Tết ấm no của làng Vân, Đà Nẵng
An cư lạc nghiệp
Làng Vân trong tâm trí của những con người đất Quảng Nam - Đà Nẵng trước kia là một vùng đất biệt lập bên chân đèo Hải Vân, nơi định cư của những con người không may mắc phải bệnh phong. Một thời, ngôi làng này bị xã hội định kiến, xa lánh. Những con người của ngôi làng mang tên Vân cứ thế sống xa rời với xã hội hiện đại suốt gần nửa thế kỷ.
Vào năm 2012, TP Đà Nẵng đã đề ra chủ trương đưa người dân làng Vân tái hoà nhập cộng đồng, trở về với cuộc sống bình thường trong vòng tay chia sẻ của đồng bào Đà Nẵng. Làng Vân được di dời vào khu vực phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Từ đó đến nay, người lớn cũng như con trẻ của làng được đi học, chăm sóc y tế đầy đủ.
Thế nhưng, người làng Vân vốn quanh năm suốt tháng đã quen với cuộc sống chài lưới, ruộng vườn, tự cung tự cấp, thế nên khi vào bờ họ lại trở thành thất nghiệp. Việc giúp những người trong làng Vân có được công việc ổn định, nâng cao thu nhập vẫn luôn là câu hỏi khó được đặt ra cho các cấp chính quyền.
Để giải quyết vấn đề này, TP Đà Nẵng đã tiếp tục mở ra chính sách đặc thù chỉ riêng đối với làng Vân, đó là cho vay vốn mức 30 triệu đồng với lãi suất 0% trong 36 tháng đầu để chuyển đổi ngành nghề, khôi phục sản xuất. Từ đó, nguồn vốn đã trở thành đòn bẩy giúp nhiều gia đình đẩy lùi khó khăn, vươn lên ổn định kinh tế.
Trước kia, cuộc sống lam lũ không có việc làm ổn định cùng 3 đứa con thơ trong độ tuổi đi học, gia đình chị Nguyễn Thị Hường chật vật từng bữa qua ngày, không có lấy nổi chiếc xe đạp để đi. Xưa quanh quẩn ngoài làng, vợ chồng chị cũng chỉ biết đánh bắt, trồng rau kiếm miếng ăn, cuộc sống lạc hậu. Sau thời gian an cư tại khu nhà liền kề được thành phố cấp, chị được các cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn phường Hoà Hiệp Nam hướng dẫn thủ tục vay vốn 30 triệu đồng.
Từ nguồn vốn này, chị đầu tư nâng cấp phương tiện đánh bắt, sửa lại lưới, rớ, hệ thống máy móc, vợ chồng chị mạnh dạn cùng với vài người bạn đồng trang lứa trong khu tái định cư của người dân làng Vân thành lập nhóm nhỏ chuyên tổ chức đánh bắt gần bờ bỏ sỉ cho các tiểu thương ở chợ Hoà Khánh và một số chợ lân cận trên địa bàn Thanh Khê. Công việc đánh bắt và chạy chợ khá thuận lợi đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định từ 300 nghìn - 500 nghìn đồng/ngày, nhờ đó 3 đứa con của chị được đến trường và chăm sóc tốt hơn.
Cũng như chị Hường, gia đình ông Đỗ Ngọc Ái trước kia vất vả bươn chải cuộc sống. Nay có ít vốn liếng dành dụm và 30 triệu đồng vốn chính sách, cuối năm 2017, ông đầu tư nuôi 5 con bò, hy vọng những đồng vốn sẽ sinh lợi cao trong tương lai, giúp đời sống có của để của dành. Khi chia sẻ với chúng tôi, đôi mắt ông Ái ánh lên niềm xúc động: “Chính sách này mang đầy tính nhân văn, người làng Vân không những được an cư mà giờ đây đã an tâm lạc nghiệp, tái thiết cuộc sống, vươn lên hoà nhập và xoá bỏ định kiến bao đời”.
Là người trực tiếp giúp đỡ bà con làm thủ tục vay vốn, chị Hoàng Thị Giáo - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu chia sẻ: “Sau khi người làng Vân chuyển về đây sinh sống, chính quyền đã tìm mọi cách, tạo mọi điều kiện hỗ trợ để làm sao mọi người phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Kinh tế khá hơn thì người làng Vân cũng bớt đi tâm lý mặc cảm so với người dân thành phố”.
“Khi chương trình được triển khai, chúng tôi bắt tay ngay vào việc hướng dẫn, làm thủ tục cho vay, cùng bà con suy nghĩ xem hướng đi của nguồn vốn thế nào cho hợp lý. Đầu năm 2016, gần chục hộ tiếp cận, đến cuối năm 2017 hầu như toàn bộ các hộ có nhu cầu đã tiếp cận được vốn vay, hình thức kinh doanh cũng đa dạng: Làm biển, chăn nuôi, buôn bán tạp hóa, may mặc, buôn bán phế liệu… Qua 2 năm triển khai, mừng là nhiều hộ đã có của dư của để, trả được một phần vốn vay. Tết này, khu xóm làng Vân không khí đón Tết trở nên rộn ràng hơn, hy vọng đón một cái Tết no đủ”.
Chính sách tín dụng “made by Da Nang”
Ông Đoàn Ngọc Chung - Giám đốc NHCSXH TP Đà Nẵng, cho biết với chính sách hỗ trợ ưu đãi về lãi suất đối với hộ dân làng Vân thuộc diện di dời, từ năm 2016, nhiều hộ đã được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách để chuyển đổi ngành nghề. Nguồn vốn UBND thành phố ủy thác qua NHCSXH là hơn 2,6 tỷ đồng, đến nay đạt dư nợ gần 2,2 tỷ đồng với 72 khách hàng. Các hộ vay chủ yếu sử dụng vốn vay để buôn bán nhỏ, gia công, dịch vụ, chăn nuôi. Vốn vay đã đến tận tay người dân làng Vân kịp thời, giúp họ có vốn làm ăn, đầu tư làm kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Chính sách ưu đãi đối với làng Vân là một trong những chính sách đặc biệt mà TP Đà Nẵng thực hiện, thuộc chính sách cho vay di dời giải tỏa đối với các khu vực làng Vân, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, xã Hòa Liên… nhằm hỗ trợ người dân một phần vốn để yên tâm làm ăn, tạo dựng kinh tế hộ vững chắc tại nơi ở mới. Trong năm 2017 có 718 lượt khách hàng đã tiếp cận được nguồn vốn này với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng.
Bên cạnh chính sách di dời giải tỏa, TP Đà Nẵng đã triển khai một số chương trình đặc thù “made by Da Nang”, những chính sách này chú trọng vào những cá thể đặc biệt của thành phố, bao gồm các chương trình: Cho vay hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được UBND thành phố hỗ trợ 100% tiền lãi, cho vay hoàn lương, cho vay cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2017, tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 6.100 hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá: “Những chương trình mang tính đầy nhân văn như thế này đã góp phần tô đậm dấu ấn cho thương hiệu thành phố đáng sống, góp phần không nhỏ vào chủ đề chung của thành phố trong năm 2017, đó là “Thành phố 4 an: An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội”.
Bài và ảnh Minh Trang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn chính sách xã hội giúp người dân thoát nghèo, yên tâm đón Tết
- » Như cánh én dệt mùa Xuân
- » Hứng khởi sang Xuân
- » Khởi đầu của niềm tin
- » Ngày hội giao dịch tín dụng chính sách trên rẻo cao Sơn La
- » Nguồn vốn nhỏ vun góp giấc mơ lớn
- » Vững như “kiềng 3 chân”
- » Trăn trở với giảm nghèo bền vững
- » Hành trình làm bạn cùng người nghèo khó
- » Mang sự tiện ích đến cho người dân