“Cánh tay nối dài” đưa vốn đến với người nghèo
Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Thuận Lợi, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song là một trong những đơn vị hoạt động rất hiệu quả trong nhiều năm qua. Toàn tổ hiện có gần 60 thành viên với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện được bà con sử dụng hiệu quả. Nhiều năm liền, trong tổ không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Theo Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Thuận Lợi Nguyễn Minh Sương, trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Ban quản lý tổ thông báo đến thành viên số tiền có thể cho vay từng đợt. Việc nhắc nhở, đôn đốc các hộ vay trả lãi, gốc đúng hạn cũng được tổ đốc thúc thường xuyên. Trước mỗi đợt giải ngân, tổ luôn tổ chức họp, bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Tổ hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định.
Cũng là một trong những “cầu nối” hoạt động khá hiệu quả, những năm qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil luôn là “điểm tựa” của nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đắk Hà Lê Hữu Chương, tổ hiện có hơn 55 thành viên với dư nợ hơn 2,5 tỷ đồng. Để nâng cao hoạt động hằng năm, tổ chọn những mô hình làm ăn đạt hiệu quả cao để định hướng cho các hội viên khác làm theo. Ban quản lý tổ đã trực tiếp đi kiểm tra đối với các hộ vay, để kịp thời báo cáo những trường hợp sử dụng sai mục đích vốn. Nhờ đó, nguồn vốn ủy thác tại buôn luôn được sử dụng đúng mục đích, góp phần tạo động lực cho nhiều thành viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, để nâng cao chất lượng hoạt động các tổ, quá trình kiện toàn luôn được đơn vị tăng cường. Việc đánh giá các tổ được thực hiện trên phần mềm máy tính tự động. Với cách làm này, đơn vị đã đánh giá chất lượng, xếp loại tổ chính xác, công bằng và thực chất hơn. Sau mỗi lần xếp loại, số tổ hoạt động trung bình, yếu, tổ chưa đủ số thành viên theo quy định được chi nhánh triển khai tập huấn, kiện toàn kịp thời.
Chi nhánh còn tiến hành cấp sổ họp giao ban cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn với nhiều nội dung được in sẵn như kết quả hoạt động của tổ, tồn tại, khó khăn, chính sách, nghiệp vụ mới… Với cuốn sổ này, các Tổ trưởng không còn lúng túng trong việc ghi chép cuộc họp như trước, mà còn phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách mới, cũng như triển khai nhiệm vụ thu nợ, thu lãi tháng tiếp theo.
Đến hết tháng 11/2022, toàn tỉnh có 1.580 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 789 thôn, buôn, bản. Số lượng tổ xếp loại Tốt luôn gia tăng hàng năm. Việc phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác quản lý chặt nguồn vốn của các tổ đã góp phần quan trọng, giúp chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lương Nguyên
Các tin bài khác
- » 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài cuối: Khởi sắc cuộc sống đồng bào dân tộc)
- » 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài 2: Bảo tồn, phát triển làng nghề)
- » 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài 1: Góp nguồn lực xây dựng Thủ đô)
- » Tăng hiệu quả thiết thực từ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tiếp vốn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi
- » Gian nan hành trình giảm nghèo bền vững
- » Củng cố “hậu phương” thêm vững chắc
- » Mô hình hoạt động NHCSXH nên được các nước trên thế giới học tập, nhân rộng
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam: Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn
- » WB đánh giá cao mô hình hoạt động của NHCSXH