Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đưa công cuộc giảm nghèo đi vào thực chất
Đột phá từ tư duy
16.508 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ địa phương được huy động từ sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đến 31/12/2020, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH đạt 20.315 tỷ đồng. Nhưng, sự tăng trưởng này không lũy tiến đều trong hơn 5 năm qua mà là kết quả của sự chuyển biến từ tư duy nhận thức đến cách làm sáng tạo của các địa phương với tín dụng chính sách xã hội, với sự góp công không nhỏ của mỗi cán bộ NHCSXH.
Từ sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát mà còn chung tay cùng Chính phủ làm tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như ở Hà Nội, sau khi sáp nhập có đến 18 quận, huyện, thị xã và 386 xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo cao và không đồng đều, Thành ủy đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc triển khai hiệu quả Chỉ thị 40.
“Hà Nội luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 40, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc phù hợp với thực tiễn của thành phố; góp phần quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng bộ đã đề ra; đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Tiếp nối vị trí đứng đầu trong cả nước về nguồn vốn ngân sách ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trước khi có Chỉ thị 40, sau khi triển khai, thành phố Hà Nội tiếp tục có bước đột phá mới với 100% quận, huyện ưu tiên nguồn vốn lớn ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ người dân trên địa bàn. Tính đến hết năm 2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH thành phố đạt 4.111 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc lồng ghép triển khai và đánh giá Chỉ thị 40 tại các vùng “lõi nghèo” quốc gia qua các Hội nghị thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại vùng Tây Nam Bộ, Tây Bắc đã góp phần chứng minh hiệu lực của Chỉ thị 40 trong cuộc sống ngay khi đi vào cuộc sống. Từ đó tạo ra những bước chuyển biến đột phá cho tín dụng chính sách xã hội những năm sau này trên toàn quốc. Nhiều địa phương đã nhận thức sâu sắc về vai trò chủ lực, trụ cột của tín dụng chính sách trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từ đó chủ động ưu tiên nguồn lực lớn ủy thác qua NHCSXH như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Bình Định, Long An, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Cần Thơ và nhiều địa phương khác.
Cộng hưởng sức mạnh cho bảo đảm an sinh xã hội
Những “chiếc cần câu” từ tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng triệu hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Xa hơn nữa, sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả còn là “đòn bẩy” phát triển kinh tế bền vững, tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với việc dành 420 tỷ đồng uỷ thác qua NHCSXH, tỉnh Đồng Tháp chú trọng hướng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đi lao động, làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay, Đồng Tháp đang dẫn đầu khu vực ĐBSCL về việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng… Không chỉ giải quyết vấn đề giảm nghèo, phát triển kinh tế, hướng đi này còn giúp tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, bởi lao động đi làm việc ở nước ngoài đang tiếp cận với sự phát triển của nước văn minh, sẽ làm thay đổi suy nghĩ cách làm. Sau khi về nước, số tiền lao động mang về đã quý, kiến thức lao động mang về còn quý hơn, có một cuốn sách nói về vấn đề này “người nghèo là nghèo cái túi, người giàu là giàu cái đầu”. Vì vậy, tín dụng chính sách xã hội phải lồng ghép được nguồn vốn hữu hình và kiến thức vô hình để kích hoạt đối tượng yếu thế trong xã hội, thoát khỏi tự ti, mặc cảm và ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Sự đồng hành, thấu hiểu lòng dân cũng là cơ sở để dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội đồng quản trị NHCSXH đã tham mưu Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị 40; Tham mưu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác cho vay.
Đặc biệt, NHCSXH chủ động báo cáo các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, giúp NHCSXH nâng cao năng lực tài chính, chủ động cho vay các chương trình chính sách trong điều kiện nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngày càng bị hạn chế. Việc tham mưu Chính phủ chỉ đạo bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện càng góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả nguồn vốn tại địa phương.
Hệ thống các chương trình tín dụng chính sách ngày càng hoàn thiện với việc NHCSXH chủ động báo cáo, làm việc với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chương trình tín dụng chính sách mới, nâng cao mức vay đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới như cho vay hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm; phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; hỗ trợ làm nhà đối với hộ nghèo, bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững.
Cùng với sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm của từng cán bộ và người lao động NHCSXH không quản ngày nghỉ, nắng mưa, giá rét… đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ nhân dân đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo lên thành công chung của Chỉ thị 40.
Doanh số cho vay 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đạt trên 370 nghìn tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…
Thực tế cho thấy, hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của NHCSXH, tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.
Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
SÁU NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 40 Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tới, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (Trích Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đối với tín dụng chính sách xã hội) |
Bài và ảnh Việt Hải
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » NHCSXH hỗ trợ kịp thời phòng chống Covid-19
- » Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » NHCSXH miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19
- » Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn phát triển đất nước
- » Học tập và làm theo Bác: ‘Thấm sâu vào tim óc mới là quan trọng’
- » Học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội
- » Góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ
- » Ngân hàng Chính sách xã hội: Vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế
- » Hướng dẫn tham gia Cuộc thi trực tuyến “Cán bộ NHCSXH giỏi chuyên môn, hiểu biết pháp luật lao động, Luật Công đoàn”