Tín dụng chính sách tạo niềm tin, ổn định cuộc sống cho người dân

04/01/2023
(VBSP News) Hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 80 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo là những con số ấn tượng mà chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau đạt được trong 20 năm đồng hành cùng người dân. Điều này cũng khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là công cụ, giải pháp hữu hiệu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Ảnh 3

Mô hình nuôi chim cút của anh Đoàn Khánh Linh ở ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn nhờ trợ lực từ nguồn vốn chính sách

Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78) trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát huy hiệu quả, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư phủ khắp đến 100% ấp, khóm trên địa bàn toàn tỉnh; cùng với sự nổ lực vượt khó của tập thể, cán bộ NHCSXH với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhiệm vụ được giao, tốt về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, luôn tận tuỵ phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau đã thực hiện cho vay với tổng dư nợ đạt trên 3.529 tỷ đồng, với hơn 127 nghìn khách hàng còn dư nợ; thực hiện phương thức quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, với 2.576 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động cho vay, quản lý vốn, là “cánh tay nối dài” của hệ thống NHCSXH, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn vay một cách thuận lợi, kịp thời; qua đó, không ngừng trợ lực giúp cho nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư, phát triển SXKD, xây dựng nhiều mô hình, phương án trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ… hiệu quả, nâng cao thu nhập và từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Điển hình như ở ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn có mô hình nuôi chim cút của anh Đoàn Khánh Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng chính sách. Anh Linh chia sẻ: “Cách đây hơn 2 năm, tôi mua vài chục chim cút về cho trăn con ăn, số còn lại nuôi giải trí, nhưng thấy nó đẻ nhiều, có khả năng sinh lời nên muốn đầu tư nhưng lại thiếu vốn. Lúc mới nuôi thì tự mày mò, tìm hiểu, về sau được đi tham quan các mô hình hiệu quả ở ngoài tỉnh, từ đó mạnh dạn đầu tư”.
Cũng nhờ đồng vốn vay từ NHCSXH số tiền 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm mà anh Linh có điều kiện tạo thêm việc làm, thu hút lao động địa phương và mở rộng mô hình nuôi chim cút tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình anh thu lãi trên 30 triệu đồng.

70a07281e002385c6113

Từ nguồn vốn chính sách, bà con nông dân có điều kiện phát triển nhiều mô hình, vươn lên ổn định cuộc sống

Chi hội trưởng phụ nữ ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới Tạ Thị Diễm Thu cho biết: Các hộ dân trên địa bàn ấp được vay vốn NHCSXH để đầu tư SXKD, cải tạo, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường hợp tiêu chuẩn,… Riêng đối với mô hình nuôi chim cút của anh Linh thật sự mang lại hiệu quả và cũng như nhiều mô hình hiệu quả khác trên địa bàn có thể nhân rộng.   
Đặc biệt, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tình trạng lao động mất việc làm, thất nghiệp, thu nhập không ổn định, sản xuất kinh doanh bị tác động, người nghèo càng thêm khó khăn, gánh nặng mang đến cho nhiều người dân. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau kịp thời triển khai và đem lại lợi ích ngay lập tức cho người dân, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn, đã đóng góp không nhỏ cho mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh nhà trong từng giai đoạn, nhất là khó khăn do dịch bệnh trong thời gian qua.
Trải qua khó khăn đó, chị Bùi Thị Hiền Trang - quản lý Trường mầm non Dầu khí Cà Mau tâm sự: Do dịch bệnh, tạm ngưng hoạt động thời gian dài, các thiết bị phục vụ cho giảng dạy của nhà trường gần như là hư hỏng nặng. Nghị quyết số 11/NQ-CP được ra đời, rất có ý nghĩa, thực sự là cái phao và cũng nhờ được tiếp cận kịp thời nguồn vốn vat NHCSXH với số tiền 100 triệu đồng chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đã giúp nhà trường có điều kiện sửa chữa, cải tạo, trang bị cơ sở vật chất, ổn định hoạt động giảng dạy sau đại dịch.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Bảo cho biết: Khi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chi nhánh luôn tích cực và chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh trong công tác chỉ đạo, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, hiệu quả mang lại rất thiết thực. Cụ thể, chi nhánh thực hiện cho vay gồm 5 chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (cho vay giải quyết việc làm; HSSV mua máy tính, thiết bị học trực tuyến; nhà ở xã hội; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), hiện đã giải ngân số tiền trên 169 tỷ đồng, với hơn 5.859 khách hàng vay vốn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu qủa hơn nữa chương trình; tiếp tục tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát và thường xuyên rà soát nắm bắt nhu cầu, giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng có đủ điều kiện, được tiếp cận nguồn vốn nhằm tạo điều kiện khôi phục SXKD, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương; đồng thời tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách đến mọi người dân được nắm bắt, thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Hồng Phượng

Các tin bài khác