Khi địa phương chung tay giảm nghèo
Thực chứng cho thấy, nguồn vốn ủy thác địa phương đang góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo và hơn thế là mở ra những động lực phát triển kinh tế mới cho tỉnh.
Dù là một tỉnh khó khăn về thu ngân sách, song Đồng Tháp đã chủ trương từ năm 2014 - 2015 cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đặc biệt là sau Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Đồng Tháp chủ trương đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với Nghị quyết của HĐND ban hành cuối năm 2016 về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017 - 2020.
“Với chủ trương này, tỉnh Đồng Tháp chuyển vốn ngân sách ủy thác sang chi nhánh NHCSXH cho vay không phải thế chấp tài sản tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các trường hợp có nhu cầu được tiếp cận vay vốn. Đến nay nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH trên 208 tỷ đồng”, Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết. Tình cờ gặp giáo viên dạy tiếng Nhật của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, Lê Thanh Đủ, chúng tôi càng thêm rõ giá trị cộng hưởng từ chính sách xuất khẩu lao động này. Với nguồn vốn vay NHCSXH theo chương trình xuất khẩu lao động 8 năm trước, anh đã làm việc tại Nhật Bản 3 năm, tích lũy được 800 triệu đồng và bằng tiếng Nhật N3. Về nước, anh được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp mời dạy tiếng Nhật với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Khoản tiền d à n h d ụ m cũng giúp anh cất được 10 căn phòng trọ cho thuê.
Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng vừa nhìn thấy chị Lê Thị Bé Bảy - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Tháp, anh đã nhận ra “ân nhân” cho anh vay vốn đi xuất khẩu lao động thời đó. “Nếu không có vốn vay của NHCSXH ngày đó cuộc đời em không biết bây giờ ra sao”, anh xúc động bắt tay chị. Cũng bởi thấu hiểu được nỗi cơ cực của những ngày nghèo khó, hiểu được cơ hội vốn đã khó, song nếu không biết nắm bắt cũng bằng không, anh đã và đang nỗ lực từng ngày từng giờ truyền thụ tiếng Nhật gieo vào tâm trí học trò anh những kỹ năng để lao động và mưu cầu học hỏi n g h ề nghiệp nơi đất khách quê người, tận dụng chủ trương cho vay xuất khẩu lao động của tỉnh để thay đổi số phận.
Đến vay vốn cho con út đi xuất khẩu lao động, bà Ngô Thị Út, 52 tuổi ở ấp 3 xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh tâm sự, nếu chỉ lo ngày 2 bữa cơm thì chẳng khó nhọc với nguồn thu từ 5 công ruộng, vườn mít đã cho vụ thu thứ 2 mỗi năm 10 triệu đồng, vườn xoài sang thăm cho vụ bói đầu tiên và tương lai là nguồn thu từ 2.000 m2 đất cồn trồng cóc và xoài. Hai con lớn của bà cũng đã có việc làm cũng đỡ đần kinh tế cho cha mẹ. Cậu út 25 tuổi vừa xuất ngũ ở nhà phụ giúp ba mẹ. Xong cứ nghĩ đến cuộc đời mình lận đận quanh mảnh vườn, bà dằn nỗi thương xót con, đến NHCSXH vay nguồn vốn xuất khẩu lao động lo cho con út sang Nhật Bản lao động vừa tích lũy thêm vốn vừa học được cái nghề để sau này về địa phương làm thoát cảnh chân lấm tay bùn.
Còn với ông Nguyễn Văn Quý ở ấp An Hòa Nhì, xã Tân Bình, huyện Châu Thành. Bốn con đầu của ông đã và đang học đại học từ nguồn vốn vay chương trình tín dụng HSSV của NHCSXH. Song trong bối cảnh xin việc không dễ, nguồn vốn xuất khẩu lao động của địa phương ủy thác qua NHCSXH đã giúp đứa con đầu của ông đi Nhật Bản năm 2016 và giờ là con thứ 2 đang chuẩn bị lên đường sang Nhật Bản. Ông kể mức lương của con trai đầu ở Nhật Bản là 32 triệu đồng/tháng. Với chu kỳ vay 36 tháng, trả nợ 6 tháng/lần, gia đình đã trả được 15 triệu đồng gốc. Ông tâm sự: “Ước mơ của tôi cho con đi Nhật Bản cũng không chỉ vì muốn cho các con cơ hội tích lũy kinh tế, mà hơn thế, các cháu đã học đại học, giờ sang Nhật Bản làm đúng nghề cũng là một dịp trau dồi nghề nghiệp khi trở về có thể vào guồng cùng quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh, ổn định sinh kế lâu bền”.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp thuộc Sở LĐTB&XH từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đưa khoảng 1.500 người đi xuất khẩu lao động, trong đó đi Nhật Bản hơn 1.000 người, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan… Hiện toàn tỉnh có gần 4.000 người lao động ở nước ngoài, hằng năm mang về cho địa phương khoảng 1.200 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng người dân xuất ngoại lao động không chỉ giảm nghèo bền vững, động lực phát triển kinh tế cho địa phương, mà Đồng Tháp sẽ hướng tới xây dựng “thương hiệu” cho người dân khi xuất ngoại lao động, nhằm quảng bá con người, xứ sở, tiềm năng kinh tế của Đồng Tháp.
Ngay cả với Hà Nội, một trung tâm kinh tế chính trị lớn của cả nước, lãnh đạo địa phương cũng luôn đau đáu với tín dụng chính sách giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Lê Hồng Sơn cho biết sau khi thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, có 30 quận, huyện, thị xã với diện tích 3.324,92km2, dân số 6.924,7 nghìn người, số hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đầu giai đoạn 2016 - 2020 là 65.377 hộ, chiếm tỷ lệ 3,64% trên tổng số hộ dân của toàn thành phố. Là một trong những địa phương ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố Hà Nội đầu mỗi giai đoạn là rất lớn, do vậy, thành phố đã có nhiều giải pháp, tập trung các nguồn lực tài chính để tập trung giảm nghèo bền vững, một trong những giải pháp quan trọng đó là bố trí vốn từ ngân sách thành phố ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Trong 15 năm qua, bình quân mỗi năm ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn là 114 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thành phố Hà Nội là 615 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố bổ sung 508 tỷ đồng và ngân sách các quận, huyện, thị xã bổ sung 107 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thành phố Hà Nội đến hết tháng 9/2017 đạt 1.713 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28% trên tổng nguồn vốn cho vay tại thành phố.
Nguồn vốn này đã góp phần đưa tổng dư nợ tín dụng tại NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 6.192 tỷ đồng với trên 286 nghìn khách hàng vay vốn, tăng gấp 18 lần so với khi thành lập. Doanh số giải ngân tín dụng 15 năm đạt trên 21.000 tỷ đồng cho trên 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hằng năm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố, đã giúp cho gần 220 ngàn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 460 ngàn lao động… Đến hết năm 2017 thành phố sẽ cân đối, bổ sung thêm 250 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH cho vay thực hiện Chương trình của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, nâng tổng nguồn vốn UBMTTQ và ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH lên 1.963 tỷ đồng.
Những thành quả này một lần nữa minh chứng sáng kiến của NHCSXH cũng như thể hiện trách nhiệm của NHCSXH trong việc huy động các nguồn lực hợp pháp uỷ thác từ địa phương bù đắp nguồn vốn thiếu cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận: “Tôi đánh giá cao các Bộ, ngành, các địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt nhiều địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh NHCSXH của các địa phương hoạt động, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra trong 63 tỉnh, thành chỉ có 16 tỉnh, thành có nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH trên 100 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu Hà Nội, tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Đồng Nai… Kể cả địa phương nhỏ thu ngân sách ít như Đồng Tháp cũng được 208 tỷ đồng. Trong khi đó nhiều tỉnh khá giả nhưng vốn nhận uỷ thác chưa tương xứng như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định…
“Trong giai đoạn mới, nếu chúng ta để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp CNH - HĐH của Việt Nam trước sự lãnh đạo của Đảng ta không thành công, hoặc chưa thành công. Đến giờ phút này chúng ta còn đến 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao vùng thiên tai”, Thủ tướng nói và thêm một lần nữa nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội là kênh quan trọng. Vốn không lớn nhưng tác dụng thiết thực của nó rất lớn.
Chính vì vây tại Hội nghị tổng kết 15 năm với sự tham gia của đông đủ 63 tỉnh thành, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững.
Bên cạnh việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa điểm, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, quan trọng nhất là việc bố trí vốn uỷ thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là những địa phương chưa bố trí vốn ủy thác tương xứng với tiềm năng kinh tế của địa phương.
“NHCSXH giữ giùm các đồng chí thôi, không phải là mất tiền đâu” - Thủ tướng nói và nhắc lại “nhiều địa phương khó khăn xử lý việc này tốt. Như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nói một công nhiều việc. Nếu cho không thì không tác dụng nhiều nhưng cho vay vì nó có tác dụng lan tỏa rất tốt”.
Bài và ảnh Đức Tùng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tổ chức hội, đoàn thể - Dây dẫn chuyền từ vốn vay của NHCSXH
- » “Điểm sáng” đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo
- » Tín dụng chính sách tạo xung lực giảm nghèo bền vững
- » Thành công xóa đói, giảm nghèo có đóng góp của NHCSXH
- » Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
- » THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI CỦA THỐNG ĐỐC NHNN VIỆT NAM
- » Gửi chút Xuân tình lên bản mây
- » Về Lai Châu nghe tiếng Xuân reo sớm
- » Xuân yêu thương trên xứ sở hoa mận
- » Mang Tết đến sớm với đồng bào vùng cao tỉnh Lai Châu