Ghép lành những mảnh đời…

19/02/2018
(VBSP News) “Ai đã tới miền quê em Quảng Trị, Thừa Thiên/Qua đường 9 tình Gio Linh lắng nghe giọng hò/Mừng vui bao tin thắng trận, sông Ba Lòng bay bổng lời ca/Quê nhà ta nay đã đổi thay lớn lên từng ngày...”. Câu ca đưa tôi dọc theo con đường 9 huyền thoại một thời hoa lửa... Những triền núi Đông Trường Sơn - Tây Trường Sơn xưa dọc ngang những bom đạn cày xới giờ phủ một màu xanh ngút ngàn của tràm, cao su, hồ tiêu, cà phê. Những thân phận con người cũng đang từng ngày bước lên những nấc thang mới của no ấm từ các kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, với đồng vốn ưu đãi của NHCSXH vừa là điểm tựa, vừa là lực kéo trong suốt 15 năm qua.

Trong 15 năm qua đã có hơn 302 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được vay vốn ưu đãi

Trong 15 năm qua đã có hơn 302 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được vay vốn ưu đãi

Tôi gặp chị Mò Điệp ở UBND xã Mò Ó, huyện Đắk Rông (Quảng Trị), dáng gầy guộc, gói trong bộ quần áo tối màu, nhưng đôi mắt thật sáng và trong trẻo như dòng sông Ba Lòng vắt ngang qua thôn chị. Sinh năm 1973, nhưng cuộc đời của chị cũng mới thoát khỏi cảnh ăn đong chừng 6 - 7 năm nay khi 4ha đất mà gia đình khai hoang trồng bắp, sắn, tràm bắt đầu cho thu hoạch. Những năm trước đó, như nhiều người dân của mảnh đất này, những ngày không lên rừng, hay vào vụ, chị đi rà bom mìn, nhặt vỏ bán lấy tiền sinh sống. Ngày ấy, đất nhiều nhưng để hoang, bởi giao thương chẳng chạm tới thôn Ba Rầu của chị. “Tiền chẳng có, trồng cũng chẳng người mua”, chị kể. Thế rồi những nhà máy dăm gỗ, tinh bột sắn về cùng những con đường mà tỉnh dày công dồn vốn xây dựng đã đem theo mầm mống kinh tế hàng hóa đến Ba Rầu. Chị cũng như nhiều người dân trên mảnh đất này cặm cụi khai hoang từng tấc đất trồng rừng phát triển kinh tế.

Không có vốn, những cánh rừng ì ạch lâu xanh tốt, nhưng chị chẳng dám vay cho đến khi đứa con gái lớn bước vào những năm cuối cấp 2 rồi lên cấp 3. Thấy con học giỏi lại nghĩ đến phận mình trong góc rừng mòn mỏi với miếng cơm, manh áo, chị đã thuận theo sự vận động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội Phụ nữ “mình đã không có chữ rồi, khổ cũng phải cho con học”, vay vốn hộ nghèo của NHCSXH về phát triển kinh tế.

Năm 2015, khi hecta tràm đầu tiên thu hoạch, chị mừng vui vì ra khỏi danh sách hộ nghèo. Niềm vui nhân đôi khi con gái lớn cũng chạm ngõ trường Đại học Sư phạm ngành Tiểu học ở Huế. Một lần nữa, nguồn vốn từ NHCSXH lại giúp chị viết tiếp giấc mơ cho con vào đại học. Và hôm nay, đến UBND xã Mò Ó nhận khoản vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, chị đặt kế hoạch nuôi thêm trâu, chăm chút 4ha rừng tràm vừa mới xuống giống hơn một năm. Chị mong nhanh có thêm thu nhập để chăm chút cho con gái lớn mỗi tối vẫn phải đi rửa chén thuê lấy chi phí ăn uống sinh hoạt, và cậu con trai thứ 2 cũng vừa chạm ngưỡng cửa đại học…

