“Bà đỡ” thoát nghèo cho bà con các dân tộc ở Kỳ Sơn

19/12/2022
(VBSP News) Nhờ đồng vốn vay từ nguồn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nhiều hộ dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện rẻo cao 30a Kỳ Sơn có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn tín dụng chính sách còn góp phần gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, giúp đồng bào yên tâm bám đất, bám bản giữ bình yên cho vùng phên dậu của Tổ quốc.
na4-mo-hinh-nuoi-ga-den-cua-ong-vu-tong-po-o-xa-muong-long-ky-son-2355

Mô hình nuôi gà đen của ông Vừ Tồng Pó ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn

Nhiều tấm gương thoát nghèo bền vững
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn Ngô Minh Tú dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Xeo Văn Trung (sinh năm 1980) ở bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm. Từng là một trong những hộ nghèo nhất nhì bản người Khơ Mú, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của của Hội Nông dân, ông Trung được NHCSXH huyện cho vay hai lần, mỗi lần 80 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò.
Nhờ trả nợ vốn vay đúng hạn, đến giữa năm 2021, ông được thêm vay 80 triệu đồng cho con trai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Kinh tế dử dả, gia đình lại mua thêm con giống để phát triển chăn nuôi. Cuối năm nay, ông Trung quyết định bán một phần đàn bò cộng với tiền con gửi về, xây ngôi nhà mái ngói mới vững chãi để đón Tết ấm. Ngắm ngôi nhà trong mơ sắp hoàn thành, ông Trung tâm sự: Nếu không có NHCSXH hỗ trợ, thì đồng bào dân tộc ở nơi thâm sơn cùng cốc không biết khi nào mới có cơ hội thoát nghèo bền vững!
Xuôi theo quốc lộ 7, chúng tôi đến nhà anh Vi Văn Den ở bản Khe Nằn, xã Chưu Lưu. Anh Den được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng để ký quỹ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Hơn ba năm lao động chăm chỉ ở nước bạn, anh Den tích cóp gửi tiền về giúp bố mẹ sửa nhà, rồi mua đất và xây cho gia đình nhỏ của mình một ngôi nhà khang trang. Mới đây, anh Den đã bảo lãnh vợ sang làm việc cùng.
Đây là hai trong số hơn 100 lao động ở huyện Kỳ Sơn được vay vốn NHCSXH huyện để thoát nghèo nhanh bền vững thời gian qua. Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHCSXH huyện Kỳ Sơn, do một số nguyên nhân nên vẫn còn nhiều xã trên địa bàn huyện 30a này vẫn chưa có trường hợp nào mạnh dạn vay vốn để đi xuất khẩu lao động. Trước tình hình đó, đơn vị phối hợp cùng với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để đồng bào hiểu rõ các chính sách ưu đãi của Nhà nước khi đi xuất khẩu lao động.
Vì vậy, số lao động vay vốn đi xuất khẩu năm 2022 tăng gần gấp đôi so với năm trước, hầu hết các trường hợp lao động có thu nhập ổn định gửi về cho gia đình. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp đồng bào thoát nghèo nhanh và bền vững.
Nối tiếp niềm vui
Đến thăm mô hình trang trại của ông Vi Văn Dũng (sinh năm 1964) ở bản Hoà Sơn, xã biên giới Tà Cạ, mọi người vui mừng khi thấy đồng vốn của ngân hàng được ông Dũng phát huy khá hiệu quả. Hiện trang trại có 17 con bò, 20 con lợn, 100 con gà đen, cùng 1,8ha vườn cây ăn quả, hơn 5.000m² đất trồng lúa và rau màu; khoanh nuôi, bảo vệ hơn 4ha rừng sang lẻ, đinh hương…
Ông Dũng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhất bản, kinh tế chủ yếu nhờ nương rẫy, lại nuôi ba con ăn học. Tháng 3/2008, gia đình tôi được NHCSXH huyện cho vay 10 triệu đồng để mua một con bò cái và gây dựng đàn bò lên đến 5 con. Sau khi trả nợ đủ cho ngân hàng. Tôi lại được vay thêm 25 triệu đồng cải tạo hơn 5.000m² đất để làm ruộng lúa và rau màu… Mới đây, gia đình tiếp tục được ngân hàng cho vay 100 triệu đồng phát triển đàn bò, lợn sinh sản”.
Nhờ vốn vay của ngân hàng, sự hướng dẫn kỹ thuật thú y của xã, gia đình ông Dũng làm ăn ngày càng khấm khá. Giờ đây, trang trại nhà ông Dũng đã trở thành kiểu mẫu để cho bà con bản trên, mường dưới đến tham quan học tập, nhất là mô hình phát triển chăn nuôi, trồng sau sạch, trồng lúa nước. Ông Dũng còn hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Chủ tịch UBND xã Tà Cạ Vi Văn Mằn cho biết: Nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều hộ đồng bào DTTS khác trên địa bàn đã thoát nghèo. Trong đó, hàng chục hộ vay vốn để phát triển trang trại, chăn nuôi gia súc, cho thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/năm/hộ. Mới đây, có gần 20 hộ trong xã đã phát triển thành công mô hình trồng rau sạch, cho lợi nhuận từ 30 đến 40 triệu đồng/năm…
Chuyện vui của các ông Vi Văn Dũng, Seo Văn Trung, Vi Hải Đào và nhiều gia đình khác mà chúng tôi được gặp trong chuyến công tác tại huyện rẻo cao này đều có điểm chung là nhờ vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh hay xuất khẩu lao động mà vươn lên thoát nghèo.
Kỳ Sơn có hơn 99% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác rất lớn. Đây cũng là huyện rẻo cao, đường xá đi lại rất khó khăn; địa bàn rộng, nhiều thôn, bản cách trung tâm huyện cả trăm km. Khó khăn là vậy, nhưng theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn Ngô Minh Tú, các cán bộ, nhân viên của NHCSXH huyện đều tâm huyết, vượt khó để đưa đồng vốn chính phủ về cho bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm giúp họ có cơ hội thoát nghèo.
Thời gian gần đây, thông qua các chương trình tín dụng chính sách, đơn vị đã tiến hành giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho hàng chục nghìn lượt hộ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, giải quyết đời sống dân sinh… Riêng năm 2022, đơn vị đã giải ngân cho gần 2.500 lượt hộ vay vốn với số tiền gần 130 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt gần 390 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2021. Cùng với đó, ngân hàng còn tích cực giải ngân nguồn vốn của các chương trình thuộc gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; trong đó cho vay hộ DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/Đ-CP đạt 11 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết: Ngoài việc thụ hưởng các chính sách chung như: cho vay hộ DTTS nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các chương trình vay vốn làm nhà, nước sạch…, đồng bào còn được thụ hưởng nhiều chương trình đặc thù với mức lãi suất và thời hạn ưu đãi đặc biệt.
Tín dụng chính sách xã hội đã thật sự đóng góp to lớn vào kết quả giảm nghèo toàn huyện và cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS. Tín dụng chính sách còn góp phần gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm, góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng.

Bài và ảnh Thành Châu

Các tin bài khác