Thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách phát triển ổn định, bền vững
Vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan hơn 2 công vườn mận sai trái, anh Ngô Văn Ðen ở khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, vừa đôn đốc nhân công nhanh tay hái trái, để kịp bao lưới, cân cho thương lái. Giá mận cân “xô” hiện 6.000 đồng/kg, anh Ðen hy vọng vài ngày tới giá sẽ “nhích” lên.
37 tuổi, anh Ðen có “thâm niên” 20 năm làm nghề hồ và thầu công trình nhà ở. Với số vốn tích lũy, vợ chồng anh mua 2,3 công đất ruộng và cho mướn. Khoảng 4 năm nay, anh Ðen cải tạo vườn trồng gần 100 gốc mận. Sau 15 tháng, mận cho trái chiếng, anh Ðen đầu tư gần 10 triệu đồng bao lưới. Mỗi năm, anh Ðen thu hoạch 4 đợt trái, bình quân khoảng 2,5 tấn/đợt. Tùy thời giá, thương lái thu mua bình quân 6.000 - 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí, anh Ðen lợi nhuận từ 50 triệu đồng/năm. Gần năm nay, anh Ðen mướn đất trồng 5 công na Thái đang phát triển tốt. “Lấy ngắn nuôi dài”, anh Ðen tranh thủ trồng thêm bầu, bí, cộng với 40 triệu đồng vốn vay ưu đãi làm chi phí mua vật tư, phân, thuốc, mướn nhân công thu hoạch mận. Anh Ðen nói: “Nguồn vốn vay giúp tôi chủ động hơn trong sản xuất. Tôi cần được hỗ trợ vay thêm vốn để mở rộng diện tích canh tác, tăng thu nhập”.
Cận Tết, xóm bánh tráng khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng, sôi động hơn hẳn, bếp lò nhà nào cũng đỏ lửa ngày đêm. Chị Nguyễn Thị Hạnh trên 20 năm tráng bánh, chuyên bỏ mối bánh ngọt, bánh dừa, cho biết: “Mỗi ngày, từ 2 giờ sáng đến khi tắt nắng, tôi tráng 2 lò được hơn 2.000 bánh; trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 350.000 đồng. Thời điểm cận Tết, lượng bánh tiêu thụ nhiều hơn nên phải tráng liên tục. Tôi tráng bánh đến hết ngày 29 tháng Chạp, nghỉ đến mùng 4 Tết lại “nổi lửa””. Nhờ vay 45 triệu đồng vốn ưu đãi, chị Hạnh mua sẵn vật liệu để tráng bánh liên tục, cung ứng đủ cho mối hàng. Chị Hạnh mua sắm các thiết bị điện: máy nạo dừa, ép nước dừa, lò tráng bánh… để tiện hơn trong sản xuất. Theo chị Trà Thị Phượng Liên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu vực Tân Thạnh, tổ gồm 60 thành viên, dư nợ trên 3 tỷ đồng. Hầu hết thành viên sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định. Toàn phường Thuận Hưng dư nợ gần 48,7 tỷ đồng, với 1.237 hộ còn dư nợ.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, năm 2022, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt trên 446 tỷ đồng; vốn huy động trên 541 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay đạt 1.145 tỷ đồng, với 29.048 lượt hộ vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 3.539 tỷ đồng, với 92.430 hộ còn dư nợ, hoàn thành 99,82% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ. Tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên 3.534 tỷ đồng, chiếm 99,84% tổng dư nợ, với 2.011 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 599 ấp, khu vực. Nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,38%; toàn thành phố có 19 xã, phường không có nợ quá hạn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 4.286 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh; 23.519 lao động được giải quyết việc làm; 2.178 HSSV vay vốn học tập, 9.767 hộ xây dựng và cải tạo 19.142 công trình nước sạch và vệ sinh; xây dựng 141 căn nhà ở xã hội… Qua đó, hình thành nhiều mô hình làm ăn hiệu quả tại các quận, huyện như: trồng hoa kiểng, nuôi trồng đông trùng hạ thảo (Ninh Kiều); nuôi heo mọi và ếch (Ô Môn); trồng hẹ (Thốt Nốt); trồng na Thái, nuôi chó kiểng (Thới Lai); nuôi dê sinh sản (Cờ Ðỏ); nuôi bò sinh sản (Vĩnh Thạnh); trồng mít, sầu riêng (Phong Ðiền); trồng màu nhà lưới (Cái Răng); cơ sở sản xuất bánh tráng (Bình Thủy)…
Năm 2023, chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn được giao, tăng trưởng dư nợ trên 10% so với năm 2022, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,5%… Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, chi nhánh tích cực thu hồi nợ đến hạn và huy động các nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng, tập trung thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng chính sách và các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; rà soát cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn; nâng mức đầu tư các đối tượng sử dụng vốn hiệu quả, có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh; hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen. Ðồng thời, tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025.
Phương Thảo
Các tin bài khác
- » Hành trình từ trái tim đến với trái tim
- » Đa dạng phương thức hỗ trợ giảm nghèo bền vững
- » Công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững
- » Mang Tết ấm áp đến với những chiếc Lá chưa lành
- » Khối thi đua các Tổ chức tín dụng tổng kết hoạt động năm 2022
- » Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ năm 2023
- » Vươn lên bằng nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Vốn chính sách “phủ sóng” giúp nông dân Gia Lai tăng thu nhập
- » Ðồng hành cùng địa phương giảm nghèo
- » Hội nghị giao ban hoạt động ủy thác năm 2022