Vốn tín dụng từ NHCSXH cũng đã thắp lên những khát khao học tập và vươn lên của con trẻ những gia đình không có điều kiện cũng đã được hiện thực. Như gia đình ông Nguyễn Miễn tại Phường 2, TP Đông Hà, là hộ nghèo, làm nghề chạy xe ôm nhưng được vay 61,5 triệu đồng từ NHCSXH gia đình ông đã chi phí cho 3 con vào học đại học, đến nay một người con của ông đã ra trường có việc làm ổn định, đứa thứ hai học giỏi đã được đi du học bảo vệ Tiến sĩ tại Pháp và đứa thứ ba đang tiếp tục theo học tại trường Đại học Y Huế. Hay như hộ anh Hồ Xuân Định, người dân tộc Vân Kiều ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Bố là thương binh, mẹ mù cả 2 mắt, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nếu không có 43 triệu đồng vay, anh đã chẳng thể bước vào giảng đường đại học, để nay sau khi ra trường, đi làm, anh tiếp tục thay bố mẹ đứng ra vay vốn, chăm lo cho 3 đứa tiếp tục đi học đại học.

Những mảnh đời có dòng vốn NHCSXH mà trở lên đầy đặn, bớt nhọc nhằn ở vùng đất này không khó thấy. Nhìn lại năm đầu thế kỷ XXI, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 24,5%. Cuộc chiến với “giặc nghèo, giặc đói” ngày càng khó khăn, phần vì trong 15 năm qua, tiêu chí hộ nghèo đã 4 lần thay đổi, với những yêu cầu tối thiểu cho hộ nghèo về thu nhập đã tăng lên 4 lần và tiêu chí đa chiều hơn. Cũng bởi vậy, tỷ lệ hộ nghèo vừa hạ xuống 2 - 3 lần so với chuẩn cũ, lại tăng gấp 2, 3 lần khi tiêu chuẩn mới được ban hành. Càng về sau, việc xóa nghèo càng khó bởi chạm tới phần lõi nghèo, với người dân vừa thiếu tiềm lực kinh tế, thiên chẳng thời, địa chẳng lợi. Chính vì vậy, những con số tỷ lệ hộ nghèo 6,92% theo chuẩn cũ 2015 và 15,43% theo chuẩn mới năm 2016, chưa phản ánh đầy đủ bức tranh giảm nghèo của tỉnh cũng như những đóng góp của NHCSXH.

Ông Mai Thức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 15 năm qua, tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Với doanh số cho vay 15 năm đạt gần 5.000 tỷ đồng, đã giúp hơn 302 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Trong đó có trên 116 ngàn lượt hộ nghèo; 39 ngàn lượt hộ cận nghèo, 6 ngàn lượt hộ mới thoát nghèo; trên 21 ngàn lượt hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn để SXKD, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đã giúp 34 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 19 ngàn lượt hộ vay vốn để tạo thêm việc mới; 61 ngàn lượt hộ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 5 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn để xây dựng nhà ở… Hiện còn gần 70 ngàn hộ còn dư nợ, chiếm gần 50% tổng hộ dân và chiếm hơn 70% hộ nghèo (số liệu năm 2017) toàn tỉnh với dư nợ đến nay đạt hơn 2.280 tỷ đồng, tăng trên 2.100 tỷ đồng, gấp 15 lần so với thời điểm năm 2003.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho nhân dân cải thiện, nâng cao chất lượng về điều kiện sinh hoạt tại các vùng trũng, nguồn nước bị nhiễm phèn nặng tại các xã ở huyện Hải Lăng, Gio Linh…, các xã thường xuyên thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn thuộc miền Tây tỉnh Quảng Trị và đặc biệt là góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt của đồng bào DTTS tại các huyện miền núi như Đakrông, Hướng Hóa… Bức tranh nông thôn mới thêm gam màu sáng với nhiều mô hình kinh tế tận dụng được lợi thế địa phương, mở ra những ngành nghề sản xuất hàng hóa mới như chế biến thủy hải sản ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh; nuôi cá chình lồng ở xã Gio Hòa, trồng cây Thanh Long ruột đỏ tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; trang trại nuôi chim cút tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Nhiều hộ dân vùng biển bãi ngang trong tỉnh, sau sự cố môi trường biển đã được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp cải thiện sinh kế, từng bước vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống…

Những bước chuyển mới trong tín dụng chính sách đang mở ra khi có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương mang đến cơ hội mới cho những người nghèo ở những nơi “thâm sơn cùng cốc”, nơi vẫn còn đông đồng bào DTTS nghèo với ý thức tự cung tự cấp còn án ngữ, chưa tự tin vươn lên phát triển. Như Bí thư huyện Cam Lộ, Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh: “NHCSXH không cô đơn”. Những mô hình kinh tế mới đang được tỉnh nhân rộng về các huyện, những hỗ trợ cho người nghèo không phải là chủ trương tuyên truyền, quán triệt từ tỉnh xuống đến thôn, bản mà là những hành động thiết thực, chương trình thiết thực được chính quyền huyện, xã tìm về và nhân rộng.

Như ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền này, để có thể hỗ trợ đồng bào dân tộc nơi đây, tỉnh đã đầu tư một con đường về tới bản cùng với đó là xây dựng dự án, khuyến khích người dân tham gia dự án trồng dứa công nghệ cao đã khởi động với 20ha, và từ năm sau là 540 - 100ha mỗi năm. “Vốn sản xuất của người nghèo chủ yếu dựa vào NHCSXH còn địa phương tạo điều kiện đào tạo nghề chuyển giao kỹ thuật, giám sát, tổ chức sản xuất để phát huy hiệu quả vốn”, ông Hùng cho biết. Việc đưa bà con vào sản xuất lớn giúp họ có cơ hội cải thiện bền vững. Trước đây trồng rừng 6 - 7ha, 5 năm thu được 50 - 60 triệu đồng, một năm chưa được 10 triệu héc-ta, nhưng dự án dứa thành công, người dân Bản Chùa chỉ cần 7 tháng là thu hoạch dứa với tính toán được 60 - 70 triệu đồng/ha. Tương lai mới đang hứa hẹn trong câu chuyện mà Bí thư huyện ủy Cam Lộ kể về hành trình đi khắp trong Nam ngoài Bắc tìm mô hình sản xuất, đặc biệt là kéo các nhà máy về địa phương cùng với việc cho nhà máy đất xây dựng nhưng không cho đất sản xuất, thay vì đó, là sự tham gia của người dân với vai trò vừa là người cho thuê đất, vừa làm công nhân, hay trực tiếp liên kết sản xuất cho nhà máy…

Ghep-lanh-2

Và dù là một tỉnh nghèo nhưng Quảng Trị luôn quan tâm đến người dân với việc tạo cơ chế hỗ trợ cho các mô hình sản xuất mới và xây dựng cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo NHCSXH tỉnh kể, ngay từ đầu năm, vốn ủy thác của địa phương và huyện đã được chuyển dù ít. Tỉnh đang phấn đấu mỗi năm chuyển sang NHCSXH 10 tỷ đồng. Tuy nhiên bài toán 15,43% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới cuối 2015 và giảm thêm 1,94% đầu năm 2017 vẫn là một bài toán đặt ra với tỉnh cũng như NHCSXH.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng kỳ vọng nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ thắp lên những hoài bão khát vọng thoát nghèo của người dân Quảng Trị đặc biệt là thế hệ thanh niên. Mô hình kinh tế cũng cần được các hội, đoàn thể hướng các thành viên đến nhóm sản xuất khắc phục yếu kém hiện nay là mô hình nhỏ lẻ, cùng với đó là việc nghiên cứu kỹ lưỡng về quy hoạch phát triển đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà bộ sản phẩm chủ lực mà Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua. “Đối tượng chính sách phải tiếp cận hướng phát triển này chứ không thì thành tự cung, tự cấp, sản xuất ra để rồi không bán được. Sản xuất tiếp cận hướng đi hàng hóa đó mới mang lại hiệu quả cho đồng vốn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Những tâm tư này đã và đang được Ban Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị cùng với các cán bộ chi nhánh hiện thực hóa thông qua việc phối hợp với các hội, đoàn thể. Bởi hơn ai hết, họ không chỉ khích lệ động viên người dân tham gia phát triển sản xuất mà còn là một trong những cầu nối đưa KHKT vào sản xuất. Vai trò của các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng đang được NHCSXH tỉnh tập huấn nâng cao. Tuy nhiên, để những mắt xích này hoạt động trôi chảy, Lãnh đạo NHCSXH tỉnh cho rằng cần phải thay đổi nhận thức của chính quyền cấp xã, hơn nữa thay vì thụ động chờ các tổ bình bầu người tham gia vay vốn, chính quyền xã nên chủ động cùng tham gia để lựa chọn các hộ vay vốn cũng như tạo nền tảng phát triển kinh tế cho chính địa bàn từ những tế bào kinh tế nhỏ lẻ, đơn độc và yếu thế nhất.

Bài và ảnh Minh Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác