Vĩnh Phúc: Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững

13/12/2022
(VBSP News) Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Hồng, cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vĩnh Phúc có 9 huyện, thành phố, 136 xã, phường, thị trấn; toàn tỉnh có 345.719 hộ dân với 1.231.000 người, 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 4%.
2(226)

Người dân nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78) đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Tín dụng chính sách là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong tình hình kinh tế có nhiều biến động hiện nay. Tín dụng chính sách có thể được đánh giá là điểm sáng và là một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng khác tại địa phương.
 Trong 20 năm qua, mô hình tổ chức của NHCSXH được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả; huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách. Mô hình tổ chức của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay gồm bộ máy quản trị là Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh, cấp huyện và bộ máy điều hành tác nghiệp là chi nhánh NHCSXH tỉnh và 8 Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố. Cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực vượt qua khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhiệm vụ được giao, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, luôn tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm“thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Đồng thời, chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc có mạng lưới 2.244 Tổ tiết kiệm và vay vốn  đang hoạt động hiệu quả tại 1.225 thôn, khu dân cư, tổ dân phố trực thuộc quản lý của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 78.145 hộ gia đình là thành viên (chiếm 23% tổng số hộ gia đình toàn tỉnh).
Với mô hình tổ chức đặc thù, riêng có, trong 20 năm qua, chi nhánh đã nâng từ 3 chương trình cho vay năm 2002 (hộ nghèo, giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên) lên 15 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Giai đoạn 2002 - 2022, chi nhánh đã giải ngân cho vay trên 10.500 tỷ đồng cho trên 516.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 3.671 tỷ đồng (tăng 3.548 tỷ đồng (gấp gần 30 lần) so với năm 2002); tốc độ tăng bình quân hằng năm 18,45% với 79.029 khách hàng còn dư nợ (dư nợ bình quân là 46,5 triệu đồng/khách hàng, tăng 43 triệu đồng/khách hàng so với năm 2002).
Tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc là 3.527 tỷ đồng với 78.145 khách hàng đang vay vốn (chiếm 99,44% tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai thực hiện tại chi nhánh). Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, của địa phương đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp các đối tượng chính sách biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Đến ngày 30/11/2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố của xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 148.223 hộ nghèo, 26.835 hộ cận nghèo, 16.978 hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 68.533 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 131.591 lao động, giúp cho 70.406 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 339.117 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 5.038 ngôi nhà cho hộ nghèo; giúp cho 3.384 lượt người lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc,…
Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng; do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đạt khoảng 3.700 tỷ đồng (tăng 3.570 tỷ đồng, gấp 28,33 lần so với năm 2002); tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 18,2%. Trong đó: Nguồn vốn được điều chuyển từ Trung ương đạt khoảng 2.392 tỷ đồng (tăng 2.265 tỷ đồng, gấp 17,94 lần so với thời điểm năm 2002); nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt khoảng 618 tỷ đồng (chiếm 17,38% tổng nguồn vốn).
Nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, Huyện ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND tỉnh đã quan tâm, ưu tiên, cân đối, bố trí ngân sách, chuyển 495 tỷ đồng ủy thác sang chi nhánh NHCSXH tỉnh; UBND cấp huyện đã cân đối ngân sách, chuyển 44 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH huyện, thành phố để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hằng năm của huyện, thành phố về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập 136 Điểm giao dịch tại 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố. Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, phường, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hằng tháng (kể cả ngày Thứ bảy, Chủ nhật). Các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của NHCSXH đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách. Khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền cấp xã đã giúp cho việc tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ được thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách.

Minh Tú Hoàng

Các tin bài khác