Hành trình làm bạn cùng người nghèo khó
Không cùng đi, cùng đến thì ngay cả đến những người giàu trí tưởng tượng cũng khó hình dung cái chặng đường trở thành bạn của người nghèo ấy nó gian nan, trắc trở đến nhường nào. Con số 98,27% xã, phường có Điểm giao dịch của NHCSXH tỉnh Tiền Giang là một con số đáng mừng, đáng tôn vinh nhưng đằng sau con số ấy là vô số lần ngã xe, là những chặng đường đi bộ, những bữa đói cơm, là trăm ngàn giọt mồ hôi và đôi khi là cả nước mắt của những cán bộ nhân viên tại đơn vị. Dù không nhiều nhưng chúng tôi cũng đã được cùng cán bộ NHCSXH tỉnh Tiền Giang nếm trải gian nan. Đó là những lần theo chân đoàn đi giải ngân tại các xã vùng xa, vùng sâu ở huyện nghèo Tân Phú Đông là một huyện cù lao có 12km bờ biển và nằm giữa hai cửa sông Tiền là cửa Tiểu và cửa Đại, với những ký ức không thể nào quên của những lần hú hồn vượt con nước vào mùa lũ, hay đi bộ đến rời cả chân trên đường vào xã Phú Tân ở vùng thấp vào những ngày mưa to, gió lớn… Trong những tình huống ấy, tính mạng, tài sản và sức lực của con người thật chẳng thấm vào đâu so với cuồng phong, nộ khí của thiên nhiên nhưng họ vẫn vượt qua an toàn tuyệt đối để đến với những mái nhà xiêu vẹo cùng nhau bàn kế làm giàu.
“Chẳng ai lại thích khó khăn bao giờ! Nhưng có nếm trải gian nan mới thấu hiểu được hết những khó khăn của đồng bào đang phải đương đầu. Đúng là anh em cán bộ của chúng tôi đã gặp không ít gian nan vất vả trong quá trình hoạt động tại cơ sở và nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhưng nhìn một cách công bằng, nếu so với bà con đã phải ngàn đời vạn kiếp sống ở đó thì những gian khổ của chúng tôi gặp phải chẳng thấm vào đâu. Có một điều thật đáng quý ấy là dù vất vả, dù gian khổ nhưng anh em rất yêu nghề. Có người càng đi, càng thấy bà con khó khăn thì lại càng hăng hái, càng phấn đấu. Không cần tinh ý cũng có thể nhận ra rằng chính anh em cán bộ ngân hàng cũng mong bà con thoát nghèo, thoát khó”, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Tiền Giang, Dương Văn Hoàng chia sẻ.
Gần 15 năm có mặt ở Tiền Giang là cũng có hơn 5 ngàn ngày những cán bộ, viên chức NHCSXH tỉnh Tiền Giang nỗ lực vì tương lai bà con, vì nền kinh tế của tỉnh. Những con số như tổng dư nợ cho vay đạt 2.064 tỷ đồng, số hộ dư nợ là hơn 111 ngàn hộ. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp 105 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 72 ngàn lao động; giúp 392 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hơn 75 ngàn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 167 ngàn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 2 ngàn căn nhà vượt lũ ĐBSCL và trên 12 ngàn căn nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 và 33 của Thủ tướng Chính phủ. Những con số này thoạt nhìn thì thấy nó thật đơn giản nhưng để có được nó quả không phải là chuyện đơn giản nhất là với một tỉnh mà trình độ dân trí còn nhiều điều hạn chế trong việc vay và sử dụng vốn vay như ở tỉnh Tiền Giang.
Người dân không thích vay tiền. Chuyện như nghịch lý nhưng lại là thực tế. “Không phải bà con không cần vốn mà chính xác là bà con không biết sử dụng đồng tiền vay được để làm gì nên không nảy sinh nhu cầu vay vốn. Tất nhiên con số này không nhiều nhưng cũng là một vấn đề lớn của NHCSXH tỉnh Tiền Giang. Trong thực tế có những hộ sau khi vay tiền rồi không biết đầu tư SXKD nên khi đáo hạn, phải trả lại tiền thì không làm được nên mang nợ. Người này thấy người khác như vậy nên cũng không mạnh dạn vay vốn”. Bởi lẽ đó, người dân phải là người tìm đến ngân hàng nhưng ở tỉnh Tiền Giang nhiều khi cán bộ NHCSXH phải tìm đến với người nghèo để hướng dẫn họ sau khi có vốn phải sử dụng nó như thế nào, cái gì nên đầu tư trước, việc gì phải làm sau, tại sao nên mua con trâu chứ chưa phải là cái xe máy… Lúc này “bạn của người nghèo” không những đã mang đến cho người nghèo “cái cần câu” mà còn phải cầm tay, chỉ việc hướng dẫn bà con “câu như thế nào” nữa. Việc này hiếm có ở các NHTM và điều đó cũng làm nên những buổi chia tay bịn rịn giữa những người làm NHCSXH và bà con. Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều buổi chia tay như vậy.
Khi nói về hiệu quả đồng vốn cho vay, thật bất ngờ là Phó Giám đốc phụ trách Dương Văn Hoàng lại không nhớ rõ từng hộ dân cụ thể. Như thể sợ chúng tôi hiểu lầm, ông Hoàng giải thích: “Gần 15 năm rồi, tôi chỉ có thể nói rằng số hộ thoát nghèo mà có sự giúp sức của NHCSXH tỉnh Tiền Giang là hàng ngàn chứ không thể nhớ nổi là những hộ nào, ở đâu”. Điều này cũng dễ hiểu bởi một món tiền khoảng 50 triệu đồng đã là cả một gia tài đối với người nghèo. Khoản tiền này cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách, sự hướng dẫn nhiệt tình của các cấp, các ngành và sự “tham mưu” của cán bộ NHCSXH đã có hàng ngàn hộ dân đoạn tuyệt được với cái nghèo. Giai đoạn 2011 - 2015 bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 1,43%. Các xã bãi ngang ven biển bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%. Riêng huyện nghèo Tân Phú Đông tỷ lệ giảm bình quân mỗi năm là 6,1%. Năm 2017 giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,83%, tốc độ giảm nghèo của tỉnh Tiền Giang trong thời gian cũng có phần đóng góp không nhỏ của NHCSXH.
Vay được vốn từ NHCSXH là người dân đã có phương tiện để làm giàu. Tuy nhiên để tạo ra giá trị thặng dư từ nguồn vốn đó thì cần phải có phương thức sản xuất phù hợp. Điều này vẫn đang là một trở ngại rất lớn ở tỉnh Tiền Giang. Có tiền phải có kiến thức, kỹ năng và thậm chí là khát vọng làm giàu mới có thể mang lại hiệu quả. Để thay đổi điều này các cấp, các ngành cần vào cuộc để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thay đổi cả tập quán, tâm lý sản xuất tự túc tự cấp, tư tưởng trông chờ thì nguồn vốn mới thực sự trở thành cái cần câu cho hộ nghèo.
Cơ sở hạ tầng cũng đang là trở ngại lớn trên con đường thoát nghèo của bà con. Trong thực tế, có nhiều bà con đã biết sử dụng hiệu quả đồng vốn vay với sản phẩm làm ra phong phú, đa dạng và dồi dào. Tuy nhiên, giao thông còn cách trở, mạng lưới chợ nông thôn còn quá mỏng và năng lực yếu khiến cho sản phẩm của bà con làm ra dù có tốt, có nhiều đến đâu thì cũng không hiệu quả.
Đến nay đã là 15 mùa Xuân NHCSXH tỉnh Tiền Giang làm bạn của người nghèo nhưng nếu chỉ một đơn vị thì dù có nỗ lực đến mấy chắc con đường đến với giấc mơ làm giàu của người dân sẽ còn nhiều chông gai. Nếu các cấp, các ngành cùng phối hợp tốt, nhịp nhàng với NHCSXH thì hẳn cái cần câu kia sẽ phát huy được tối đa tác dụng và giàu sang sẽ gõ cửa nhiều gia đình hơn. Và tin tưởng rằng, sang Xuân mới 2018, tỉnh Tiền Giang sẽ có nhiều thành tích hơn!
Bài và ảnh Đặng Kim Loan
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Mang sự tiện ích đến cho người dân
- » Ghép lành những mảnh đời...
- » Ninh Bình phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi trong xây dựng nông thôn mới
- » Tín dụng chính sách giúp sức đồng bào DTTS
- » Sắc Xuân mới trên quê hương Đồng Tháp
- » Khát vọng vùng đất đỏ
- » Nuôi dưỡng khát vọng đổi đời từ “bút sách”
- » Giục từng tấc đất hóa ngọt bùi
- » Xuân no ấm đến với muôn nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu
- » Xuân ấm no đến với hộ nghèo ở Thừa Thiên - Huế