Công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững

18/01/2023
(VBSP News) Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã trở thành công cụ hữu hiệu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
258342_cong-cu-huu-hieu

Mô hình nuôi trâu của gia đình bà Lò Thị Nhung ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH

Năm nay, gia đình bà Lò Thị Nhung ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn sẽ đón một cái Tết đủ đầy hơn bởi nhờ vốn vay của NHCSXH, kinh tế đã vơi bớt khó khăn. Bà Nhung phấn khởi: “Mấy năm trước, nhà tôi cũng khó khăn lắm, chủ yếu trông vào mấy sào ruộng. Nhờ được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình có vốn để mua 2 con trâu về nuôi, phát triển chăn nuôi lợn, gà. Đến nay, từ cặp trâu đầu tiên mua bằng nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình có thêm 2 con trâu. Đây là tiền đề để gia đình tạo dựng một cuộc sống khấm khá hơn”.
Không chỉ riêng gia đình bà Nhung, đón xuân mới năm nay, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Văn Chấn sung túc hơn, đầm ấm hơn nhờ nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng chính sách. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, năm qua, NHCSXH huyện Văn Chấn đã chủ động, trực tiếp tham gia công tác giảm nghèo, thông qua việc tập trung huy động, tạo lập, tăng trưởng nguồn vốn, chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn huyện đạt trên 580,9 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch; tăng trên 76,8 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, nguồn vốn nhận từ Trung ương là 506,4 tỷ đồng, tăng trên 71,6 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương là 65,1 tỷ đồng, tăng gần 1,6 tỷ đồng so với năm 2021.
Toàn bộ vốn đã được chuyển tải kịp thời tới tận tay các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua hệ thống Điểm giao dịch tại xã và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn bản, tổ dân phố. Đến hết 31/12/2022, tổng dư nợ đạt trên 580,6 tỷ đồng với 11.069 khách hàng còn dư nợ, tăng trên 77,7 tỷ đồng, bằng 115,45% so với năm 2021.
Để công tác cho vay đúng đối tượng và đúng mục đích, NHCSXH huyện Văn Chấn đã phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện làm tốt công tác cho vay ủy thác. Đến nay, dư nợ ủy thác đạt 580,449 tỷ đồng, chiếm tổng 99,9% dư nợ. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã hình thành 348 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% thôn, bản. Công tác cho vay vốn kết hợp với việc chuyển giao KHKT đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
Theo thống kê, năm 2022, các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đã giúp người dân mua 964 con trâu, bò; trên 500 con giống vật nuôi các loại, trồng được 186ha cây ăn quả; trồng mới, cải tạo chăm sóc 286ha rừng, 232ha chè; làm mới, sửa chữa 738 công trình nước sạch: 738 số công trình vệ sinh; tạo 206 người có việc làm; 20 em mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến. Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm đã góp phần giúp cho 2.095 hộ thoát nghèo.
Kết quả này, khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Văn Chấn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc NHCSXH huyện Văn Chấn Đinh Công Thái cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với huyện quan tâm bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay để quản lý đồng vốn có hiệu quả tiếp tục mở rộng hoạt động, thực hiện mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo theo đúng tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thông Nguyễn

Các tin bài khác