Xuân ấm no trên “vương quốc chè”
Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Nghiêm ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai vào một ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ấn tượng trước đàn dê 29 con béo tốt của gia đình. Chị Nghiêm nói vui: “Đó chính là tài sản đáng giá nhất và cũng sẽ là nguồn thu nhập chính của vợ chồng chị trong những năm tới - chị Nghiêm chia sẻ - Từ năm 2018, gia đình tôi chính thức thoát nghèo. Mặc dù một số hỗ trợ của Nhà nước sẽ không còn nhưng tôi vẫn thấy vui, bởi đây sẽ là một trong những động lực để mỗi thành viên trong gia đình có ý thức phấn đấu nhiều hơn và cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống”.
Được biết, gia đình chị Nghiêm nằm trong danh sách hộ nghèo đã khá nhiều năm, nguyên nhân chính là do ruộng vườn ít, con cái lại trong tuổi ăn tuổi học. Thêm vào đó, chồng chị lại mắc bệnh nặng. Chị bảo, rất may là có nguồn vốn của NHCSXH, nếu không tôi cũng chẳng biết xoay sở ra sao. Lần vay 30 triệu đồng gần đây nhất là hồi đầu năm 2016, vợ chồng tôi đã dành một phần để chăm sóc 4 sào chè và mua 17 con dê về nuôi. Giờ đàn dê đã lên 29 con và hiện mỗi lứa chè cũng cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng, mỗi năm thu được 6 - 7 lứa. Hai con của chị giờ cũng đã tự lo được cuộc sống. Chỉ tay về phái sau ngôi nhà còn khá đơn sơ, chị Nghiêm bảo: “Vợ chồng tôi vừa thuê máy múc gạt bớt phần ta luy phía trên quả đồi nằm sát ngôi nhà nên giờ không còn phải lo vào mùa mưa nhà sẽ bị sập và cũng để một vài năm tới, khi có điều kiện, sẽ sửa sang lại căn nhà”.
Tuy chưa được công nhận thoát nghèo như gia đình chị Nghiêm nhưng đối với vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Toán ở xóm Vo, xã Tân Thành, huyện Phú Bình thì nguồn vốn từ NHCSXH cũng đã và đang đã góp phần giúp gia đình anh chị vơi đi rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là trong việc nuôi dạy hai con học đại học. Anh Toán chia sẻ: “Không chỉ được vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, gia đình tôi còn được vay vốn HSSV để nuôi hai con học đại học. Cháu lớn tôi vay 45 triệu đồng, đã ra trường hồi tháng 6/2017. Cháu thứ hai hiện là sinh viên năm thứ 2 Đại học Y Dược Thái Bình, mỗi năm cũng được vay vốn HSSV 11 triệu đồng. Nếu năm nay, cháu lớn tìm được việc làm, gia đình tôi sẽ thoát nghèo. Tôi luôn biết ơn nguồn vốn từ NHCSXH. Nếu không có, vợ chồng tôi đã không thể có điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế gia đình cũng như lo cho các cháu học đại học và như thế, chẳng biết đến khi nào mới thoát được nghèo”.
Trước khi chia tay, anh Toán đã “khoe” với chúng tôi: “Ngoài số tiền đã trả cho NHCSXH để lo cho cháu lớn ăn học (trả trước hạn), trong năm 2017, vợ chồng tôi còn mua thêm được một chiếc xe máy. Tết này, cả nhà đã có thể cùng nhau đi thăm anh em, bạn bè”.
Còn rất nhiều gia đình đã và đang thoát nghèo từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Thế mới thấy nguồn vốn đối với hộ nghèo có ý nghĩa lớn lao biết nhường nào. Nói như ông Hoàng Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa: Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH thì phần lớn người dân như Tân Thịnh - xã 135, nơi mà có tới 50% hộ nghèo, cận nghèo sẽ không thể có điều kiện để đầu tư để phát triển kinh tế; nhiều hộ cũng không thể lo cho con học lên cao đẳng, đại học. Nguồn vốn này đã và đang góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm của xã khoảng 3%. Được biết, hiện, tổng nguồn vốn mà người dân xã Tân Thịnh vay tại NHCSXH huyện là trên 16 tỷ đồng.
Còn theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, Lê Văn Hồng: Tính đến hết năm 2017, dư nợ trung bình của mỗi hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã là 38 triệu đồng (mức được vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ), cao hơn bình quân chung hồi cuối năm 2016 là 8 triệu đồng/hộ. Với mức vay này, người vay đã có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư “ra tấm ra món”. Không chỉ mức vay được nâng lên mà sự phối hợp giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể nhận ủy thác cũng ngày càng hiệu quả trong việc định hướng, hỗ trợ hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện việc đưa Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng đã giúp việc bình xét, xác nhận đối tượng được vay vốn chính xác, kịp thời hơn. Qua đó hiệu quả nguồn vốn vay ngày càng được nâng cao. Điều này phần nào được thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn luôn duy trì ở mức thấp, hiện chỉ chiếm 0,04% trên tổng dư nợ (giảm 0,02% so với năm 2016).
Tính đến cuối năm 2017, trong tổng dư nợ cho vay 3.023 tỷ đồng mà NHCSXH tỉnh đang quản lý (tăng 11,6% so với năm 2016) thì chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 34%, với 26,3 ngàn khách hàng còn dư nợ; chương trình cho vay hộ cận nghèo chiếm 19%, với 14,5 ngàn khách hàng; hộ mới thoát nghèo chiếm 5,6%, với trên 5,1 ngàn hộ vay; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm gần 10%, với gần 27 ngàn hộ vay; HSSV có hoàn cảnh khó khăn chiếm 5,6%, với hơn 7.000 lượt hộ vay.
Có thể thấy, hiệu quả từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã và đang mang lại rất nhiều hiệu quả thiết thực đối với người vay, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như toàn xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của tỉnh khoảng 2%, từ đó củng cố hơn lòng tin của người dân với cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn 9% hộ nghèo, tương ứng với gần 29 ngàn hộ. Đây vẫn là con số không nhỏ nên vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách cũng như sự chung tay góp sức của các hội, đoàn thể, cộng đồng xã hội, song trên hết vẫn phải là ý thức vươn lên thoát nghèo của chính mỗi hộ dân.
Một mùa Xuân mới lại về với bao điều tốt đẹp đang đợi ở phía trước. Hy vọng rằng, trong một tương lai không xa, những hộ nghèo của tỉnh Thái Nguyên sẽ có cuộc sống ổn định như bao hộ dân khác, để mỗi khi Xuân về Tết đến, nhà nhà đều có chung tâm trạng náo nức đón chào.
Bài và ảnh Thu Hằng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Xuân về trên quê hương núi Ấn, sông Trà
- » Năm của những dấu ấn nổi bật
- » Tín dụng chính sách “xanh” giúp “xanh hóa” nền kinh tế Việt Nam
- » Để tín dụng chính sách trở thành “Đòn bẩy” phát triển kinh tế
- » Ngân hàng Nhà nước tăng cường nguồn lực cho giảm nghèo bền vững
- » Thành phố Hồ Chí Minh huy động nguồn vốn giảm nghèo hiệu quả
- » Tín dụng chính sách khẳng định vị thế quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô
- » Khi địa phương chung tay giảm nghèo
- » Tổ chức hội, đoàn thể - Dây dẫn chuyền từ vốn vay của NHCSXH
- » “Điểm sáng” đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo