Xuân no ấm đến với muôn nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu

17/02/2018
(VBSP News) Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã đến, năm nay nhiều hộ gia đình ở Bà Rịa - Vũng Tàu rất phấn khởi bởi từ hai bàn tay trắng xưa kia, nay nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, có của ăn, của để nhờ nguồn vốn vay chính sách.

image001_25

Cũng như nhiều hộ gia đình dân tộc Chơ ro ở xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, trước đây gia đình chị Lê Thị Xuân ở Tổ 7, ấp 1, xã Bàu Lâm nằm trong diện nghèo, khó khăn trong ấp. Đôi vợ chồng trẻ việc làm không ổn định phải giật gấu vá vai, lo chạy từng bữa nuôi 5 đứa con nheo nhóc. Năm 2006, gia đình chị Xuân được bình xét vay vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế. “Có 15 triệu đồng, chúng tôi mua 1 con bò mẹ và 1 con bê. Hai vợ chồng tính toán, sau này bò mẹ sinh sản bán đi vừa có tiền trả nợ ngân hàng, vừa có tiền lo cho bọn trẻ đi học”, chị Xuân kể.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì bò mẹ đổ bệnh lăn ra chết, chị Xuân đánh “liều” đi vay lãi ngoài 8 triệu đồng phụ thêm tiền mua 1 con bò mẹ. Món nợ ngân hàng và tương lai của đám trẻ là động lực để chị Xuân quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Chỉ hai năm sau, trả hết nợ cũ, chị Xuân lại vay tiếp ngân hàng 30 triệu đồng đầu tư mở rộng đàn bò.

Đón Tết trong căn nhà mới, chị Xuân phấn khởi khoe: “Bây giờ, gia đình tôi đã sửa được nhà. Ngoài 6 con bò mẹ, gia đình tôi đầu tư trồng thêm 2 sào tiêu. Tài sản lớn nhất mà chúng tôi có được là các con được học hành đàng hoàng, có đứa đã vào đại học. Tất cả đều từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đấy!. Năm nay, đến hạn trả nợ, nếu được vay tiếp tôi sẽ bán bò và vay thêm 40 triệu đồng để mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu”.

Nguồn vốn chính sách đã giúp người nghèo và các đối tượng chính ở Bà Rịa - Vũng Tàu nở hoa

Nguồn vốn chính sách đã giúp người nghèo và các đối tượng chính ở Bà Rịa - Vũng Tàu nở hoa

Bà Cáp Thị Gầng - Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Lâm cho biết, trước đây đời sống bà con dân tộc Chơ ro ở đây rất khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng cao su, tiêu, điều… Do chưa biết cách làm ăn, thời tiết thất thường nên chăn nuôi thua lỗ, tiêu, điều chết hàng loạt. Đề giúp bà con phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững ngoài nguồn vốn vay ưu đãi, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, chăm sóc tiêu… “Đến nay, có khoảng 90% hộ vay đạt hiệu quả phát triển kinh tế, rất ít trường hợp dư nợ quá hạn. Đặc biệt, nhiều hộ đã mua được xe máy, dựng nhà, đầu tư tưới tiêu, chuồng trại… Bộ mặt của địa phương đã dần thay đổi, giảm nghèo bền vững”, bà Gầng nói.

Không chỉ giúp hộ nghèo thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách, nhiều tổ viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn đã vươn lên làm giàu. Chị Lý Ngọc Bích ở phường 5, TP Vũng Tàu cho biết, cách đây 10 năm, khi học hết lớp 12, do hoàn cảnh gia đình nên chị Bích ở nhà và tham gia làm cán bộ đoàn phường. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo, chị Bích khởi nghiệp từ buôn bán thu mua hải sản. Sau đó, qua các tổ chức đoàn thể, chị Bích được vay tiếp chương trình tín dụng giải quyết việc làm. Với bản tính đảm đang, tháo vát, 35 tuổi, chị Bích hiện đã là chủ vựa hải sản có trong tay 3 tàu cá đánh bắt xa bờ trị giá 6 tỷ đồng. Ngoài thu nhập 100 triệu đồng/ tháng, chị Bích còn tạo việc làm cho 24 lao động với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Chị Bích chia sẻ: “Mình cũng đã trải qua giai đoạn khó khăn nên hiểu sự vất vả của người nghèo. Vì vậy, mình mong muốn giúp đỡ được nhiều lao động, nhất là các thanh niên có công ông ăn việc làm ổn định”.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lê Văn Trương cho biết: Tổng nguồn vốn vay đến hết năm 2017 đạt trên 1.900 tỷ đồng, tăng gấp 31 lần so với thời điểm mới thành lập cách đây 15 năm. Tỷ lệ nợ quá hạn tại địa phương từ 47% năm 2003 đến nay đã giảm xuống còn 0,1%.

Chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp cho hơn 41.929 lượt hộ vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở các xã nông thôn mới. Đồng vốn chính sách đã góp phần giúp cho 19/45 xã đạt đủ 19/19 tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới. “Từ hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, chúng tôi mong muốn Chính phủ có thêm nguồn vốn vay dành cho chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và nhà ở xã hội để ngày càng có nhiều người nghèo tiếp cận vốn ưu đãi, vươn lên thoát nghèo bền vững”, Giám đốc Lê Văn Trương bày tỏ.

Có thể nói, nhịp cầu đưa vốn ưu đãi đã nối những bờ vui cho nhà nhà ở vùng đất vùng đất địa đầu của miền Đông Nam Bộ đầy ắp tiếng cười. Xuân đã về, Tết đã đến muôn nhà và đang mang theo bao niềm vui mới, làm cho người dân phần khởi, tươi vui hơn. Một năm mới lại gõ cửa, hy vọng sẽ suôn sẻ trong sản xuất mùa màng, cho vận may lan tỏa khắp muôn nhà.

Bài và ảnh Thu Hằng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác