Khát vọng vùng đất đỏ

18/02/2018
(VBSP News) Các cơ chế, chính sách cho vay vốn, thời điểm thay đổi mức vay, tiểu sử từng hộ vay được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Y Sư Kaul ở Buôn Kao, xã EaKao, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thuật lại vanh vách với Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH hồi đầu năm 2017 khi ông tranh thủ cùng Đoàn cán bộ ngành Ngân hàng đi thăm tình hình SXKD của các doanh nghiệp và người nghèo trên địa bàn tỉnh. Là một Tổ trưởng, lại là Trưởng buôn, ông Y Sư Kaul luôn cập nhật và thấu hiểu ý nghĩa của từng loại vốn chính sách của Chính phủ mà NHCSXH đang được uỷ thác, để từ đó có thể tham vấn cho bà con Ê Đê của ông tham gia vay vốn, nắm bắt cơ hội đổi đời.

Nhiều hộ nghèo ở Đắk Lắk vay vốn thâm canh cà phê

Nhiều hộ nghèo ở Đắk Lắk vay vốn thâm canh cà phê

Các cơ chế, chính sách cho vay vốn, thời điểm thay đổi mức vay, tiểu sử từng hộ vay được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Y Sư Kaul ở Buôn Kao, xã EaKao, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thuật lại vanh vách với Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH hồi đầu năm 2017 khi ông tranh thủ cùng Đoàn cán bộ ngành Ngân hàng đi thăm tình hình SXKD của các doanh nghiệp và người nghèo trên địa bàn tỉnh. Là một Tổ trưởng, lại là Trưởng buôn, ông Y Sư Kaul luôn cập nhật và thấu hiểu ý nghĩa của từng loại vốn chính sách của Chính phủ mà NHCSXH đang được uỷ thác, để từ đó có thể tham vấn cho bà con Ê Đê của ông tham gia vay vốn, nắm bắt cơ hội đổi đời.

Và, những cầu nối vốn bắt nguồn từ thôn, bản như ông Y Sư Kaul cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đang giúp dòng vốn từ NHCSXH chảy nhanh và mạnh trên vùng đất đỏ Đắk Lắk, đặc biệt là những năm gần đây.

Ví như, gia đình ông Y Tring Knul cùng buôn với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Y Sư Kaul. Cái nghèo không biết sẽ đeo bám đến bao giờ nếu như không có dòng vốn chính sách hỗ trợ. Năm 2013, dù đã bước sang cái tuổi 50, song ông Y Tring Knul cùng vợ vẫn chưa thể gồng gánh kinh tế gia đình khỏi ranh giới bấp bênh nghèo đói. Thế nên, không chỉ tạo cơ hội cho gia đình Y Tring Knul tiếp cận vốn giảm nghèo, ông Y Sư Kaul cùng bà con trong buôn tư vấn cho gia đình đầu tư vào chăn nuôi bò. Ông bảo, đúng là chăn nuôi lâu, mất thời gian, nhưng sau 3 năm, hộ dân sẽ có một nguồn vốn kha khá để có thể bước tiếp một bước mới trong phát triển sản xuất. Minh chứng cho điều đó là sau 3 năm vay vốn ưu đãi hộ cận nghèo 15 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản và chăm sóc cà phê, cuối năm 2016 gia đình chị Y Tring Knul đã trả hết nợ và vay tiếp vốn hộ thoát nghèo năm 2017.

Những nền tảng phát triển kinh tế đã và đang hiện hữu hứa hẹn cơ hội thoát nghèo bền vững nhanh hơn khi hiện nay, gia đình chị đã có 3 con bò trị giá 50 triệu đồng. 5.000m2 cà phê hằng năm cho thu 1,2 tấn nhân trị giá 40 triệu đồng. 3.000m2 lúa nước với hai vụ gieo cấy cũng mang về cho gia đình chị 6 tấn thóc không chỉ đủ ăn mà còn có thêm chút “của để dành” lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn cũng như học hành.

Tích luỹ tăng từ dòng vốn chính sách cũng là cơ sở để các hộ dân tích tụ ruộng đất, phát triển cây hàng hoá như cà phê, hồ tiêu hoặc cây ăn quả được xem là thế mạnh của vùng đất bazan đất đỏ này, mơ về một tương lai xa hơn. Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, Nguyễn Đức Thuận - thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cho biết, dù là một xã của TP Buôn Mê Thuột, song con đường vươn lên nông thôn mới của một xã thuần nông lại không dễ dàng gì, cộng thêm 50,3% là đồng bào dân tộc Ê Đê. Chính bởi vậy, dòng vốn chính sách những năm qua không chỉ là nhịp cầu nối người dân với ý thức phát triển kinh tế thoát khỏi tự cung, tự cấp mà các điển hình phát triển kinh tế từ dòng vốn nhân thêm tinh thần thoát nghèo làm giàu của người dân xã, nhất là khi các cây hàng hoá ngày càng phát triển và trở thành lợi thế của vùng.

Nhìn lại 6 năm (2011 - 2016) triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ 7 tiêu chí ban đầu đến nay, Hòa Xuân đã đạt 19/19 tiêu chí, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã được quy hoạch, đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và khang trang; đời sống kinh tế của nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn được khởi sắc và đổi mới. Thu nhập bình quân của người dân đạt từ 14,1 triệu đồng/người (năm 2011) lên 27,9 triệu đồng/người (năm 2016); số hộ nghèo giảm phân nửa chỉ còn 4,8%. Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp người dân bước qua nghèo khó mà còn góp phần đưa tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn của Bộ Xây dựng chiếm 88,4%. Tích luỹ dân cư tăng cũng là điểm tựa để người dân tham gia vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã nói chung. Tổng nguồn vốn trong 6 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt trên 111,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 8,7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Những động lực giảm nghèo, phát triển kinh tế hàng hoá được tiếp sức thêm từ sự sâu sát của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk với việc bám sát kế hoạch phát triển kinh tế tỉnh để lồng ghép quá trình mở rộng tín dụng với các định hướng, mô hình phát triển kinh tế. Trên địa bàn tỉnh miền núi như Đắk Lắk có 184 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 50% xã thuộc vùng khó khăn, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 35%, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tử Ân cho biết, những năm qua, đơn vị đã tích cực tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương cũng như địa phương để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, đặc biệt là phát huy thế mạnh phát triển kinh tế từ cây cà phê. Khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư cũng đang được kéo lại gần với việc chi nhánh tập trung vốn cho các huyện vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% như Ea Súp, Lắk và MDrắk, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai được vay bổ sung để đầu tư SXKD. Ví như năm 2016, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại MDrắk là 27,86%; Lắk 20,8%; Ea Súp 16%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng bình quân chung toàn tỉnh là 11,67%.

Tính đến hết nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đạt 3.946 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,4%, với 201.295 khách hàng còn dư nợ.

Nhìn lại cả giai đoạn từ năm 2011 đến nay càng thấy rõ hiệu ứng của dòng vốn chính sách với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nếu như cuối năm 2011, nguồn vốn uỷ thác của địa phương để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chỉ đạt 119,3 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại đã đạt trên 167.027 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn của chi nhánh lên trên 3.950 tỷ đồng.

Đây là nền tảng để chi nhánh đẩy mạnh việc tăng trưởng dư nợ, đồng thời tăng cường phối hợp với cấp, hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay, đảm bảo hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay từ đó hộ vay tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và có điều kiện trả nợ gốc và lãi tiền vay. Hiệu quả của các giải pháp đồng bộ đã được ghi nhận bằng chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,32% tổng dư nợ, trong khi đó vào cuối năm 2011, con số này là 1,3%.

Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm từ 14,67% xuống còn 12,26%; năm 2014 giảm từ 12,26% xuống còn 10,02% và năm 2015 ước giảm 3%. Năm 2016, số hộ nghèo ước giảm trong là 17.000 hộ; số hộ cận nghèo ước giảm 8.000 hộ. Những điển hình về giảm nghèo phát triển kinh tế gắn với sinh kế vững bền đang nhen lên sức sống mới trong từng nếp nhà, buôn làng của tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện chuẩn nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Với dân số 1.827.800 người, số hộ dân 421.250 hộ trong đó hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là 81.592 hộ, chiếm tỷ lệ 19,37%, hộ cận nghèo 34.884 hộ, chiếm tỷ lệ 8,28%, Đắk Lắk cần nhiều hơn nữa nguồn vốn phát triển kinh tế đặc biệt là vốn chính sách đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều người dân phản ánh mức cho vay thấp chưa đủ làm đòn bẩy xoá nghèo, tạo công ăn việc làm, dù NHCSXH tỉnh cũng đã tập trung ưu tiên vào các nguồn vốn mang tính cấp thiết nhất đối với đối tượng chính sách. Bài toán về vốn vì thế không chỉ cần thêm nhiều mà cần xác định được các chương trình trọng điểm tránh dàn trải. Ví như cần điều chỉnh mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên trên 10 triệu đồng/công trình (hiện mức cho vay là 6 triệu đồng/công trình không đủ để hộ dân đầu tư xây dựng); đồng thời nâng mức cho vay hộ nghèo cũng như chương trình giải quyết việc làm,…

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Tử Ân cho biết thêm, năm 2017 chi nhánh tập trung triển khai huy động vốn đặc biệt là mô hình huy động tiết kiệm mới tại Điểm giao dịch xã. Cùng với đó chi nhánh đã tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhận vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh, huyện từ 16 tỷ đồng trở lên. Nguồn vốn đó đang được chi nhánh hướng vào cho vay tại các xã và huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2017 nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,20% và toàn tỉnh có hơn 50 xã không có nợ quá hạn và 2 tổ chức hội nhận ủy thác cấp huyện không có nợ quá hạn”, ông Ân cho biết.

Các chương trình tín dụng của chi nhánh đã và đang góp phần nỗ lực vào Kế hoạch nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 bình quân từ 2,5 - 3%/năm (riêng tại 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 4 - 4,5%/năm), đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trong tỉnh đến cuối năm 2020 tăng lên 1,9 lần so với cuối năm 2015; từ 15 - 20% số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…

Xa hơn, mạch nguồn tín dụng chính sách mỗi ngày thêm lan tỏa trong cộng đồng với giá trị gia tăng ngày càng cao không chỉ góp phần giúp người dân bước qua nghèo khó, mà hơn thế còn gia tăng cơ hội phát triển kinh tế hàng hoá, viết tiếp khát vọng cao nguyên đất đỏ - nơi sẽ không chỉ là thủ phủ của cà phê mà của nhiều cây hàng hoá đang ngày càng nặng tình với mảnh đất và con người Đắk Lắk.

Bài và ảnh Ngọc Trang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác