Trăn trở với giảm nghèo bền vững
Khi đường đi hữu hạn
Ghi dấu không chỉ với người dân trong nước mà cả quốc tế với một điểm đến 3 di sản văn hóa thế giới cùng cả một bề dày văn hoá cội nguồn dân tộc. Song ở miền đất rừng cọ đồi chè này, con đường phát triển kinh tế chẳng thơ mộng như những lời ca trong điệu hát cổ, cũng chẳng phải mảnh đất mà các nhà đầu tư “chen chân” đến như mỗi dịp giỗ Tổ.
Cũng bởi vùng đất trung du này, khí hậu và thổ nhưỡng không thích ứng với điều kiện phát triển cây công nghiệp. Nhiều xã bói không ra bóng dáng một doanh nghiệp, nên cơ cấu kinh tế vẫn đeo đẳng hai chữ “thuần nông”.
Hiệu quả trồng lúa không đủ vượt qua nỗi nhọc nhằn, nên chăn nuôi luôn được lãnh đạo các tổ chức hội khuyến khích người dân lựa chọn làm điểm tựa bước qua nghèo khó. Đáp lại câu hỏi của phóng viên với hộ nghèo, sao không vay vốn buôn bán nhanh thu lời, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Long tâm sự, đã là người nghèo thì thiếu thông tin mọi bề, nên những khoản thu lắt nhắt nếu có họ sẽ nghĩ ngay đến việc thoả mãn nhu cầu, nên chuyện tích luỹ là rất khó khăn. Trong khi đó, với việc khuyến khích hộ nghèo chăn nuôi với khoản vay 30 triệu đồng của NHCSXH cùng chút tích luỹ hay hỗ trợ của người thân, họ có thể bắt đầu với việc chăn nuôi trâu, bò sinh sản, hay chăn nuôi lợn. Sau một chu kỳ vay vốn 3 - 5 năm họ cũng có một khoản tích luỹ kha khá sau khi đã trả nợ NHCSXH như có 2 - 3 con trâu, bò, hay đàn lợn…
Và cùng với các chương trình vay vốn chính sách mang tính hỗ trợ liên kết như cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trải qua các chu kỳ người dân sẽ cơ bản thoát khỏi đói nghèo. Ví dụ như hộ chị Đinh Thị Thuỷ ở xóm Móc, xã Thượng Long, huyện Yên Lập. Khởi đầu việc chăn nuôi lợn từ nguồn vốn vay hộ nghèo 11 triệu đồng năm 2007, đến năm 2010 chị đã bước qua ngưỡng hộ nghèo. Song con đường thoát nghèo bền vững vẫn không dễ dàng gì nếu không có “cứu cánh” từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo năm cuối 2013. Với 25 triệu đồng vay mới, chị đã mở rộng mô hình chăn nuôi lợn nái. Quy mô chăn nuôi thêm một lần nữa được tiếp sức với việc chị tiếp tục được vay vốn cho vay hộ cận nghèo thêm một chu kỳ năm 2016. Ngay trong năm 2016, chị đã xuất chuồng được 10 tấn thịt. Hiện trong chuồng đang có 15 con lợn nái và 300 con lợn thịt. Không chỉ kinh tế mỗi ngày thêm vững, nguồn tài chính ổn định cùng nguồn vốn vay hỗ trợ HSSV từ NHCSXH đã chắp cánh cho cậu con trai đầu của chị vào Đại học Nông nghiệp từ năm 2015.
Với gia đình anh Ngọc Văn Tỵ ở thôn Đình, xã Thượng Long, dòng vốn chính sách đã giúp anh xoá đi căn nhà tranh dột nát vào năm 2008. Anh bảo, có an cư mới lập nghiệp, ngôi nhà nhỏ mới ấm áp đã giúp anh thêm tự tin và sức mạnh lên kế hoạch phát triển kinh tế cho riêng mình. Vay vốn mua máy xay xát, ngoài tiền công thu được, anh có thêm cám thừa nuôi gà. Đàn gà cứ ngày một lớn dần cùng nguồn thu nhập tích luỹ. Đặc biệt với việc được vay 40 triệu đồng từ NHCSXH dành cho các hộ dân ở vùng khó khăn năm 2013 anh đã mở rộng chăn nuôi, xây dựng khu nuôi riêng biệt với 2.000 con gà trong đó có 500 con gà đẻ. Anh khoe khoản đầu tư chuồng trại mới và mua thêm lò ấp trứng cũng gần 200 triệu đồng, và phần lớn là anh vay các ngân hàng khác. Song hiện tại với anh, những khoản vay phải trả không là vấn đề khi nguồn thu từ việc chăn nuôi gà khá ổn định.
Sinh kế dài hạn vẫn là một thách thức
Những tương lai tươi sáng của các hộ dân như thế đã được NHCSXH tỉnh Phú Thọ vun đắp và nhân rộng suốt hành trình phát triển của đơn vị. Toàn tỉnh có 276/277 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 99,6%). Hoạt động giao dịch tại xã có sự tham gia giám sát của tổ chức hội, đoàn thể, Ban giảm nghèo xã, phường nên công tác cho vay, thu nợ, thu lãi tại xã đạt hiệu quả cao. Tính đến nay, tổng dư nợ của 12 chương trình tín dụng ưu đãi là 3.680 tỷ đồng với 140 ngàn khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân là 27 triệu đồng/ khách hàng.
Nhìn lại hành trình trước đó càng thấy những nỗ lực của cán bộ NHCSXH đã thẩm thấu vào đời sống, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế tỉnh. Dòng vốn chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 9,89% năm 2014 (giảm 2,63%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra trước một năm).
Theo tiêu chí mới, đầu năm 2016, tỉnh còn 41.050 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 10,51% và tổng hộ cận nghèo là 31,377 hộ, chiếm 8,2%. Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ, Trương Việt Phương cho biết để có thể hỗ trợ các hộ có điều kiện phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm 2017 NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch các huyện đã bám sát chỉ tiêu kế hoạch, chủ động báo cáo UBND, Ban đại diện HĐQT các cấp để triển khai thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, gắn kế hoạch tín dụng ưu đãi với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong công tác kế hoạch hóa tín dụng. Những tháng đầu năm 2017 các đơn vị đã nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu và được địa phương chuyển vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay.
“NHCSXH đã tập trung mọi nguồn lực, điều hành linh hoạt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình theo kế hoạch khi có nguồn vốn Trung ương chuyển về, kể cả nguồn vốn thu hồi nợ và nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, không để tồn đọng lãng phí vốn. Thực hiện định mức quỹ an toàn chi trả theo quy định của NHCSXH”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết. Đồng thời chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động NHCSXH, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hoạt động Tổ giao dịch lưu động, tăng cường hoạt động ủy nhiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội. Chi nhánh cũng tăng cường thực hiện kế hoạch đào tạo tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ NHCSXH, cán bộ tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở nắm vững chế độ chính sách quy trình nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách. Công tác thông tin báo cáo được tăng cường, theo dõi nắm bắt kịp thời các diễn biến trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ để có biện pháp tăng cường công tác chỉ đạo.
Tuy nhiên, để có thể rút ngắn thời gian giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn của NHCSXH mới chỉ là bàn đạp giúp người dân phát triến kinh tế. Câu chuyện quy hoạch, định hướng sản xuất đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Thực tế khảo sát tại một số địa bàn trong tỉnh Phú Thọ như huyện Cẩm Khê và Yên Lập cho thấy, chăn nuôi hiện vẫn là sinh kế được nhiều người dân lựa chọn phát triển kinh tế. Ngay cả khi giá lợn giảm như thời gian vừa qua, nhiều người dân vẫn ngóng chờ một ngày giá lên để tiếp tục chăn nuôi, khi đất đai và nguồn thu từ trồng lúa trồng màu hữu hạn.
Vai trò của chính quyền các cấp vì thế không chỉ là định hướng cho người dân phát triển sản xuất mà cần có những khuyến cáo kịp thời cho người dân từ quy mô chăn nuôi đến vấn đề thị trường. Nhất là ở những nơi mà doanh nghiệp chưa đặt chân tới, chính quyền cần thực hiện tốt vai trò kết nối người dân với thị trường bằng việc hỗ trợ liên kết nông dân - doanh nghiệp cũng như các mô hình kinh tế hợp tác để đưa người nông dân tiến gần vào các chuỗi giá trị.
Bài và ảnh Thanh Lương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình làm bạn cùng người nghèo khó
- » Mang sự tiện ích đến cho người dân
- » Ghép lành những mảnh đời...
- » Ninh Bình phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi trong xây dựng nông thôn mới
- » Tín dụng chính sách giúp sức đồng bào DTTS
- » Sắc Xuân mới trên quê hương Đồng Tháp
- » Khát vọng vùng đất đỏ
- » Nuôi dưỡng khát vọng đổi đời từ “bút sách”
- » Giục từng tấc đất hóa ngọt bùi
- » Xuân no ấm đến với muôn nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu