Tín dụng chính sách tạo xung lực giảm nghèo bền vững

12/02/2018
(VBSP News) “Vấn đề xoá đói, giảm nghèo mang đậm tính nhân văn, thể hiện bản chất lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền đối với dân tộc. Cho nên chúng ta phải đặt vấn đề huy động rất nhiều nguồn lực để làm công việc quan trọng này cho người dân được hưởng lợi tốt nhất” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017 - “Việc triển khai thành công với kết quả quan trọng từ chương trình tín dụng chính sách xã hội trong 15 năm qua của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thêm một lần nữa thực chứng chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước...”

 

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017 diễn ra tại Hà Nội, thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NHCSXH

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017 diễn ra tại Hà Nội, thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NHCSXH

Khi chính sách là tiếng lòng của dân

Chưa kịp chia sẻ về những kinh nghiệm thoát nghèo của mình nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, bà Phạm Thị Thọ ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) đã bật khóc trước bục phát biểu của Hội nghị. Những kỷ niệm một thời khốn khó ùa về. Hơn 10 năm rau cháo nuôi nhau qua ngày trong căn nhà lá tạm bợ sau khi thực thi chính sách di dân về thôn 4A, xã Đông Sơn năm 1997, niềm vui nhờ có nguồn vốn chính sách đến trường cao đẳng năm 2008 của con trai đầu chưa được bao lâu thì chồng bà bị tai nạn qua đời. Gánh nặng gia đình với 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học dồn lên đôi vai bà. Tần tảo sớm hôm, đi chợ, rồi chăn nuôi, bà muốn phát triển kinh tế thêm nhưng cái khó nhất vẫn là vốn không có. Chính vì vậy, khi vay được 30 triệu đồng hộ nghèo vào năm 2012 của NHCSXH đã giúp bà có sức bật mới trong phát triển kinh tế. 2 con bò giống sinh sản, 5 con lợn nái và hơn chục con gà đẻ trứng mà bà đầu tư đã có lãi 16 triệu đồng năm đầu tiên. Nguồn thu này bà tiếp tục mở rộng thêm khu chăn nuôi xây một ngôi nhà mới tuy không bề thế nhưng đủ chỗ ăn ở, học tập.

Năm 2015, bà hoàn trả toàn bộ món nợ vốn vay hộ nghèo, nhưng đứng trước nguy cơ có thể tái nghèo bất cứ lúc nào, bà nung nấu ý chí quyết tâm thoát nghèo bền vững. Sau nhiều ngày tìm hiểu thị trường bà quyết định đầu tư thêm vào kinh doanh chè khô, thương hiệu chè Đông Sơn. Bán đi một cặp bò sinh sản được 40 triệu đồng và vay thêm vốn chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư mở cửa hàng kinh doanh chè khô và mua chè thành phẩm của các hộ gia đình trong xã về chế biến và đóng gói bán tại nhà. Thương hiệu chè Đông Sơn giờ đã lan rộng ra không chỉ ở thị trường Tam Điệp mà còn ở cả Ninh Bình, Hà Nội, Lạng Sơn.

Cuộc sống của bà thêm đong đầy cả vật chất và tinh thần khi hai đứa con sau tiếp bước anh trai vào đại học với trợ lực từ nguồn vốn vay HSSV và hiện các con của bà đã tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, một cháu làm tại Công ty kỹ thuật số thuộc FPT Ninh Bình, còn một cháu làm ở Công ty tư vấn trắc địa mỏ địa chất Hà Nội, các cháu đã phụ giúp mẹ tiếp tục nuôi em ăn học và tích luỹ trả nợ cho ngân hàng. Món vay HSSV đầu tiên bà đã trả đủ.

“Trong nhiều việc của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xoá đói, giảm nghèo bền vững cho người dân nhất là các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao và vùng đồng bào DTTS rất quan trọng. Đây chính là chỉ tiêu quan trọng không những Liên Hợp quốc quan tâm mà trong tất cả các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng ta đều xác định là hết sức cần thiết và là một chủ trương quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017

Cũng bởi vậy, những bức tranh gia đình đổi đời cả về chất lượng đời sống đến tương lai của con cái như gia đình bà Thọ không phải là hãn hữu. Dòng vốn tín dụng chính sách đã hòa mình vào công cuộc giảm nghèo, góp phần bình đẳng giới và đang trở thành động lực xây dựng nông thôn mới và cũng như những động năng mới cho nền kinh tế.

Ví như, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, triển khai hơn 20 năm nay, (từ tháng 3/1998), đặc biệt là 10 năm trở lại đây với sự vào cuộc của NHCSXH và việc mở rộng đối tượng thụ hưởng sát với thực tế đời sống chương trình đã cho trên 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn ưu đãi để chi phí học tập. Chương trình đã góp phần thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo không để HSSV nào phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.

Chia sẻ để thấy chính sách tín dụng được phổ cập và sâu rộng đến các vùng miền như thế nào, Thủ tướng Chính phủ kể lại câu chuyện hồi đầu năm 2017 lên công tác tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Vì xa xôi và hẻo lánh này nên ít có người đến… Thế nhưng lên đó một trong những điển hình mà xã báo cáo đó chính là người dân đã được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH cũng như tác dụng của dòng vốn tín dụng chính sách xã hội trong đời sống.

Với 98% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Mông. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2016 theo chuẩn nghèo mới là 8.181 hộ, chiếm tỷ lệ 76,6%. Thế nhưng Bảo Lâm sẽ còn khó khăn hơn nữa nếu như không có các chính sách tín dụng ưu đãi. 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã đến với 27.691 lượt hộ trên tổng dân số huyện 58.787 người dân, với doanh số là trên 456 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dòng vốn ngân hàng đã đến với các hộ dân không chỉ một nguồn và một lần, góp phần vào giảm 2.361 hộ nghèo, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại huyện.

Nhìn lại hành trình 15 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, mật độ các chương trình tín dụng ngày một dày, phủ rộng và sâu hơn đến các đối tượng “yếu thế” trong xã hội. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình cùng một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện.

Với doanh số cho vay hơn 433 nghìn tỷ đồng trong 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, xây dựng trên 9,9 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 ngàn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 528 ngàn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung… Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến thời điểm tổng kết đạt trên 169 nghìn tỷ đồng, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. “Những số liệu đó rất có ý nghĩa trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở Việt Nam. Chính việc tiếp cận vốn, giải quyết việc làm tăng thu nhập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS của chúng ta, đó là kênh quan trọng - Thủ tướng nhấn mạnh - Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,81% - con số rất thấp, là một thành công trong quản lý, nói lên chất lượng tín dụng cũng như cán bộ làm tín dụng của NHCSXH ở cơ sở và địa phương tận tâm, tận lực tận tụy về vấn đề này”.

Khi cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc

Việc công khai tín dụng chính sách và sự tham gia của 4 tổ chức hội, đoàn thể với vai trò vừa là người giám sát xã hội, vừa là người được ủy thác một số công đoạn trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách kết hợp với sự phân công của NHCSXH là một thành công rất quan trọng. Đây cũng là một nguồn lực quan trọng thực hiện tín dụng chính sách và là cầu nối để biết được quần chúng đang suy nghĩ gì trong việc sử dụng nguồn lực cũng như nhu cầu nguồn lực, tinh thần tư tưởng của họ với Đảng, Nhà nước, với đoàn thể chính trị của chúng ta”. Từ thực chứng ở Lý Bôn, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc NHCSXH phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở là phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, phù hợp với cấu trúc chính trị của Việt Nam và là giải pháp sáng tạo thiết thực.

Nhìn lại hành trình 15 năm qua, NHCSXH không chỉ là đơn vị thực thi các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ mà trở thành cầu nối xây dựng chính sách, huy động các nguồn lực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng cho biết: “Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, đồng thời, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT, một Phó Thống đốc là thành viên HĐQT của NHCSXH, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, các đơn vị chức năng của NHNN cũng như các NHTM Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện tối đa cho NHCSXH trong việc ban hành các cơ chế, chính sách có liên quan và đảm bảo nguồn vốn cho vay, giúp NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội”.

Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017

Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017

NHCSXH tập trung khai thác tốt các nguồn vốn từ thị trường được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, vốn tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân, vốn từ Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, nguồn từ ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong, ngoài nước quan tâm chuyển vốn uỷ thác. Việc nhận tiền gửi từ người nghèo đã tạo thói quen tích luỹ và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với tín dụng ngân hàng.

“Đây là một sáng kiến của NHCSXH, cũng là biểu hiện trách nhiệm của việc huy động các nguồn lực hợp pháp uỷ thác từ địa phương”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã tạo cho tín dụng chính sách xã hội một luồng sinh khí mới với sự tham gia chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo. Nguồn lực cho tín dụng vì thế không chỉ có thêm động lực thực thi mà cả về nguồn vốn.

Ví như Hà Nội, sau khi thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH thành phố Hà Nội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn là 615 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố bổ sung 508 tỷ đồng và ngân sách các quận, huyện, thị xã bổ sung 107 tỷ đồng và đưa tổng ngân sách ủy thác của thành phố qua NHCSXH lên 1.685 tỷ đồng với 3 chương trình tín dụng ưu đãi, chiếm tỷ trọng 27% trên tổng dư nợ.

Những nỗ lực này đã đưa tổng nguồn vốn của toàn hệ thống NHCSXH đến thời điểm tổng kết 15 năm tín dụng chính sách xã hội đạt trên 179 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó: Ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt thêm 27,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường, vay NHNN, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt trên 129,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 72,5%/ tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn.

Cơ cấu nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách hiện nay chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động, giảm dần tỷ lệ vốn cấp từ ngân sách Nhà nước, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cần tập trung và đa dạng hóa các nguồn lực

“Có thể nói sự thành công trong 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội như thế là tốt, tương đối toàn vẹn và phấn khởi”, Thủ tướng đánh giá và cũng đặt ra những thách thức cho công tác giảm nghèo bền vững cũng như hoạt động của NHCSXH trong giai đoạn mới. “Nếu chúng ta để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp CNH - HĐH của Việt Nam trước sự lãnh đạo của Đảng ta không thành công, hoặc chưa thành công”, Thủ tướng nói.

Hiện nay Việt Nam còn đến 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao vùng thiên tai. Và sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo và càng về cuối càng khó hơn khi một năm chúng ta đạt mục tiêu giảm từ 1% - 1,5% bình quân, đối với các huyện vùng sâu, vùng cao ít nhất 4%/năm. “Trong bối cảnh như vậy, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là một kênh tạo thêm xung lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng bình đẳng trong xã hội”, Thủ tướng nói.

Chính vì vậy, tín dụng chính sách hay cán bộ làm tín dụng, hay hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp nhu cầu của người vay vốn.

Để thực thi tốt hơn nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đã được NHCSXH coi là một trọng tâm trong gian đoạn tới. Tuy nhiên, giải bài toán nguồn lực tài chính vẫn là một điểm tựa quan trọng trong việc thực thi tín dụng chính sách. Điều này có thể nhìn thấy rõ trong những mục tiêu mà Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: “Đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%…”.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trình bay báo cáo tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trình bay báo cáo tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ ngân hàng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo NHCSXH, các đơn vị chức năng của NHNN và các NHTM Nhà nước triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Như củng cố và hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách và mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách. NHNN cũng sẽ hướng tới hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho NHCSXH hoạt động an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo các NHTM Nhà nước thường xuyên duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH. Hỗ trợ NHCSXH tìm kiếm các nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay, nhất là các nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức quốc tế, nguồn vốn của các địa phương dành cho công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm…

Trao tặng phần thưởng cao quý nhất - Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng, Nhà nước đúng vào dịp tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng nhắn nhủ NHCSXH có nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang vì trực tiếp đóng góp trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo và an sinh xã hội của nước ta. “Chúng tôi mong rằng NHCSXH phát huy những thành công, những kinh nghiệm trong 15 năm qua để tiếp tục xây dựng phát triển xứng với niềm tin yêu, mong mỏi của nhân dân trong sự nghiệp quan trọng này. Tôi tin rằng NHCSXH sẽ xứng đáng với niềm tin đó”, Thủ tướng phát biểu.

VIỆT HẢI thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác