An cư với những ngôi nhà 28
Ước mơ về một căn nhà kiên cố, tươm tất đã trở thành hiện thực đối với gia đình ông Nguyễn Văn Quách, ở thôn A Tia 2, xã Hồng Kim, huyện A Lưới. Gia đình ông Quách là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, nguồn thu nhập chính từ việc làm ruộng, chăn nuôi nên không dám nghĩ tới việc xây dựng được một căn nhà vững chắc để ở. Được hỗ trợ kinh phí cho vay từ NHCSXH huyện A Lưới theo Nghị định 28, sau hơn một tháng khởi công, ngôi nhà của ông đang được hoàn thiện, đem lại niềm vui cho gia đình.
Ông Quách chia sẻ: “Gia đình tôi rất khó khăn, phải sống trong căn nhà lá lụp xụp, cứ mưa là bị dột, không có chỗ để ngủ. Gia đình tôi được chính quyền các cấp cùng NHCSXH quan tâm hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng để dựng nhà mới. Bây giờ, tôi yên tâm hơn nhiều, trời nắng cũng như trời mưa không sợ thấm dột hay gió lùa nữa. Năm nay, gia đình tôi sẽ đón Tết trong ngôi nhà mới vui hơn những năm trước”.
Chị Phan Thị Ton - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Cha Ke, xã Thượng Long, huyện Nam Đông dẫn chúng tôi tới thăm một số hộ dân trong thôn được vay vốn theo Nghị định 28 để xây dựng nhà ở. Năm 2022, riêng thôn Cha Ke có 9 hộ được vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở, trong đó, tổ của chị Ton hỗ trợ giải ngân cho 4 hộ vay vốn. Ông Hồ Văn Ngâu là một trong những hộ được vay vốn đầu tiên từ chương trình này.
Được sự hỗ trợ của chính quyền và NHCSXH, ông Ngâu được vay 40 triệu đồng với lãi suất chỉ 3%/năm, cộng với nguồn vốn tích cóp của gia đình, giúp đỡ của người thân, ông xây lại căn nhà làm chỗ tránh trú mỗi mùa mưa bão về. Tổng kinh phí khoảng 130 triệu đồng, dự kiến ngôi nhà sẽ đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2023. Ông Ngâu là một trong 51 hộ nghèo người dân tộc Cơ Tu được huyện Nam Đông phê duyệt đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 28. Hiện phần lớn các hộ được vay vốn ưu đãi đều đã khởi công xây dựng nhà ở.
Thống kê cho thấy, Nam Đông còn có 209 hộ thiếu nhà ở, 25 hộ thiếu đất ở, 367 hộ thiếu đất sản xuất, 255 hộ thiếu nước sinh hoạt. Những năm qua, thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 và Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện Nam Đông đã tổ chức triển khai tích cực, góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Dương Thanh Phước, do điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cho nên hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chiếm tỷ lệ cao, cần được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều chương trình, dự án, chính sách.
Tại huyện miền núi A Lưới, theo báo cáo rà soát năm 2022, hiện có 1.775 hộ thiếu nhà ở, 1.798 hộ thiếu đất ở, 3.805 hộ thiếu đất sản xuất, 1.292 hộ thiếu nước sinh hoạt. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Huyện đã triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các ban, ngành, các xã, thị trấn huy động mọi nguồn lực để thực thi dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Các đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Huyện cũng kịp thời bố trí các nguồn lực từ cá nhân, tổ chức cho các đối tượng thụ hưởng theo thứ tự ưu tiên, chính xác, đúng đối tượng, tránh bỏ sót những người thật sự khó khăn.
Mới đây, hai huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông đã xây dựng đề án về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện A Lưới đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 giải quyết được 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định 28 đã được phân bổ với số tiền 28,95 tỷ đồng, chi nhánh đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh phân bổ nguồn vốn tín dụng này về cho các Phòng giao dịch huyện: A Lưới 22 tỷ đồng; Nam Đông 5 tỷ đồng; Phú Lộc 850 triệu đồng và thị xã Hương Trà 1,1 tỷ đồng để tổ chức thực hiện cho vay. Đến ngày 24/11/2022, chi nhánh đã giải ngân số tiền 19,44 tỷ đồng cho 489 hộ nghèo là hộ đồng bào DTTS vay vốn để xây dựng nhà ở.
Từ thực tế triển khai, Trung ương và tỉnh cần sớm ban hành định mức cụ thể về nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đất ở, nhà ở, đất sản xuất, kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác như chuyển đổi nghề, tìm kiếm các cơ hội việc làm phi nông nghiệp. Cần có định mức hỗ trợ phù hợp với đặc thù từng vùng, miền và địa phương, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội.
Công Hậu
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » “Phao cứu sinh” cho đồng bào DTTS
- » “Cánh tay nối dài” đưa vốn đến với người nghèo
- » 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài cuối: Khởi sắc cuộc sống đồng bào dân tộc)
- » 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài 2: Bảo tồn, phát triển làng nghề)
- » 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài 1: Góp nguồn lực xây dựng Thủ đô)
- » Tăng hiệu quả thiết thực từ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tiếp vốn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi
- » Gian nan hành trình giảm nghèo bền vững
- » Củng cố “hậu phương” thêm vững chắc