Vốn chính sách đồng hành cùng Bắc Giang vượt qua khó khăn

25/07/2021
(VBSP News) Sau 6 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Bắc Giang đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn hơn 3%. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho người dân.
bac giang

NHCSXH tỉnh Bắc Giang đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các Điểm giao dịch xã

Mặc dù ngân sách còn hạn hẹp, nhưng hàng năm, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh đều được cân đối, bố trí ủy thác sang NHCSXH tỉnh để tăng nguồn lực cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Những tháng vừa qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát, công tác tín dụng chính sách vẫn đạt được những kết quả tích cực. Đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác NHCSXH tỉnh đạt 168,5 tỷ đồng, tăng 138% so với cuối năm 2014.
Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bắc Giang Hà Quốc Quân cho biết: Hiện tại, NHCSXH tỉnh đang triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách tại 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong hơn 6 năm, đã có 220.581 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh được vay vốn với tổng số tiền đạt 7.510 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đạt 4.960 tỷ đồng, với 110.605 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, tập trung vào một số chương trình chính như: hộ nghèo 993 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ trọng 20%), hộ cận nghèo 945 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ trọng 19%), hộ mới thoát nghèo 816 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 16,4%), nước sạch và vệ sinh môi trường 776 tỷ đồng (chiếm 15,6%), hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 770 tỷ đồng (chiếm 15,5%), cho vay giải quyết việc làm 325 tỷ đồng (chiếm 6,5%) và cho vay nhà ở xã hội 139 tỷ đồng (chiếm 2,8%).
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 48.912 hộ nghèo, 36.356 hộ cận nghèo, 19.547 hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp trên 81.210 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 10.552 lao động; 450 lao động được vay vốn để đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; hơn 2.216 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp người dân ở nông thôn đầu tư xây dựng 141.742 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; trợ giúp 2.131 hộ nghèo xây dựng nhà ở, thoát khỏi cảnh nhà ở tạm bợ; hỗ trợ  425 hộ gia đình mua nhà ở xã hội và xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà.
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của các cấp, các ngành; các cán bộ NHCSXH đều an toàn, không có ai mắc COVID-19. Giao dịch với khách hàng đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như: trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang, đo thân nhiệt, vách ngăn di động, phân luồng khách hàng đến giao dịch.
Thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn, rà soát khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung. Giải ngân, cung ứng vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tín dụng chính sách xã hội đã có đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của từng xã, từng huyện và của Bắc Giang trong thời gian qua; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 13,93% năm 2015 xuống còn 3,14% năm 2021.
Trên cở sở những kết quả đã đạt được, để khắc phục những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, đảm bảo phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH sẽ  chiếm tỷ trọng 10 - 15% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Bài và ảnh Trần Thu Trang

Các tin bài khác