Cần có sơ, tổng kết Đề án về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Năm 2017 chính thức làm được 47 căn nhờ các địa phương huy động vốn từ nhiều nguồn, chứ riêng nguồn vốn theo đề án là không đủ. Tuy nhiên, vốn vay giải quyết việc làm là quan trọng nhất để hỗ trợ trực tiếp cho dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống một cách bền vững.

Bài và ảnh Lê Hoa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác