Những bước ngoặt cuộc đời nhờ nguồn vốn chính sách

12/03/2018
(VBSP News) Vốn chính sách đã giúp không ít người mẹ nghèo vượt qua nghịch cảnh, không chỉ đem lại cho gia đình mình cơm ăn áo mặc, con cái được học hành, mà còn tạo nên những tấm gương tốt trong cộng đồng.

Xưởng đúc gang nhà bà Lê Thị Ngọc Mỹ phát triển lớn mạnh có sự trợ giúp từ vốn chính sách

Người phụ nữ nghèo thành triệu phú làng đúc gang

Ở ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành (Tây Ninh), bà Lê Thị Ngọc Mỹ là điển hình tiên tiến trong việc sử dụng đồng vốn chính sách. Đã từng là hộ nghèo, vay vốn chính sách chương trình giải quyết việc làm, hiện giờ, bà có cơ ngơi là xưởng đúc gang mấy trăm mét vuông, mặt hàng chính là cùm gang lưới cào, có bạn hàng trải dài khắp chục tỉnh ven biển…

Nghe những câu kể nhẹ nhàng về sản nghiệp đó, không ai biết bà Lê Thị Ngọc Mỹ đã phải trải qua quãng đời khó khăn như thế nào. “Đầu những năm 1980, cô chú lấy nhau có 2 mặt con rồi mà vẫn nghèo lắm. Quần áo có một bộ mặc chung của nhau”, bà Mỹ kể với chúng tôi.

Quê bà có nghề truyền thống đúc gang, vợ chồng bà cũng lấy đó làm nghề kiếm sống. Nghề đúc gang cần vốn lớn, mà vợ chồng bà lại nghèo. Gia đình cho làm chung một góc xưởng nho nhỏ. Cần tiền thì thế chấp nhà cửa đất cát để vay NHTM, nhưng đa phần là phải vay nóng bên ngoài, hoặc mua chịu tiền…

Thế nên, khi được cán bộ hội, đoàn thể ở xã giới thiệu, biết đến NHCSXH, bà Mỹ mừng lắm. Năm 2000, đúng lúc khan vốn, khoản vay 20 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm cũng giúp bà xoay xở được, giảm áp lực luân chuyển vốn. Nhờ chí thú làm ăn, tích tiểu thành đại, giờ bà đã mua được xưởng đúc lớn hơn, và góc xưởng nhỏ ngày trước trở thành mảnh vườn con bên nhà để làm kỉ niệm…

Tiền kiếm được, ngoài việc đầu tư vào xưởng, bà Mỹ dành một phần lớn để làm từ thiện. Mỗi tháng bà dành tặng các hộ nghèo hàng chục suất quà là nhu yếu phẩm, còn giúp người bệnh mua thuốc với chi phí lên tới 700 - 800 triệu đồng trong năm 2017.

“Đã từng vươn lên từ nghèo khó, giờ khá hơn rồi, tôi có thể thuê gần chục lao động giúp mình ở xưởng. Tôi cũng quan tâm tuyển người nghèo, vừa chỉ nghề cho họ, vừa chỉ họ cách làm ăn để biết cách thu xếp phát triển kinh tế gia đình”, bà Mỹ nói.

Quyết tâm của người mẹ nghèo

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Cao Bằng, năm 1996, bà Đinh Thị Định (dân tộc Tày) rời quê hương theo anh, chị vào Bình Phước lập nghiệp. Năm 1997, bà lập gia đình tại ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, bắt đầu cuộc sống gia đình với đôi bàn tay trắng. Cuộc sống cứ trôi đi trong cái bấp bênh, thiếu trước hụt sau, nhất là sau khi hai đứa con nhỏ ra đời.

Năm 2004, gia đình bà được vay NHCSXH 12 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo để đầu tư vào trồng tiêu. Từ nguồn vốn quý giá đó, bà đã trồng được 100 trụ tiêu, tiền lãi từ tiêu được đầu tư tiếp để nuôi heo giống, thu nhập mỗi năm mấy chục triệu đồng. Năm 2007, khi kinh tế đã ổn định, gia đình bà thoát nghèo, trả hết gốc và lãi cho NHCSXH.

Niềm vui thoát nghèo chưa được bao lâu thì năm 2009 chồng bà bị ung thư. Mấy năm chạy chữa, của cải phải bán sạch, năm 2011 người chồng mất, để lại cho bà hai con nhỏ và khoản nợ mấy chục triệu đồng. Gia đình bà tái nghèo, NHCSXH lại cho bà vay 38 triệu đồng để chăm sóc tiêu và cao su.

Năm 2015, có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, gia đình bà lại tiếp tục được vay vốn Hộ nghèo số tiền 20 triệu đồng để trồng thêm 100 trụ tiêu, 12 triệu đồng đầu tư cải tạo và nâng cấp công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh. Gia đình bà đã tạo lập được hơn 1ha cao su, điều và 200 trụ tiêu và được địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản, kết hợp nuôi heo. Cuối năm 2015, gia đình bà thoát nghèo, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/năm.

“Nhớ lại chặng đường gian khổ đã qua, tôi nghĩ chỉ có quyết tâm thoát nghèo, cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất và không nản chí thì sẽ có thành quả như mong đợi. Kinh tế vững vàng như hiện tại tất cả nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Tôi hy vọng rằng, từ các chương trình tín dụng chính sách này sẽ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện học nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo và làm giàu”, bà Định xúc động chia sẻ.

Trong buổi tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, dù dư nợ do Hội Phụ nữ quản lý cao nhất trong các hội, đoàn thể nhận ủy thác của NHCSXH, chiếm tới 34%, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất.

“Thông qua thực hiện tín dụng chính sách đã nâng cao nhận thức và ý thức của thành viên vay vốn, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại của hội viên phụ nữ nghèo, giáo dục vận động chị em gửi tiết kiệm. Qua sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội viên phụ nữ cũng tuyên truyền pháp luật, kiến thức khoa học, tiêu thụ sản phẩm…, góp phần chủ động phát triển kinh tế gia đình, làm chủ cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Hoàng Thủy thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác