Thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
Tiếp sức cho hộ nghèo
Gia đình chị H’Nhi Adrơng, dân tộc Ê Đê ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông ANa, vốn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2005, được các cấp Hội PN tuyên truyền, vận động, chị mạnh dạn vay 7 triệu đồng của NHCSXH huyện để mua một con trâu phục vụ việc cày đất thuê, kéo guồng bóc tách hạt ngô cho người dân địa phương. Từ nguồn vốn này, gia đình chị H’Nhi Adrơng đầu tư mua vật tư, phân bón chăm sóc vườn cà phê lên xanh tốt, năng suất cao cho nên năm 2008 đã trả hết nợ vay cũ. Gia đình chị tiếp tục được NHCSXH huyện cho vay vốn để đầu tư thâm canh vườn cà phê, lúa nước, ngô lai,… đến năm 2015, không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Chị H’Nhi Adrơng chia sẻ: Lúc vợ chồng mới cưới nhau ra ở riêng, cuộc sống khó khăn đủ bề. Bên cạnh sự nỗ lực của hai vợ chồng được tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH, gia đình tôi đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Chị Mai Thị Hoa ở thôn 2, xã Yang Reh, huyện Krông Bông có tới năm người con, nhưng chỉ trông chờ vào thu nhập từ 3 sào đất trồng sắn, cuộc sống hết sức khó khăn. Từ năm 2009 đến nay, nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, chị vừa nuôi con ăn học, vừa đầu tư mua bò về chăn nuôi. Cần cù, chịu khó lao động, lại được cán bộ NHCSXH cùng các đoàn thể ở địa phương tận tình hướng dẫn cách thức làm ăn, từ 2 con bò ban đầu, đến nay chị đã có trong tay đàn bò lên tới 12 con.
Từ tiền chăn nuôi bò, chị Hoa đã nuôi được ba người con tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định, hai người con sau đang học phổ thông. Trong năm 2017, gia đình chị Hoa đã sửa sang lại nhà cửa khang trang và là một trong những hộ thoát nghèo ở địa phương. Chị Hoa tâm sự: Trước đây, khi chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, đi vay vốn NHTM thì không có tài sản thế chấp, lãi suất lại cao, làm không có lãi. Vì vậy, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi, không dứt ra được. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận cơ sở, giúp cho gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ dân khác ở địa phương mở rộng sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo và chăm lo con cái học hành đến nơi đến chốn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, Đinh Văn Long, là một trong 5 huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện hiện có hơn 21 ngàn hộ với hơn 99.500 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 41%. Vì vậy, việc đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với người dân trong huyện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong những năm qua, NHCSXH huyện đã kịp thời đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến tận cơ sở, giúp rất nhiều hộ nghèo, đồng bào DTTS khó khăn vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi.
Hiện tại, toàn huyện có hơn 14.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế với dư nợ hơn 300 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi, đã giúp cho hàng nghìn hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện từ hơn 65% năm 2013 xuống còn 44% vào cuối năm 2017. Nguồn vốn ưu đãi còn là nguồn lực quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tiếp sức cho nhiều con em các gia đình khó khăn, đồng bào DTTS tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, mang kiến thức trở về xây dựng quê hương.
Phát huy hiệu quả đồng bộ
Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, trong những năm qua, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm chỉ đạo các Phòng giao dịch huyện, thị xã duy trì thường xuyên hoạt động tại Điểm giao dịch xã, thị trấn và thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, buôn. Đồng thời giảm thủ tục không cần thiết, công khai bảng biểu về chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay, dư nợ và các văn bản mới liên quan đến tín dụng chính sách..., tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn vay vốn dễ dàng.
Chủ tịch UBND xã Yang Tao, huyện Lắc, Y Thiêm Quan cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn, có 3.120 hộ, với 8.346 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm đến 94%. ĐượcNHCSXH huyện tạo điều kiện hỗ trợ, phần lớn hộ dân trên địa bàn xã được vay vốn ưu đãi mua bò chăn nuôi theo mô hình trang trại và phân bón chăm sóc cây trồng, xây dựng công trình cung cấp nước sinh hoạt, xây nhà vệ sinh hợp lý,… Nhờ nguồn vốn ưu đãi kết hợp hoạt động khuyến nông, chuyển giao KHKT của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn đã thoát cảnh đói nghèo. Đến cuối năm 2017, số hộ nghèo và cận nghèo toàn xã giảm xuống còn 50%.
Giám đốc NHCSXH huyện Lắc, Võ Ngọc Hãn khẳng định: Xác định nhiệm vụ là phục vụ người nghèo, đồng bào DTTS, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, NHCSXH huyện luôn duy trì tốt hoạt động Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch cố định vào các ngày trong tháng, giúp người dân bớt thời gian đi lại, tốn kém. Ngoài ra, ở các thôn, buôn còn có các tổ giao dịch lưu động để phối hợp các hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay để phát huy hiệu quả cao nhất. Tính đến thời điểm hiện nay, doanh số cho vay của NHCSXH huyện đạt hơn 264 tỷ đồng với hàng nghìn lượt hộ vay đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình nước sinh hoạt…
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk,Nguyễn Tử Ân cho biết, nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh rất lớn. Để đưa nhanh nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo, đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trong những năm qua NHCSXH tỉnh đã mở rộng mạng lưới giao dịch đến tận cơ sở, tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, NHCSXH các cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ các đoàn thể chính trị - xã hội, ủy thác nguồn vốn vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn như chủ động tiếp cận các đối tượng vay, tư vấn cho đồng bào DTTS đầu tư sản xuất, chăn nuôi và giám sát nguồn vốn vay…
Với 16 chương trình tín dụng chính sách, hiện toàn tỉnh có 200 ngàn hộ được vay vốn với tổng dư nợ hơn 3.971 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, chỉ riêng trong năm 2017 đã có gần 14 ngàn hộ thoát nghèo, hơn 11.300 hộ thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2017 xuống còn 15,37%, hộ cận nghèo còn 9,8%. Điều đáng mừng là nhiều hộ thoát nghèo bền vững với các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thời gian tới, cùng với việc tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hoạt động tín dụng hiệu quả, đưa nhanh nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo, đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Bài và ảnh Công Lý
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thành triệu phú nhờ vốn vay ưu đãi
- » Chương trình vay vốn ủy thác giúp nhiều phụ nữ ở Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo
- » Lan tỏa niềm vui có cơm trắng, vườn keo, con được học hành...
- » Tình người Hòn Tre
- » Tín dụng chính sách mang đến mùa Xuân no ấm
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn - cầu nối giúp nhiều nông dân thoát nghèo
- » Cho vay vốn ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên
- » Đắk Nông củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Mang ấm no đến mọi nhà
- » Tết ấm no của làng Vân, Đà Nẵng