Nguồn vốn chính sách xã hội giúp người dân thoát nghèo, yên tâm đón Tết
Là tỉnh trung du miền núi có địa hình phức tạp, nhiều đồng bào dân tộc, Phú Thọ có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn ở mức cao, chiếm hơn 16% dân số sinh sống (khoảng 65 nghìn hộ). Vì vậy, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước hết sức cần thiết đối với phát triển kinh tế của địa phương, là “đòn bẩy” quan trọng giúp bà con có cơ hội thoát nghèo. Ý thức rõ điều đó, NHCSXH tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là hoạt động tín dụng nhằm chuyển tải có hiệu quả nguồn vốn chín qua kể từ khi thành lập, từ 3 chương trình cho vay, đến nay NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay trong 15 năm đạt trên 9.000 tỷ đồng với gần 630 ngàn lượt khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tập trung cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn tỉnh, đến vùng sâu, vùng xa, thôn, xóm, bản, làng. Thông qua chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từng bước được cải thiện, đã có gần 74 ngàn hộ thoát nghèo; trên 5 ngàn hộ thoát cận nghèo; thu hút, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 30 ngàn lao động; gần 95 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để có điều kiện học tập… Qua đó góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững, đồng thời thu hẹp khoảng cách về mức sống trong nhân dân giữa các vùng miền trong tỉnh.
Hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn chính sách đó được thể hiện rõ nét ở bản Minh Nga, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn. Đây là nơi có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Cách đây 5 năm, bản vẫn còn chưa có điện, đường sá đi lại khó khăn, cả bản 100% đều là hộ nghèo. Từ khi đường mở, điện về, người dân vay vốn phát triển kinh tế thuận lợi, nhiều gia đình đã thoát nghèo, thậm chí có gia đình đã có kinh tế khá, sắm được nhiều tiện nghi trong gia đình và lo cho con cái học hành. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn 27%. Bà Phùng Thị Lý - Trưởng bản Minh Nga khẳng định: “Xã giảm nghèo nhanh như vậy là do sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhiều người dân cũng đã biết tranh thủ sự hỗ trợ từ những chính sách để vươn lên thoát nghèo. Ví dụ như nhà anh chị Phùng Thị Nhị và Trịnh Phú Trưởng. Nhiều năm qua, hai vợ chồng trẻ do có ít đất ruộng, đất đồi, lại nuôi 3 đứa con, vì vậy cảnh nghèo cứ đeo bám mãi. Nhờ được hỗ trợ vay vốn giảm nghèo của NHCSXH, trong năm 2016, hai vợ chồng mở cửa hàng tạp hóa để phục vụ bà con trong bản. Cuối năm 2016, khi chấm điểm, 2 vợ chồng không chỉ thoát nghèo, mà còn thoát cả cận nghèo. Năm này, không chỉ nhà anh chị Nhị mà cả bản đều phấn khởi đón Tết”.
Hay tại xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, xã đã chuyển đổi đúng hướng cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi, giải quyết việc làm. Hiện nay, Lương Lỗ là một trong những xã có người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất huyện, thu nhập bình quân đạt trên 16 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,6%, là 1 trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện. Gia đình chị Nguyễn Thị Luân nhiều năm liền nằm trong diện hộ nghèo, dù xoay xở đủ nghề nhưng vẫn không đủ ăn. Hai vợ chồng trẻ sức khỏe dư thừa, nhưng thiếu vốn phát triển sản xuất, nên việc làm bấp bênh. Năm 2014, biết được thông tin về xuất khẩu lao động, anh chị bàn nhau cùng đi học tiếng để sang Đài Loan làm việc. Được NHCSXH cho vay 70 triệu đồng, vay thêm một ít từ anh em họ hàng, vợ chồng chị Luân đã sang Đài Loan làm việc với thu nhập sau khi đã trừ chi phí là 20 triệu đồng/tháng. Nhờ nguồn thu ổn định, Tết năm nay, vợ chồng chị Luân không những trả hết nợ ngân hàng, mà còn về quê mở rộng chuồng trại chăn nuôi, san lấp mặt bằng trồng cây ăn quả.
Hiện nay, mặc dù mức cho vay bình quân của từng chương trình tín dụng còn thấp, nhưng mỗi hộ có thể được vay ở nhiều chương trình khác nhau, tùy theo nhu cầu vay vốn mà NHCSXH tỉnh duyệt thời gian cho vay ngắn hạn hay trung hạn, dài hạn. Trên thực tế cơ cấu nợ của NHCSXH tỉnh, nhóm trung hạn và dài hạn chiếm tỷ lệ đến 87% trên tổng dư nợ. Có nhiều hộ gia đình có dư nợ vay đạt hơn 100 triệu đồng do tiếp cận được nhiều chương trình vay vốn; chẳng hạn hộ vay vốn đồng thời là gia đình hộ nghèo, có con em đi học đại học, thuộc diện vay xây nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg…
Đặc biệt, nhờ biết chú trọng hơn tới chất lượng của hoạt động tín dụng, vừa cho vay đúng đối tượng, vừa đáp ứng kịp thời vốn vay để bảo đảm nhu cầu đầu tư của hộ nghèo cho nên phần lớn các hộ được vay vốn đã có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức trong sử dụng đồng vốn đầu tư vào SXKD và ý thức vay - trả. Nhờ đó, vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần thu hút, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; các em HSSV được vay vốn lần đầu; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt chuẩn quốc gia. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng đã góp phần thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với các chương trình, đề án trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp người dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.
Để tiếp tục đưa nguồn vốn đến tay người dân, thời gian tiếp theo, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm nguồn vốn luân chuyển ổn định và tăng trưởng, làm điểm tựa tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác thông qua cấp tín dụng ưu đãi. Đồng thời tiếp tục ủy thác cho vay qua Hội ND, Hội PN, Hội CCB, Đoàn TN. Với quyết tâm này, tin tưởng rằng các hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm cơ hội vượt qua khó khăn, đón nhiều cái Tết ấm no, hạnh phúc.
Bài và ảnh Khánh Trang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Như cánh én dệt mùa Xuân
- » Hứng khởi sang Xuân
- » Khởi đầu của niềm tin
- » Ngày hội giao dịch tín dụng chính sách trên rẻo cao Sơn La
- » Nguồn vốn nhỏ vun góp giấc mơ lớn
- » Vững như “kiềng 3 chân”
- » Trăn trở với giảm nghèo bền vững
- » Hành trình làm bạn cùng người nghèo khó
- » Mang sự tiện ích đến cho người dân
- » Ghép lành những mảnh đời...