Để tín dụng chính sách trở thành “Đòn bẩy” phát triển kinh tế

14/02/2018
(VBSP News) Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các ngân hàng, TCTD đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện cho nông dân vay vốn mở rộng SXKD. Theo đó, dòng tiền đã chảy mạnh hơn về khu vực nông thôn, tạo thêm kênh đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, NHCSXH cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thúc đẩy SXKD, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tín dụng chính sách đã tạo nên bước đột phá về cải thiện điều kiện sống cho người nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới

Tín dụng chính sách đã tạo nên bước đột phá về cải thiện điều kiện sống cho người nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới

Tín dng chính sách trong chương trình xây dựng nông thôn mới

Mục tiêu chung của Chương trình bao gồm: “Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”.

Trải qua 15 năm hoạt động, NHCSXH đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách cho nhiều đối tượng với mục tiêu đa dạng. Bên cạnh chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo phát triển sản xuất, dịch vụ, chương trình tín dụng chính sách còn bao gồm các chương trình nổi bật như: chương trình tín dụng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn; chương trình cho vay giải quyết việc làm; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… Các chương trình tín dụng chính sách đã tạo nên bước đột phá về cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tín dụng chính sách góp phần thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Người nghèo được xét trên khía cạnh nghèo về vật chất và nghèo về tinh thần. Nguồn vốn tín dụng cho người nghèo đã giúp người nghèo khắc phục được trở ngại thiếu vốn dành cho hoạt động SXKD, tạo điều kiện cho họ mua sắm vật tư, công cụ để lao động. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi, người nghèo đã có thể sử dụng sức lao động của mình, biến sức lao động thành của cải, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống khó khăn mà họ đang gặp phải. Về đời sống tinh thần, tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách nâng cao được đời sống văn hóa, góp phần giải quyết những bất ổn trong đời sống của họ. Với số vốn được vay, họ có thể tập trung lao động với năng suất cao hơn và dành được thời gian để tham gia vào các sự kiện, chương trình văn hóa - xã hội tại địa phương. Do vậy, đời sống tinh thần của họ sẽ được cải thiện, là một trong những yếu tố để bảo đảm người nghèo thực sự thoát nghèo.

Tín dụng chính sách góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Khi đời sống ổn định, người nông dân sẽ tích cực đóng góp của cải, công sức hơn trong các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn. Đồng thời, khi nhà cửa của các hộ gia đình được xây, sửa chữa cơi nới cũng khiến cho bộ mặt làng xã, thôn, bản trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Bên cạnh đó, cùng với việc sản xuất thuận lợi, số lượng người di cư từ nông thôn lên thành phố tìm kiếm công việc mới giảm dần, làm giảm áp lực cho các khu đô thị. Cuộc sống ổn định và số lượng lao động nhàn rỗi ít cũng kéo theo sự sụt giảm về vấn đề tệ nạn xã hội ở nông thôn.

Tín dụng chính sách làm giảm sức thu hút của thị trường tín dụng đen đối với người dân. Nếu không tiếp cận được với nguồn tín dụng thương mại đòi hỏi các yêu cầu khắt khe về hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, tài sản bảo đảm…, người nghèo và các đối tượng chính sách phải vay với lãi suất cao từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn địa phương, góp phần tạo điều kiện cho thị trường tín dụng phi chính thức này phát triển. Tuy nhiên, tín dụng chính sách với những ưu đãi về lãi suất (thấp hơn lãi suất thị trường) và đi kèm là các ưu đãi khác về thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ… giúp cho các đối tượng chính sách cân bằng được mức sinh lời trong các hoạt động SXKD doanh, giúp họ không phải tìm đến với các khoản tín dụng nặng lãi.

Tín dụng chính sách giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện phân công lại lao động xã hội. Ngoài việc phát huy hiệu quả các nguồn lực về lao động và đất đai, tín dụng chính sách còn tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách tiếp cận với KHKT và các công nghệ sản xuất hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất lao động và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, những người nghèo có được việc làm phù hợp với khả năng của mình, đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Ngoài ra, tín dụng chính sách còn có tác dụng giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách đa dạng hóa được các nguồn thu nhập khi ngoài công việc chính là trồng trọt, chăn nuôi, họ còn có thể làm các công việc khác để gia tăng thu nhập sau khi được đào tạo nghề.

Tín dụng chính sách giúp người nghèo nâng cao kiến thức tiếp cận với thị trường. Việc vay vốn ngân hàng tạo điều kiện cho hộ nghèo được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó đã thay đổi cơ bản về nhận thức từ việc được cấp phát, cho không chuyển sang đi vay vốn có hoàn trả. Họ đã chủ động tính toán làm ăn, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước hòa nhập với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Thông qua hoạt động gửi tiền tiết kiệm khi vay vốn, hộ nghèo đã rèn luyện ý thức tiết kiệm, chắt chiu dành dụm để tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai.

Hoạt động tín dng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới

Tín dụng chính sách được xem là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với nhiệm vụ tập trung vào cung cấp tín dụng hộ gia đình nông thôn thuộc đối tượng chính sách với quy mô vốn vay nhỏ, lãi suất ưu đãi, NHCSXH thời gian qua đã hoạt động rất tích cực trong việc giảm nghèo khu vực nông thôn, hướng tới việc đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới.

Quy mô dư nợ tín dụng tại NHCSXH tăng liên tục qua các năm từ mức 89.000 tỷ đồng năm 2010 lên mức 157.000 tỷ đồng năm 2016, tăng gấp gần 2 lần qua 6 năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn ở mức trên 6% và đạt tốc độ tăng trưởng cao 10,7% vào năm 2016. Không chỉ dư nợ, số lượng hộ gia đình được cấp tín dụng cũng tăng lên từ hơn 2,2 triệu hộ năm 2010 lên hơn 2,4 triệu hộ gia đình năm 2016. Sau khi tăng trưởng âm trong các năm 2012 và năm 2013, tốc độ tăng trưởng của số hộ được cấp tín dụng đã dần phục hồi vào năm 2014 và đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các năm 2015 và 2016 với tốc độ lần lượt là 11,65% và 5,26%.

Đặc biệt, do tốc độ tăng trưởng của dư nợ cao hơn tốc độ tăng trưởng của số hộ được cấp tín dụng nên quy mô dư nợ bình quân trên hộ hầu như luôn đạt tốc độ tăng trưởng dương trong suốt giai đoạn 2011 - 2016. Trung bình một hộ gia đình được cấp gần 64 triệu đồng dư nợ vào năm 2016, cao gần gấp 1,5 lần so với mức 40 triệu đồng năm 2010. Đối với cơ cấu tín dụng theo mục đích cho vay tại NHCSXH, tỷ trọng cho vay SXKD trên tiêu dùng dao động quanh mức 50:40. Nguyên nhân là do, trong cấu phần cho vay tiêu dùng của NHCSXH có bộ phận chủ yếu là cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Bộ phận này chiếm tỷ trọng 29,12% dư nợ tín dụng vào năm 2010, đạt đỉnh 32,24% vào năm 2012, trước khi giảm dần xuống mức trên 17% vào năm 2015. Trong khi đó, mức độ đóng góp vào tỷ trọng chung của cho vay liên quan tới nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã tăng gấp gần 2 lần trong giai đoạn 2010 - 2015, từ 7,78% lên 14,10%. Điều này góp phần quan trọng vào việc giúp các xã khó khăn đạt yêu cầu tiêu chí số 17 trong bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới về đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng; thực hiện các yêu cầu về bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn xã.

Tỷ trọng cho vay SXKD sau khi giảm nhẹ vào năm 2011 - 2012, đã phục hồi và đạt đỉnh ở mức 56,18% năm 2015, phù hợp với xu thế chung của ngành Ngân hàng. Đáng lưu ý, trong cấu phần cho vay SXKD, cho vay hộ nghèo luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, đặc biệt trong năm 2010, tỷ trọng này đã lên tới 40,42%. Từ năm 2013, trong cơ cấu cho vay SXKD đã có thêm cho vay hộ cận nghèo. Việc mở rộng đối tượng vay tới các hộ cận nghèo là biện pháp quan trọng và kịp thời nhằm giúp các hộ mới thoát hộ nghèo (chuyển sang hộ cận nghèo) có cơ hội thoát nghèo bền vững, đồng thời hỗ trợ các hộ cận nghèo chưa tham gia tín dụng có thể không bị rơi vào diện hộ nghèo. Do đó, mặc dù xét riêng lẻ, tỷ lệ cho vay hộ nghèo đã giảm xuống mức 25,23% vào năm 2015, tuy nhiên, nếu gộp chung cả hai đối tượng vay là hộ nghèo và hộ cận nghèo, thì tỷ lệ sẽ tăng lên từ hơn 40% năm 2010 lên tới 44% năm 2015.

Đối với cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn, tỷ trọng cho vay trung dài hạn tại NHCSXH trong suốt giai đoạn 2010 - 2016 luôn đạt trên 90% và tăng liên tục từ mức 94,11% năm 2010 lên mức 97,85% năm 2016. Do đối tượng khách hàng mục tiêu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu mục đích sử dụng vốn của NHCSXH là các hộ nghèo, cận nghèo cũng như HSSV nên kỳ hạn cho vay thường phải đủ dài (cấp tín dụng trung dài hạn) để các đối tượng vay vốn có thể thu xếp được nguồn lực tài chính trả nợ cho ngân hàng.

Cơ cấu tín dụng tại NHCSXH còn được phân loại theo 7 khu vực địa lý, gồm: đồng bằng sông Hồng; miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ; Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Có thể thấy, dư nợ tín dụng phân bố khá đồng đều ở các khu vực địa lý và duy trì tương đối ổn định qua các năm trong giai đoạn từ 2010 - 2015. Tín dụng được tập trung nhiều hơn ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và ĐBSCL. Thực trạng phân bố này được lý giải bởi mức độ khó khăn cao của các vùng kinh tế này. Là vùng có tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS cao nhất và có nhiều xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ, miền núi phía Bắc là khu vực tập trung dư nợ cao nhất của NHCSXH, luôn chiếm trên 24% tổng dư nợ. Sau đó là vùng Bắc Trung Bộ và ĐBSCL. Mức độ khó khăn của 3 khu vực này cũng đã được phản ánh trong các tiêu chí kinh tế xây dựng nông thôn mới khi mức độ yêu cầu luôn là thấp nhất khi so sánh với các khu vực khác.

Chất lượng tín dụng hộ gia đình nông thôn tại NHCSXH khá tốt với tỷ lệ nợ khoanh và nợ quá hạn ở mức dưới 1% năm 2014 - 2015. Sau khi tăng mạnh lên mức 1,08% vào năm 2011, tỷ lệ nợ quá hạn bắt đầu giảm dần về mức 0,33% năm 2015.

Tín dụng khu vực nông thôn của NHCSXH đã góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn cho người dân. Trước hết, với chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã ngày càng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ cho vay đối với hộ nông dân nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn, NHCSXH đã từng bước cải cách thủ tục, hồ sơ vay vốn để đơn giản, phù hợp với đặc thù của nông thôn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn của ngân hàng.

Với chỉ tiêu tỷ lệ người nghèo, thu nhập bình quân đầu người tại nhiều xã nông thôn mới cũng đã được cải thiện. Theo báo cáo tổng hợp của Ban chỉ đạo Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến hết tháng 11/2015, mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2010, số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh còn 8,2%.

Thúc đẩy và nâng cao chất lượng tín dng chính sách trong xây dựng nông thôn mới

Chất lượng tín dụng hộ gia đình của NHCSXH khá tốt, nhưng vẫn còn tình trạng nợ quá hạn, nợ khoanh ở một số địa phương cao hơn mức bình quân của toàn hệ thống. Do vậy, hoàn thiện lại bộ máy quản trị của NHCSXH tại các địa phương này nói riêng và toàn hệ thống nói chung là việc làm cần thiết, không chỉ giúp giải quyết bất cập kể trên mà còn hướng tới tăng cường hiệu quả công tác quản trị ngân hàng. NHCSXH cần phát huy vai trò, trách nhiệm của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp trong việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và giám sát hoạt động của NHCSXH; thường xuyên củng cố tổ chức, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong hoạt động từ HĐQT ở TW đến Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ ngân sách Nhà nước, NHCSXH phải đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua nhiều phương thức huy động phù hợp với điều kiện thực tế như huy động nguồn vốn trên thị trường hay tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài. Các sản phẩm và dịch vụ huy động tiền gửi cần phải đa dạng, minh bạch với tất cả các khách hàng, hấp dẫn không chỉ về lãi suất, kỳ hạn mà còn có tính linh hoạt trong lãi suất, trong các dịch vụ khác mà khách hàng có thể sử dụng được. Bên cạnh đó, NHCSXH cần tích cực tuyên truyền, quảng bá, phân tích những ích lợi từ việc gửi tiền tiết kiệm để các cá nhân, tổ chức mạnh dạn mở tài khoản và gửi tiền vào ngân hàng.

Để tạo thuận lợi cho công tác cấp tín dụng cho người nghèo, NHCSXH cần phải hoàn thiện công tác thẩm định tín dụng. Đối với các hộ nghèo, việc phân tách giữa hoạt động SXKD với chi tiêu thường xuyên thường không rõ ràng. Nguồn tiền để chi trả cho hoạt động tiêu dùng hằng ngày có thể xuất phát từ hoạt động SXKD mà người nghèo vay vốn ngân hàng. Chẳng hạn như hộ nghèo có thể vay tiền để chăn nuôi, hàng ngày họ bán gia súc gia cầm để lấy tiền cho tiêu dùng sinh hoạt chứ không phải để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Do đó, việc thẩm định tín dụng của NHCSXH phải phân tích bao trùm cả hoạt động kinh doanh, các nguồn thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình để có thể đánh giá năng lực trả nợ của người nghèo.

Trong một số trường hợp, người nghèo không có đất canh tác hoặc sản phẩm của họ không bán được trên thị trường, NHCSXH cần xây dựng cơ chế cho vay gián tiếp thông qua việc cho vay các chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở SXKD. Theo phương thức này, NHCSXH sẽ không cho vay trực tiếp đối với người nghèo và các đối tượng chính sách do họ không có khả năng sử dụng vốn vay một cách hiệu quả do thiếu các nguồn lực cần thiết. Bằng việc cấp vốn cho các dự án đầu tư, chủ cơ sở SXKD có cam kết sử dụng lao động là người nghèo và các đối tượng chính sách hoặc sử dụng đầu vào là sản phẩm do người nghèo và các đối tượng chính sách làm ra. Như vậy, NHCSXH có thể gián tiếp cấp tín dụng cho hộ nghèo.

Tổ tiết kiệm và vay vốn đóng vai trò quan trọng của quá trình cấp tín dụng và rộng hơn là tham gia quản lý tín dụng của NHCSXH. Do vậy, NHCSXH phải hoàn thiện các hoạt động, nâng cao năng lực của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đặc biệt cần ưu tiên lựa chọn người có đủ năng lực, phẩm chất và được người dân tín nhiệm làm Tổ trưởng. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trong tổ.

Chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai thực hiện với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… Sự phối hợp của các Bộ, ngành với NHCSXH trong việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách quyết định hiệu quả của chương trình. Do đó, để tăng cường hiệu quả của các chương trình, NHCSXH với vai trò chủ trì cần thúc đẩy và đôn đốc sự phối hợp chặt chẽ với các bên, đồng thời tham mưu Chính phủ nhằm xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng, cụ thể để đảm bảo sự tham gia và tăng cường tính trách nhiệm của các bên liên quan trong phối hợp, tổ chức thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách.

PGS.TS ĐỖ THỊ KIM HẢO

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác