Giúp hộ nghèo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện toàn tỉnh có 141 Điểm giao dịch cấp xã. Hàng tháng, vào ngày cố định, tổ giao dịch xã có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ, họp giao ban với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác…
Qua đánh giá cho thấy, hệ thống Điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Thông qua tổ giao dịch xã, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, được hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Việc tổ chức giao dịch vào ngày cố định tại Điểm giao dịch xã đã phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện chức năng phản biện xã hội, tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên ngân hàng với người dân.
Ông Phan Văn Phong - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phú Khê, xã Phú Dương, TP Huế chia sẻ: Nhờ nguồn vốn vay NHCSXH với lãi suất ưu đãi, bà con đã có nguồn lực để phát triển kinh tế hộ gia đình, làm ăn hiệu quả, có thu nhập, trang trải, cải thiện đời sống. Đặc biệt, trong 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn vốn này trở thành động lực giúp bà con ổn định sản xuất, kinh doanh.
Đến thăm và kiểm tra tình hình hoạt động của Điểm giao dịch xã Phú Dương, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, tinh thần phục vụ của cán bộ NHCSXH. Các Điểm giao dịch xã đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính, qua đó thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Được biết, hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện 22 chương trình tín dụng chính sách, với tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 16,38%/năm; có hơn 90 nghìn khách hàng còn dư nợ; bình quân là 40,5 triệu đồng/hộ/năm; dư nợ bình quân 1 xã là 25,7 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng trong 20 năm qua của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế là 13.621 tỷ đồng, với trên 717 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, doanh số cho vay bình quân đạt 681 tỷ đồng/năm.
Cao Tiến
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách
- » “Đòn bẩy” giúp nhiều hộ dân thoát nghèo
- » “Phao cứu sinh” cho người dân, doanh nghiệp Quảng Bình
- » Nông dân Đắk Nông vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
- » Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải phát triển năng động, bền vững hơn
- » Tín dụng chính sách - Điểm tựa cho nhiều gia đình thoát nghèo bền vững
- » 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP: Chính sách nhân văn - hành động trúng, đúng
- » Gia Lai đẩy mạnh cho vay vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở vùng đồng bào DTTS
- » Vốn chính sách đẩy lùi nghèo khó ở Thanh Chương
- » Nguồn vốn giúp thoát nghèo hiệu quả