Xứ Giồng và hành trình đắp xây ấm no, hạnh phúc
Liêu Tú hôm nay vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trần Đề với 11.077 khẩu với 2.745 hộ. Trong đó, 1.836 hộ đồng bào Khmer, với 8.498 khẩu (chiếm 76,71%), 109 hộ người Hoa, với 393 khẩu (chiếm 3,54%). Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 13,2% xuống còn 4,41%. Chủ tịch UBND xã Liêu Tú Trần Trung Tính nhận định: “Đây là kết quả của việc Đảng ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành phối hợp tốt với NHCSXH, gắn tín dụng chính sách với các chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.
20 năm thực hiện tín dụng chính sách, mạng lưới tín dụng “chân rết” của 4 tổ chức chính trị - xã hội và 39 Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng sự tận tâm của cán bộ tín dụng NHCSXH đã không để người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu thiếu vốn vay. Đồng thời, theo dõi, giúp đỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc người vay trả gốc, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn. Đến nay, NHCSXH huyện Trần Đề đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách đáp ứng nhu cầu của 1.867 hộ vay vốn với dư nợ đạt hơn 54,8 tỷ đồng, tăng 7 chương trình vay vốn, tăng 51,8 tỷ đồng so với năm 2003.
Đặc biệt, dòng vốn tín dụng như “mưa dầm thấm đất” không chỉ giúp người dân đặc biệt đồng bào Khmer giảm nghèo mà còn giảm tình trạng ly nông, ly hương, bỏ hoang tài nguyên đất đai, góp phần phần phát triển kinh tế điạ phương bền vững.
Như anh Triệu Ly Na, dân tộc Khmer, ở ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, bôn ba nhiều năm lao động trên thành phố mà kinh tế vẫn khó khăn, lại không có điều kiện chăm lo cho con cái và cha mẹ, năm 2012, anh quyết định về quê. Tuy nhiên, không vốn liếng tích lũy, nên khi được chính quyền và NHCSXH huyện Trần Đề tạo điều kiện cho vay vốn 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Với số tiền đó, anh cũng chỉ mua được một con bò sữa. Thêm một vòng vay vốn hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đến nay, sau 10 năm, anh đã có một đàn bò sữa 9 con. Đồng thời, từ tiền tích lũy nuôi bò, anh đã đầu tư thêm nuôi heo và nuôi trùn quế. “Nhờ đồng vốn ngân hàng, cuộc sống gia đình tôi bây giờ tốt hơn nhiều, trước hộ nghèo, giờ thoát nghèo bền vững, kinh tế gia đình có nguồn thu ổn định, có tiền nuôi con ăn học. Tôi cũng mua được thêm 2 công đất cùng với 3 công đất trồng lúa, trồng cỏ cho bò”.
Hay anh Kiêm Thanh Sang, dân tộc Khmer, ở ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề. Trở về từ TP Hồ Chí Minh năm 2020, kinh tế gia đình của anh gần như tay trắng khi thu nhập dành dụm nhiều năm đã vơi cạn vì nuôi mẹ đau ốm nhiều năm, vừa mới qua đời. Tài sản còn lại là căn nhà mà Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo từ năm 2008 theo quyết định 167/QĐ-TTg. “Nghề thì mình biết nhiều từ làm sắt, lái xe… nhưng mình hoang mang không biết làm cái gì vì không có vốn”, anh Sang chia sẻ. Được vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo hồi hương sau đại dịch COVID-19 đúng như “nắng hạn gặp mưa rào”. Chỉ trong vòng 2 năm từ một tiệm làm sắt nho nhỏ, đến nay, cùng với việc được NHCSXH huyện Trần Đề hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất năm 2021, anh tạo thu nhập ổn định với hơn chục triệu đồng/tháng, đồng thời, góp phần tạo việc làm cho 8 lao động tại địa phương với thu nhập từ 250 - 350 nghìn đồng/ngày.
Những câu chuyện hỗ trợ đồng bào giảm nghèo, an cư lập nghiệp không chỉ điển hình tại xã Liêu Tú mà mở rộng ra toàn địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha cho biết: Qua 20 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho thấy được hiệu quả kinh tế - xã hội mang đến cho đồng bào DTTS là hết sức tích cực, nguồn vốn đã góp phần giúp cho hơn 218.000 hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, thay đổi cách thức làm ăn, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Đời sống đồng bào ngày càng giảm bớt khó khăn, bệnh tật, các tệ nạn xã hội, tạo cơ hội học tập và dần nâng cao chất lượng cuộc sống càng củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước, đoàn kết các dân tộc được gắn bó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định.
Bên cạnh trọng tâm đồng hành cùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, 20 năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng còn là điểm tựa giúp địa phương giải quyết bàn toán an sinh xã hội, phát triển bền vững thông qua việc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế phát triển. Đặc biệt, từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã mang luồng gió mới cho hoạt động tín dụng chính sách, với nguồn vốn ngân sách địa phương tăng 90,7 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị, nâng ổng nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH lên 137,5 tỷ đồng. Bản thân người nghèo, bên cạnh việc nhận thức rõ ý nghĩa của việc tiết kiệm, gửi tiền tại NHCSXH còn có nhiều người dân chung tay cùng NHCSXH trợ giúp người nghèo thông qua việc gửi tiền tiết kiệm tại chi nhánh. Đến nay, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt hơn 4.289 tỷ đồng, gấp 58 lần so với năm 2003.
Các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, thông qua việc lồng ghép hoạt động tín dụng với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là sự nỗ lực không ngưng nghỉ của các thế hệ cán bộ NHCSXH trong tỉnh. 17 chương trình tín dụng chính sách được chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng triển khai 20 năm qua đã hỗ trợ hơn 662 nghìn lượt hộ vay vốn với doanh số cho vay đạt hơn 10.673 tỷ đồng.
Qua đó, giúp gần 138 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 38 nghìn lao động (trong đó với 1,9 nghìn lượt lao động đi lao động ở nước ngoài); giúp hơn 50 nghìn HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; trên 148 nghìn công trình NS&VSMTNT được xây dựng, với 30 nghìn ngôi nhà được sửa chữa, cải tạo, xây dựng theo Quyết định số 167/2008/QD-TTg và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ cải tạo, xây dựng mới nhà ở xã hội được 96 căn nhà; hỗ trợ cho 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 912 lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19; hỗ trợ 6 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19…
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đánh giá: Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng DTTS vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, con đường giảm nghèo bền vững của Sóc Trăng còn không ít gian nan khi toàn tỉnh vẫn còn 22.120 hộ nghèo (tỷ lệ 6,64%), 29.403 hộ cận nghèo (tỷ lệ 8,83%). Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Duy Đông cho biết: Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của tỉnh trong từng giai đoạn; hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó xác định rõ hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp để thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS; thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; trong đó, giảm tỷ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm; đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh lên 75 triệu đồng vào cuối nhiệm kỳ.
Bài và ảnh Nguyên Ngọc
Các tin bài khác
- » Tín dụng ưu đãi trên quê hương núi Ấn, sông Trà
- » Điểm tựa giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
- » “Bà đỡ” thoát nghèo cho bà con các dân tộc ở Kỳ Sơn
- » Vốn chính sách giúp người dân Quảng Ngãi thoát nghèo, tăng thu nhập
- » Phục hồi kinh tế cho người dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập
- » Vĩnh Phúc: Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- » An cư với những ngôi nhà 28
- » “Phao cứu sinh” cho đồng bào DTTS
- » “Cánh tay nối dài” đưa vốn đến với người nghèo
- » 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài cuối: Khởi sắc cuộc sống đồng bào dân tộc)