Chương trình vay vốn ủy thác giúp nhiều phụ nữ ở Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo

28/02/2018
(VBSP News) Trong 15 năm qua, Hội PN tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế ở từng địa phương. Đến nay, các cấp Hội PN trong tỉnh đã giúp 31.410 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Thời gian qua, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình 30a, nhiều người dân huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) đã phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững (Trong ảnh là mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Cao Thị Nhau tại bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa cho thu nhập khoảng 100 triệu/năm)

Thời gian qua, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình 30a, nhiều người dân huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) đã phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững (Trong ảnh là mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Cao Thị Nhau tại bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa cho thu nhập khoảng 100 triệu/năm)

Nhằm thực hiện hiệu quả nội dung ủy thác với ngân hàng, trong quan điểm chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện, các cấp Hội PN đã chú trọng lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người vay nâng cao hiệu quả sử dụng vốn như: Chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc 6 nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và một số chương trình chính sách tín dụng; thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo đúng quy trình hướng dẫn; bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác nhận ủy thác cho đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý vốn ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bên cạnh đó, Hội PN các cấp tăng cường sự chỉ đạo của Ban thường vụ hội cơ sở đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, thay thế kịp thời những thành viên năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc giảm nghèo nói chung, chính sách tín dụng ưu đãi nói riêng đến cán bộ, hội viên phụ nữ, được hội các cấp đẩy mạnh thực hiện Thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng như: Sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm tiết kiệm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… hội viên phụ nữ nhất là hội viên nghèo nắm được chủ trương, chính sách và có cơ hội tham gia giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.

Hàng năm, Hội PN tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển Tổ tiết kiệm và vay vốn vào tiêu chí thi đua của các cấp hội; qua đó, chỉ đạo các cấp hội ở phụ nữ cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp xác định đối tượng trong diện ưu đãi, tham gia rà soát lại hộ nghèo, hộ cận nghèo và nguyên nhân nghèo của các hộ đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ. Cùng với việc hỗ trợ vốn vay các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao KHKT; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển các doanh nghiệp nữ, tạo điều kiện cho các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Gia đình chị Lê Thị Vinh khu 3, thị trấn Quan Hóa có truyền thống làm nghề mộc nhưng lại không có vốn đầu tư máy móc nên gia đình chị chủ yếu sản xuất thủ công, năng suất và chất lượng sản phẩm không cao. Năm 2002, gia đình chị vay NHCSXH 30 triệu đồng để mua 2 máy xẻ gỗ, 2 máy đục hoa văn, thuê thêm nhân công mở rộng xưởng sản xuất. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo trở thành hộ có kinh tế khá, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Cũng là một trong những hội viên vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ủy thác, chị Quách Thị Oanh, dân tộc Mường thôn Đồng Phú, xãThành Tân, huyện Thạch Thành, cho biết: Được hỗ trợ vốn ủy thác từ NHCSXH, gia đình chị đã đầu tư trồng mía nguyên liệu, mua máy cày làm dịch vụ , trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp kết hợp nuôi ong dưới tán cây, nuôi gà thả vườn, đào ao thả cá… Hiện gia đình chị đã thoát nghèo, thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều phụ nữ tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội PN tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để giúp hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, thời gian tới, Hội PN tỉnh tiếp tục phối hợp với NHCSXH thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nghề, tham quan học tập các mô hình kinh tế điển hình, biểu dương gương hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế…Các cấp hội phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay; chủ động phối hợp với cán bộ tín dụng NHCSXH cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích. Bên cạnh đó, hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm truyền tải đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Ðảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến hội viên; tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động ủy thác cho vay

Bài và ảnh Khiếu Tư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác