Tín dụng chính sách khẳng định vị thế quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô

13/02/2018
(VBSP News) Là một trong những địa phương ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia. Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố Hà Nội đầu mỗi giai đoạn là rất lớn, do vậy, thành phố đã có nhiều giải pháp, tập tr ung các nguồn lực tài chính để tập tr ung giảm nghèo bền vững, một trong những giải pháp quan trọng đó là bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHC SXH cùng nguồn vốn của Chính phủ để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo chuẩn của thành phố.

Thông qua nguồn vốn ưu đãi của Trung ương và ngân sách địa phương, TP Hà Nội đã giải quyết cơ bản cho những lao động nông nhàn Ảnh: Trần Việt

Thông qua nguồn vốn ưu đãi của Trung ương và ngân sách địa phương, TP Hà Nội đã giải quyết cơ bản cho những lao động nông nhàn
                                                                                                                                                                                         Ảnh: Trần Việt

Một mô hình tín dụng sáng tạo hiệu quả

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, theo Nghị quyết 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, có 30 quận, huyện, thị xã với diện tích 3.324,92km2, dân số 6.924,7 nghìn người. Số hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đầu giai đoạn 2016 - 2020 là 65.377 hộ, chiếm tỷ lệ 3,64% trên tổng số hộ dân của toàn thành phố.

Thực hiện Nghị định 78 ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thành phố đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với chất lượng ngày càng được nâng cao; chỉ đạo triển khai mô hình quản lý tín dụng chính sách chặt chẽ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tổ chức có hiệu quả màng lưới hoạt động với sự hình thành của 7.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 561 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, qua đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi. Có thể khẳng định đây là cách làm hay, có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Hoạt động Điểm giao dịch cấp xã được tổ chức giao dịch vào một ngày cố định hằng tháng tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn là mô hình đặc thù, sáng tạo riêng có của NHCSXH, giúp chuyển tải vốn tín dụng chính sách kịp thời, hiệu quả, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp đến người vay, nhưng có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện bình xét cho vay các đối tượng công khai tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn dưới sự chứng kiến, giám sát của Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho hộ vay vốn tại các Điểm giao dịch xã đã thể hiện rõ chủ trương “xã hội hoá hoạt động tín dụng chính sách”, thực sự phát huy hiệu quả và huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách.

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao đến nay, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 6.300 tỷ đồng với trên 290 ngàn hộ vay vốn, tăng gấp 18 lần so với khi thành lập. Trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các quận, huyện, thị xã là 1.685 tỷ đồng với 3 chương trình tín dụng ưu đãi, chiếm tỷ trọng 27% tổng dư nợ.

Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ giảm từ 3,83% thời điểm mới thành lập xuống còn 0,07% tại thời điểm hiện nay. Trong 15 năm qua, vốn tín dụng ưu đãi cho vay với doanh số trên 21 nghìn tỷ đồng cho trên 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hằng năm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố, đã giúp cho gần 220 ngàn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 460 ngàn lao động; giúp cho trên 140 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng cải tạo gần 430 ngàn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Có thể nói, trong 15 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã từng bước khẳng định vị thế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Bơm vốn địa phương đẩy nhanh thoát nghèo bền vững

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/ TU ngày 27/4/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 24/6/2015 về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội. 100% cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành Chỉ thị, Kế hoạch triển khai thực hiện về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thủ đô.

Người nghèo ở các vùng ngoại ô của thành phố vay vốn trồng hoa, mang lại thu nhập khá cao Ảnh: Trần Việt

Người nghèo ở các vùng ngoại ô của thành phố vay vốn trồng hoa, mang lại thu nhập khá cao
                                                                                                                                                                                       Ảnh: Trần Việt

Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được một số kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao như quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; xác nhận đối tượng vay vốn; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn; kiện toàn Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện; bố trí địa điểm, đảm bảo an ninh, an toàn cho các Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, thị trấn…

MTTQ và các hội, đoàn thể đã thực sự quan tâm hoạt động tín dụng chính sách; chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, gắn chất lượng tín dụng với các chỉ tiêu thi đua cụ thể; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; phối hợp thực hiện đối chiếu, phân tích nợ vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; phối hợp triển khai thực hiện các nội dung giao dịch tại các Điểm giao dịch của NHCSXH ở xã, phường, thị trấn; chỉ đạo gắn tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao KHKT…

MTTQ các cấp tiếp tục duy trì ổn định nguồn vốn đã ủy thác và có kế hoạch hàng năm tiếp tục chuyển bổ sung nguồn vốn sang NHCSXH cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Đặc biệt là một trong những địa phương ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố Hà Nội đầu mỗi giai đoạn là rất lớn, do vậy, thành phố đã có nhiều giải pháp, tập trung các nguồn lực tài chính để tập trung giảm nghèo bền vững, một trong những giải pháp quan trọng đó là bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo chuẩn của thành phố.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 1.713 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28% trên tổng nguồn vốn cho vay tại thành phố, trong đó, ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH là 1.498 tỷ đồng; 100% quận, huyện, thị xã đều có vốn ủy thác qua NHCSXH với tổng số tiền là 200 tỷ đồng và MTTQ các cấp ủy thác 15 tỷ đồng. Tính từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thành phố Hà Nội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn là 615 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố bổ sung 508 tỷ đồng và các quận, huyện, thị xã bổ sung 107 tỷ đồng.

Trong 15 năm qua, bình quân mỗi năm ngân sách địa phương bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn là 114 tỷ đồng, riêng trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 40, bình quân mỗi năm chuyển 307 tỷ đồng. Quý IV/2017, thành phố bổ sung thêm 250 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của Thành ủy, nâng tổng nguồn vốn MTTQ và ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH thành phố lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

UBND thành phố đã bố trí trụ sở làm việc cho chi nhánh và Phòng giao dịch cấp quận, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; kinh phí nâng cấp hệ thống thiết bị tin học và kinh phí đào tạo, tập huấn cho các đối tượng là Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn, cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống và có vai trò quan trọng trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Trong những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40, coi đây là một trong những cơ sở quan trọng tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH, nhất là trong việc cân đối ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Việc thành lập NHCSXH triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, phù hợp với thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Với kết quả đạt được trong 15 năm qua, thành phố Hà Nội tin tưởng rằng trong thời gian tới, NHCSXH nói chung và NHCSXH thành phố Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ giao, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.

Nguyễn Kim Phung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác