Tình người Hòn Tre

23/02/2018
(VBSP News) Cuộc sống ở xã đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) đang ngày càng trù phú có một phần đóng góp của những người làm tín dụng chính sách xã hội.
Vợ chồng ông Trịnh Xuân Hồng và bà Lưu Ngọc Thủy thoát nghèo từ vườn cây ăn quả

Vợ chồng ông Trịnh Xuân Hồng và bà Lưu Ngọc Thủy thoát nghèo từ vườn cây ăn quả

Đứng từ TP Rạch Giá (Kiên Giang) nhìn ra, đảo Hòn Tre giống như một con rùa nằm án ngữ cửa biển Tây. Hành trình ra đảo khá thuận tiện, mất 45 phút đi tàu cao tốc, chúng tôi cập bến cảng Hòn Tre còn tàu tiếp tục đi đảo Nam Du. Dù đã được “cảnh báo” về tính hài hước của Giám đốc NHCSXH huyện đảo Kiên Hải, anh Nguyễn Thành Trung, cả đoàn cũng không khỏi bật cười bởi màn chào hỏi qua điện thoại “nhầm đảo rồi”. Và thế là mọi sự bỡ ngỡ tan biến hết, khách và chủ như những người thân lâu ngày gặp lại.

Hòn Tre là trung tâm của huyện đảo Kiên Hải, có tổng diện tích đất tự nhiên gần 430ha, cơ sở vật chất được đầu tư khá đầy đủ, các phòng ban tập trung ở một khu hành chính. Xã cũng có đủ các cấp học: 1 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và THPT. Đảo mới có điện lưới từ 2 năm nay, chứ trước đó máy phát điện chỉ dành cho công sở trong giờ hành chính, còn các hộ dân được dùng điện vài tiếng buổi tối. Giờ thì kinh tế phát triển, các dịch vụ cũng nở rộ đón khách du lịch. Ngày cuối tuần, nếu không đặt trước là khó kiếm vé tàu ra đảo.

Giám đốc Trung quê gốc Thái Bình, nhưng được bố (vốn là Chánh Văn phòng UBND huyện Kiên Hải) đưa ra đảo từ năm 1993 nên anh như một cuốn từ điển sống về vùng đất này. Trên đường đi, chúng tôi biết nhiều hơn về đảo nhờ những câu chuyện “trên rừng, dưới bể” của anh. Nào là huyện Kiên Hải trước chỉ có 23 đảo, sau lại phát hiện thêm 1 cái nhú lên, thế là thành 24 đảo. Rồi xã đảo Nam Du tách ra từ xã An Sơn, đều thuộc quần đảo Nam Du, chứ nhiều người vẫn nhầm giữa xã đảo và quần đảo. Ngay cả cái tên đảo Hòn Tre bây giờ, thực chất trước kia là Hòn Che, mang ý nghĩa sự che chở, bị gọi chệch lâu rồi thành ra tên gọi ngày nay…

Giám đốc Nguyễn Thành Trung (đứng) trên lồng bè của anh Châu Hạnh Phúc (bên phải)

Giám đốc Nguyễn Thành Trung (đứng) trên lồng bè của anh Châu Hạnh Phúc (bên phải)

“Thổ công” Nguyễn Thành Trung còn tự hào khoe, trong số hơn 400 hộ dân trên đảo, anh có thể kể “lai lịch”, gia cảnh của cỡ 80% số hộ. Điều này cũng dễ hiểu bởi anh Trung có hàng chục năm lập nghiệp trên đảo, lại gắn bó với lĩnh vực tín dụng chính sách xã hội vốn gần gũi với người nghèo và các đối tượng chính sách. Chúng tôi nói vui, với Giám đốc thế này thì khó lòng mà giải ngân sai đối tượng.

Ở đối diện lối xuống Bãi Chén, gia đình ông Trịnh Xuân Hồng và bà Lưu Ngọc Thủy trước kia là hộ nghèo, đất canh tác có ít lại nằm trên núi dá, dốc đứng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, ông bà đầu tư trồng xoài, mít và rau màu, cộng thêm chăn nuôi để tăng thu nhập. Gia đình ông Hồng còn được vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe, nhất là đối với một người con của ông bà bị bệnh mất sức lao động. Đến khi người con lớn đi học đại học, ông bà cũng được NHCSXH cho vay theo chương trình trợ giúp HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ những sự giúp đỡ kịp thời đó, cuộc sống của gia đình ông Hồng đã dần vượt qua khó khăn, thoát nghèo sang ngưỡng cận nghèo. Khi người con lớn tốt nghiệp có việc làm, đến năm 2016, ông Hồng đã trả được hết nợ vay ngân hàng nhưng lại tiếp tục được vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Ông Hồng chia sẻ, đến nay nguồn thu từ cây ăn quả đạt 150 triệu đồng/năm, nếu trúng mùa trúng giá có thể lên tới 200 triệu đồng/năm. Năm lần bảy lượt ông Hồng mời đoàn ở lại ăn cơm với gia đình nhưng vì thời gian có hạn nên chúng tôi đành cáo lỗi.

Bến cảng Hòn Tre

Bến cảng Hòn Tre

Rời rừng núi, chúng tôi xuống thăm lồng nuôi cá của anh Châu Hạnh Phúc ở ấp 1, xã Hòn Tre. Anh Phúc có 10 lồng nuôi cá bớp, cá mú, cá chẻm…, mỗi vụ cũng thu lãi 200 triệu đồng. Anh cho biết được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu theo chương trình giải quyết việc làm. Tuy không nhiều so với tổng vốn đầu tư các lồng bè nhưng anh hiểu nguồn vốn này là chính sách Nhà nước khích lệ các hộ dân mạnh dạn phát triển kinh tế, chứ không phải hỗ trợ 100% theo nhu cầu. Có lẽ nhờ sự đồng cảm giữa cán bộ tín dụng với người vay vốn mà câu chuyện ngày càng trở nên rôm rả. Cao hứng, Giám đốc Nguyễn Thành Trung tặng mọi người một đoạn vọng cổ đậm chất Nam Bộ, còn chủ bè Châu Hạnh Phúc đáp lễ bằng một bài bolero mùi mẫn.

Tạm biệt Hòn Tre, tình người ấm áp ở xã đảo mới là điều lưu luyến khách ghé thăm.

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách của cả 4 xã đảo thuộc huyện Kiên Hải đạt gần 100 tỷ đồng, với 7 chương trình tín dụng gồm: Hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; HSSV có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; làm nhà ở theo Quyết định 167.

Bài và ảnh Nguyên Khôi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác