Vươn lên bằng nguồn vốn tín dụng chính sách

12/01/2023
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng nghìn hộ khó khăn, các đối tượng yếu thế ở tỉnh Tuyên Quang đã vươn lên ổn định cuộc sống, thoát khỏi cảnh đói nghèo và nỗ lực góp sức xây dựng quê hương. Đối với đồng bào DTTS, nguồn tín dụng này không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính mà còn tạo nền móng ban đầu giúp họ thực hiện ước mơ làm giàu...
345345435 (1)

Chăn nuôi gia súc là một trong những hướng phát triển kinh tế giúp nhiều hộ dân tỉnh Tuyên Quang thoát nghèo

Nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi
Gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở làng Chiềng, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên trước đây là một trong những hộ nghèo của huyện. Năm 2014, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Hàm Yên, gia đình chị Tình đã quyết định vay 70 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản. Khoản vay này đã giúp gia đình chị Tình đổi đời, bắt đầu vươn lên.
Hai năm sau, nhờ chăn nuôi thành công, chị trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay 50 triệu đồng để cải tạo vườn cây ăn quả. Hiện nay, gia đình chị Tình đang có 700 gốc cam, trên 200 gốc thanh long và phật thủ, gần 1ha chè và nuôi 3 con trâu sinh sản. Khoảng 2 năm trở lại đây, từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả, mỗi năm, gia đình chị thu về trên 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình được nâng lên nhiều. Gia đình chị đã mua được ti vi, tủ lạnh, xe máy… để phục vụ sinh hoạt, đời sống gia đình.
Anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Bản Thác, xã Yên Hoa, huyện Na Hang cũng đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH, đầu tư nuôi trâu vỗ béo và dê nhốt chuồng. Hiện gia đình anh có thu nhập 200 triệu đồng/năm, trở thành gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng ở địa phương.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Phan Vỹ cho biết: Đến hết tháng 10/2022, tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh đạt trên 3.600 tỷ đồng, gấp 23,3 lần so với năm 2003. Trong đó, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.556,6 tỷ đồng, chiếm 99,54% tổng dư nợ. Nguồn vốn đã kịp thời đến với hơn 472 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Có thể khẳng định, với phương thức đặc thù, riêng có trong quản lý và ủy thác nguồn vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã đáp ứng kịp thời được nguyện vọng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi bà con có nhu cầu vay vốn SXKD, chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Tiếp tục đồng hành cùng người nghèo
Mặc dù đạt được nhiều thành tích với những tấm gương thoát nghèo nhưng Tuyên Quang vẫn còn là địa phương gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 50.033 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,85% (chiếu theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025). Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu chung tỷ lệ hộ nghèo chung giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo DTTS và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân từ 4% trở lên. Đặc biệt, toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2023, sẽ không còn hộ người có công là hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, vai trò của NHCSXH là rất quan trọng, ngoài việc hỗ trợ tín dụng còn cần có sự phối hợp hài hòa với các tổ chức chính trị, xã hội, tạo sự bền vững trong sinh kế cho người dân.
Trong thời gian tới, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, chi nhánh sẽ tiếp tục ủy thác thông qua Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Cụ thể, tỉnh đã đưa ra những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa cho vay tín dụng ưu đãi với hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kỹ năng tay nghề, quản trị vốn vay. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cán bộ khuyến nông trong hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo lập phương án và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh khi vay vốn; trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân vay vốn với mức vay tối đa để phát triển sản xuất. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19.310 hộ đầu năm 2022 xuống còn 8.571 hộ vào cuối năm 2025 đối với số hộ nghèo thiếu vốn và giảm từ 9.992 hộ đầu năm 2022 xuống còn 3.527 hộ vào cuối năm 2025 đối với hộ nghèo do thiếu phương tiện sản xuất.
Mặt khác, tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với phương án, dự án vay vốn khả thi, sử dụng nhiều lao động và cho vay đối với đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, lao động là người dân tộc thiểu số. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 tạo việc làm cho trên 16.700 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đưa trên 7.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở ngoài tỉnh; góp phần giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2025.

Tùng Dương

Các tin bài khác