Khởi đầu của niềm tin

21/02/2018
(VBSP News) Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ… Nhưng với trẻ nghèo, thiếu cha, vắng mẹ, mùa Xuân và cuộc đời lại bắt đầu từ sự yêu thương, đùm bọc của cộng đồng. Chính sự chở che, đùm bọc ấy, đã sản sinh cho xã hội thêm nhiều hạt giống tốt, hứa hẹn những trái ngọt trong tương lai - một khởi đầu của niềm tin!.

Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp với các con nuôi họ Thò của mình

Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp với các con nuôi họ Thò của mình

Có nỗi khổ nào hơn thế!

11 tuổi đã làm trụ cột cho gia đình 4 người khiến cậu bé Lê Quốc Minh ở ấp Phương Quế, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) trưởng thành hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Nỗi nhọc nhằn làm oằn đôi vai gầy của Minh. Làn da cũng theo cái nắng, gió của xứ miệt vườn mà đen quánh lại. Duy chỉ có đôi mắt, non nớt mà đầy lo toan vẫn sáng ngời niềm tin, hy vọng.

Minh kể rằng, năm 10 tuổi, mẹ bị mắc chứng bệnh động kinh. Ba vì lo lắng cho mẹ, cộng thêm phải làm việc vất vả nên mắc bệnh lao phổi. Cậu em trai, đang khỏe mạnh cũng bỗng dưng phát bệnh giống mẹ. “Bệnh cha mỗi ngày một nặng, phải đi bệnh viện triền miên, may còn có bảo hiểm người nghèo hỗ trợ tiền thuốc và các bác, các dì trong ấp giúp đỡ khi thì bữa gạo, lúc thì bữa cá, nếu không, con cũng chẳng biết làm sao…”!

Một ngày của cậu bé Minh bắt đầu từ 6 giờ sáng và thường kết thúc lúc 11 giờ đêm với một núi công việc từ mò cua, bắt ốc, hái rau bán kiếm tiền, đến nấu nướng, giặt rũ và chăm sóc cho mẹ, em trai. Cuối cùng, việc học chỉ được em xen kẽ những lúc ngồi sắc thuốc cho ba. Ấy vậy mà thành tích học tập của Minh cũng rất đáng nể, nhiều năm liền em đều là học sinh khá, giỏi của trường THCS Phương Quế. Ngày chúng tôi gặp Minh là một ngày đầu năm 2018 - cũng là ngày vui nhất của em. Ngôi nhà lá mà kẽ hở khi nắng còn sáng gấp bội những bóng đèn; khi mưa thì tứ bề dột ào ào, đã được các nhà hảo tâm, các cán bộ của NHCSXH tỉnh Hậu Giang sang sửa lại bằng tôn với đầy đủ trang thiết bị tối thiểu cho một gia đình. Ngay cả chiếc bàn học - niềm mơ ước bao lâu nay của Minh cũng được các cô chú đáp ứng. “Vậy là từ nay, con không cần phải kê đùi để viết, không để cô giáo la hoài cái tội viết nguệch ngoạc” - Minh bẽn lẽn nói.

Chia tay cậu bé 11 tuổi, hiền lành, đầy nghị lực, chúng tôi chỉ ước sao, Minh sẽ trở thành một bác sỹ như em mong muốn. Mong hơn, làm sao để Minh có đủ điều kiện chữa bệnh cho người thân của mình.

“Luôn nở nụ cười, may mắn sẽ đến” - là phương châm sống của “Lá chưa lành” Phạm Thị Thủy Tiên (thứ 3 từ trái qua)

“Luôn nở nụ cười, may mắn sẽ đến” - là phương châm sống của “Lá chưa lành” Phạm Thị Thủy Tiên (thứ 3 từ trái qua)

Men theo dòng kênh Xà No thanh bình, chúng tôi gặp cô sinh viên năm đầu Khoa Kinh tế nông nghiệp - Đại học Cần Thơ, Phạm Thị Thủy Tiên ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Hôm nay cũng là ngày Tiên về thăm gia đình. Bước vào căn nhà lá đơn sơ, không để cho những vị khách phương xa phải đợi, Thủy Tiên đã nhanh nhảu chỉ lên những di ảnh - nơi mà em nôn nóng về thăm mỗi khi có dịp, giới thiệu: “Đây là ba, mẹ, ông bà ngoại và hai cậu của con…!”

Có nỗi đau nào hơn thế nữa!

Thủy Tiên kể, khi chưa đỗ đại học, mỗi ngày em thường thức dậy từ 4 giờ sáng, và đi ngủ lúc 23 giờ. Nguồn sống của em đều nhờ vào những con cá, con ốc, và rau ghém các loại kiếm được quanh vùng. Khó khăn là vậy, nhưng điều kỳ lạ là ở Thủy Tiên không có chút gì bi quan. Trái lại, cô bé có một khuôn mặt tươi tắn, nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. Thủy Tiên bảo, “luôn nở nụ cười, may mắn sẽ đến đấy cô ạ!” Quả thật, chúng tôi thấy “Thần may mắn” đã không phụ lòng cô bé, nhất là khi bao nhiêu năm mò cua bắt ốc một mình trong đêm tối nhưng em đã “an toàn” để trở thành một sinh viên! Và dịp này, Thủy Tiên được các nhà hảo tâm thuộc tổ chức IAN (Gồm các học sinh đã từng học tập tại nước ngoài nay trở về nước sinh sống và lập nghiệp) tặng toàn bộ chi phí cho những năm học đại học. “Sau này, nếu có nhu cầu và đủ điều kiện, Thủy Tiên sẽ tiếp tục được tài trợ để du học tại Đài Loan” - đại diện tổ chức IAN cho biết.

Hạnh phúc là cho đi…

Có nhiều con đường để đến bến bờ hạnh phúc. Nhưng con đường mà “Cặp lá yêu thương” - chương trình trình thiện nguyện do NHCSXH, Trung tâm Tin tức VTV24 và Bộ LĐTB&XH phối hợp thực hiện đã khiến hành trình này trở nên ngắn hơn. Tình cờ được trò chuyện với một trong những “Lá lành” đầu tiên của chương trình nhận giúp đỡ, cưu mang hoàn cảnh của các em mồ côi, tật nguyền hiếu học - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Võ Minh Hiệp kể rằng, dù đã biết thông tin và có sự chuẩn bị từ trước, nhưng đến ngày “Cặp lá yêu thương” mùa đầu tiên (tháng 10/2015) tổ chức ở Hà Giang diễn ra vẫn khiến ông thực sự bối rối. Số là, ông Võ Minh Hiệp chỉ nghĩ, sẽ nhận nuôi cậu út Thò Mí Chơ, người dân tộc Mông ở thôn Há Chế, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc đến khi em đủ 18 tuổi (khi ấy cậu bé mới 6 tuổi). Ai dè, lúc xem phim chiếu về Chơ, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp mới biết cậu còn 4 anh chị nữa. “Lúc ấy tôi không thể cầm lòng được và “bất đắc dĩ” nhận tuốt cả 4 đứa còn lại làm con”, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp nhớ lại.

Và cái sự bất đắc dĩ ấy đã khiến 5 chị em của Thò Mí Chơ cùng với bà nội Vàng Thị Si ngoài 80 tuổi không còn đứt bữa. Cái cảnh 6 người già trẻ ngồi quanh nồi mèn mén khô khốc, nham nhở cùng bát nước trắng thay canh; hay mũi dãi chảy thòng lòng, bàn chân nứt nẻ… vì lạnh đã không còn kể từ ngày có “bố” Võ Minh Hiệp đến.

- Khi tôi hỏi, bất thình lình nhận một lúc 5 người con nuôi, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp có bị bà xã cự, trách gì không?

- Ông cười lớn mà rằng, “bà ấy còn vui hơn tôi nữa kìa”!

- Tôi lại hỏi: Vậy có áp lực gì không, khi chỉ còn vài tháng nữa, ông sẽ kết thúc hành trình 43 năm lẫy lừng của một cán bộ ngân hàng?

- Chẳng chút đắn đo, ông nói: Giờ cứ vào ngày mùng 5 hằng tháng, tài khoản lương của tôi tự động trích 1 triệu gửi vào tài khoản cho các con tôi ở Hà Giang; khi về hưu, tài khoản lương hưu cũng sẽ làm như vậy đến khi các con đủ 18 tuổi. Ít nhất là như vậy…

Mạch nguồn yêu thương mà Chương trình cùng những người tiên phong như Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp đã mang đến một khởi đầu ngọt ngào, tràn đầy hy vọng cho hàng vạn trẻ em mồ côi, khuyết tật. Lớn lao hơn, đó là sự nuôi dưỡng những hạt mầm nhân cách, trí tuệ để khi trưởng thành, các em sẽ là những người có ích cho xã hội.

Để yêu thương chảy mãi

Sau hơn hai năm thực hiện, chương trình “Cặp lá yêu thương” đã tìm và ghép cặp cho hơn 2.500 “Lá chưa lành” với số tiền hơn 21 tỷ đồng trong đó, riêng đoàn viên công đoàn trong hệ thống NHCSXH ủng hộ cho các Lá chưa lành thông qua chương trình với số tiền gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh đang rất cần cộng đồng giúp đỡ, nhất là sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền. Bởi khi ấy, sự giúp đỡ, sẻ chia sẽ không chỉ dừng lại ở những con số cơ học mà nó sẽ lan tỏa tới mọi tầng lớp trong xã hội, gắn kết cộng đồng, tạo thành sức mạnh tổng hợp nâng cánh những số phận thiếu may mắn.

Ngày “Cặp lá yêu thương” về tỉnh Hậu Giang, chúng tôi gặp một doanh nhân có tiếng ở Cần Thơ tên là Nguyễn Việt Hùng. Hôm đó, ông Hùng cùng vợ và con gái út Việt Hương 13 tuổi về trao sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho một “Lá chưa lành” là Trần Thị Huệ Thư. Thấy tôi thắc mắc, vì sao ông không chọn cách hỗ trợ hàng tháng như nhiều người khác? Ông Hùng mộc mạc nói: “Gửi hằng tháng, lắt nhắt, tôi chỉ sợ mình quên, không đúng hẹn!”

Ông Hùng biết đến chương trình qua “Chuyển động 24h” của VTV trước đó đúng một tuần. Vợ chồng ông chỉ kịp dẫn theo con gái đến tham gia với mong muốn, con sẽ được tận mắt chứng kiến những bạn cùng trang lứa đang sống khó khăn thế nào mà vẫn đạt thành tích cao trong học tập; sâu xa hơn, là muốn con được nuôi dưỡng trong một môi trường nhân ái, biết bao dung và giúp đỡ những người thiệt thòi hơn mình. “Khi ấy, chắc chắn điều thiện sẽ được nhân lên, cái ác dần mất đi, xã hội sẽ ổn định và tốt đẹp hơn”, ông Hùng khẳng định.

Bài và ảnh Bình Nhi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác