Xuân về trên quê hương núi Ấn, sông Trà
Quảng Ngãi là tỉnh thuộc duyên hải miền Trung nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực. Miền quê mang biểu tượng núi Ấn, sông Trà này trải dài từ dẫy Trường Sơn ra biển Đông có nền văn hóa lâu đời Sa Huỳnh. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự vươn lên của nhân dân địa phương đã khởi sắc không ngừng, đạt được những kết quả khích lệ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, trong đó nổi bật việc thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững.
Cụ thể là năng lực tổ chức, ý thức triển khai công cuộc giảm nghèo được nâng cao rõ rệt trong cả cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư. Hầu hết hộ nghèo, hộ gia đình là đồng bào DTTS được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo mới có tính đặc thù như Nghị quyết 30a, dự án phủ xanh đất trống đồi trọc ở miền núi, ven biển, hải đảo và các chương trình tín dụng chính sách đầu tư phát triển kinh tế, ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhờ vậy, khắp các vùng nông thôn tại Quãng Ngãi từ vùng núi cao Tây Trà, Ba Tơ, xuống đồng bằng ven biển Bình Sơn, Nghĩa Hành ra tận đảo lớn, đảo bé Lý Sơn có nhiều thay đổi, cải thiện về đời sống, nhà ở, công trình giao thông, điện nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, phát huy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế về lâm nghiệp, nông nghiệp, hải sản.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Phạm Trường Thọ, sau 15 năm triển khai Nghị định 78 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tổng nguồn vốn trên địa bàn đến nay đạt 2.827 tỷ đồng, tăng 19 lần so với năm 2002. Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 14/14 cấp ủy, chính quyền cấp huyện đã thực sự vào cuộc, quan tâm, chỉ đạo công tác tín dụng chính sách, đồng thời dành nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với số tiền 33,5 tỷ đồng. Ngoài việc hỗ trợ cơ sở vật chất, bố trí địa điểm đất mới xây dựng trụ sở làm việc cho NHCSXH, nhiều xã ở các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tây, Nghĩa Hành… còn trích từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng chuyển sang NHCSXH để cho người nghèo trên địa bàn vay, phát triển SXKD.
Cùng với việc tăng trưởng nguồn vốn, mô hình NHCSXH còn được kịp thời thành lập từ huyện miền núi cao Tây Trà đến huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn, để làm cầu nối đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng, kể cả đồng bào dân tộc Hre, Cor, Ca Dong ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch tỉnh cũng cho biết, thông qua việc tổ chức giao dịch tại 184 Điểm giao dịch tại xã, thực hiện phương thức cho vay uỷ thác một số nội dung công việc qua 4 tổ chức chính trị - xã hội và bình xét dân chủ công khai cho hộ vay vốn ở 2.900 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từng giai đoạn đều vượt chỉ tiêu, cụ thể giai đoạn 2011 - 2015 giảm 3,09%; tạo việc làm cho hơn 36 nghìn lao động trong, ngoài nước, tiếp sức cho 52 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập, hỗ trợ gần 2 ngàn hộ nghèo làm nhà tránh lũ, tạo điều kiện cho trên 99 ngàn gia đình xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Để hiểu rõ hơn về tác động tích cực của tín dụng chính sách ở vùng núi Ấn, sông Trà, chúng tôi đã theo chân cán bộ NHCSXH vượt sóng gió đến huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn - cách đất liền 15 hải lý. Huyện Lý Sơn có diện tích 10,3km2 nhưng dân số có đến 21 nghìn người sinh sống, chủ yếu tại 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình với nghề truyền thống là đánh bắt hải sản và trồng hành, tỏi. Trên mảnh đất nhỏ giữa biển lớn được mệnh danh là “vương quốc tỏi” vẫn còn đến 942 hộ nghèo, 562 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 26,04% tổng số 5.776 hộ toàn huyện.
Trước thực trạng đó, huyện Lý Sơn đã đề ra chương trình giảm nghèo bền vững với những giải pháp thiết thực, trong đó nhóm giải pháp về nguồn lực do NHCSXH làm chủ lực, đẩy mạnh lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án và tổ chức cho vay đúng đối tượng, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để hộ nghèo vươn lên vượt khó ổn định cuộc sống. Từ nguồn vốn vay, người nghèo ở các xã đảo lớn, đảo bé của huyện Lý Sơn đã chủ động làm đất, lắp ráp hệ thống tưới tiêu, chuẩn bị đủ giống tốt kịp vào vụ trồng hành, trồng tỏi và mua sắm ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền, vươn khơi đánh bắt hải sản.
Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, Trần Bút cho biết, gần đây, nhờ có điện lưới quốc gia và nguồn vốn vay ưu đãi đã đáp ứng đầy đủ, đúng lúc nên số hộ nghèo của địa phương giảm nhanh, từ 780 hộ xuống còn 450 hộ, tỷ lệ từ 22,6% giảm xuống còn 13,05%.
Được biết, xã An Vĩnh nằm ở trung tâm huyện đảo Lý Sơn với 3.447 hộ, đã 32 Tổ tiết kiệm và vốn vay hoạt động, hiện có dư nợ tại NHCSXH 48,2 tỷ đồng và hơn 2.000 lượt hộ vay vốn chính sách để đầu tư sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản.
Không chỉ ở xã An Vĩnh, ngay tại thôn An Bình thuộc xã đảo bé An Bình cũng có nhiều hộ nghèo nhờ vốn vay chính sách trồng được 170ha hành, tỏi. Hầu hết diện tích hành, tỏi của nông dân xã đảo bé này đều sinh trưởng phát triển tốt, đạt sản lượng cao. Tiêu biểu như gia đình chị Võ Thị Lựu năm ngoái thu hoạch được 1,3 tấn tỏi tươi trên diện tích 3 sào với giá bán ngay tại ruộng được khoảng 75 triệu đồng, sau khi trừ hết mọi chi phí lãi gần 40 triệu đồng. “Được mùa vụ, tôi trả hết nợ vay của NHCSXH và còn dành dụm mua đủ vật tư để xuống giống vụ trồng hành tỏi năm nay”, chị Lựu hồ hởi nói.
Thực tế sau 15 năm hoạt động, NHCSXH huyện Lý Sơn đã tạo lập được nguồn vốn khá lớn, nâng tổng dư nợ lên 81 tỷ đồng, tăng 78,8 tỷ đồng so với năm đầu thành lập (2003), đặc biệt là không có nợ quá hạn. Kết quả này là minh chứng sinh động nhất của hình ảnh 5 cán bộ trên huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn đã lăn lộn, bền bỉ bám sát ruộng đồng, bãi biển, gắn bó mật thiết cùng chính quyền, đoàn thể cơ sở chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn ưu đãi đến từng hộ nghèo, thôn nghèo, góp phần làm cho vùng đảo xa xôi trù phú, không ngừng khởi sắc.
Rời huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi đến tiếp Nghĩa Hành là huyện trung du miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Tại huyện Nghĩa Hành, những cánh đồng xanh ngắt bạt ngàn rau màu lúa ngô, những con đường mở trải nhựa phẳng lỳ, những ngôi nhà mới xây cao dành cho người nghèo và bà con dân tộc Hre, Ca Dong tránh lũ lụt đang được hình thành. Với vùng quê này để giảm nghèo bền vững, ngoài việc lựa chọn các mô hình kinh tế hiệu quả, thông qua các chính sách, chương trình dự án của Nhà nước luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó chú trọng khai thác nguồn vốn chính sách, lồng ghép việc sử dụng nguồn vốn chính sách với chuyển giao KHKT, khuyến nông, khuyến lâm nhằm giúp người nghèo và đồng bào DTTS phát triển sinh kế làm ăn.
Căn cứ vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương, NHCSXH huyện Nghĩa Hành phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và đồng bào DTTS tiếp cận kịp thời, đầy đủ nguồn vốn chính sách. Tổng dư nợ sau 15 năm hoạt động đạt trên 236 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần thay đổi diện mạo các làng quê Nghĩa Hành. Tiêu biểu tại thôn Trường Lễ, xã Hành Tín Đông trước đây chỉ độc canh một vụ lúa nương, năng suất thấp, tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm lên trên 40%, nhiều gia đình dân tộc Hre nghèo sinh sống trong căn nhà tranh tre tạm bợ, thường xuyên bị nước lũ trên thượng nguồn sông Vệ tràn về tàn phá ruộng đồng, tài sản, đe doạ tính mạng con người.
Nhưng ngày nay, Trường Lễ đang đổi thay, khác trước nhiều. Người nghèo được vay vốn chính sách, được hướng dẫn sử dụng vốn vay để tăng vụ, thâm canh cây lúa nước, rau xanh, biết bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng trồng mới, nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo, xây nhà vững chắc, cao ráo, vừa để ở, vừa tránh lũ.
Chị Phạm Thị Thu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trường Lễ cho biết: Nhờ nguồn vốn chính sách mà số hộ dân có điều kiện chủ động phát triển trồng trọt, chăn nuôi, làm nhà tránh lụt. Số hộ có đời sống ổn định, thu nhập cao cũng tăng nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước. Chị Tổ trưởng còn kể thêm, hiện nay cả thôn có 179 hộ sử dụng gần 5 tỷ đồng vốn chính sách đầu tư trồng rừng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó có 28 hộ nghèo từ năm 2016 được vay vốn chính sách xây nhà tránh lụt. Một trong số hộ thoát nghèo bền vững từ đồng vốn vay tại NHCSXH huyện Nghĩa Hành là gia đình bà Phạm Thị Niên, 54 tuổi, người dân tộc Hre đã sử dụng 72 triệu đồng tiền vay từ 3 chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và cho vay làm nhà chống lũ đã nuôi được đàn bò 8 con, trồng 2ha keo lá tràm, xây mới một ngôi nhà cao ráo. “Tất cả rừng cây xanh, đàn bò béo, ngôi nhà mới của gia đình tôi có được là từ đồng vốn ưu đãi đấy”, bà Niên nói.
Đúng vậy, để vùng quê núi Ấn, sông Trà ngày nay no đủ, bình yên, đồng bào nơi đây ghi nhận sự chung tay, góp sức của NHCSXH tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước trên địa bàn. 15 mùa Xuân qua, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vốn tín dụng chính sách, giúp đỡ nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên làm chủ cuộc sống.
“Thời gian tới, những người làm tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi sẽ vẫn luôn tận tâm, đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể chuyển nguồn vốn kịp thời tới mọi vùng miền, đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thiết thực trong công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi, Trần Duy Cường khẳng định.
Bài và ảnh Quang Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm của những dấu ấn nổi bật
- » Tín dụng chính sách “xanh” giúp “xanh hóa” nền kinh tế Việt Nam
- » Để tín dụng chính sách trở thành “Đòn bẩy” phát triển kinh tế
- » Ngân hàng Nhà nước tăng cường nguồn lực cho giảm nghèo bền vững
- » Thành phố Hồ Chí Minh huy động nguồn vốn giảm nghèo hiệu quả
- » Tín dụng chính sách khẳng định vị thế quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô
- » Khi địa phương chung tay giảm nghèo
- » Tổ chức hội, đoàn thể - Dây dẫn chuyền từ vốn vay của NHCSXH
- » “Điểm sáng” đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo
- » Tín dụng chính sách tạo xung lực giảm nghèo bền vững