Phụ nữ Lộc Bình phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi

11/01/2023
(VBSP News) Thời gian qua, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã phát triển được các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
loc binh

Hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Lộc Bình phát triển mô hình chăn nuôi dê

Những ngày đầu tháng 1/2023, chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình trồng cây bưởi của gia đình chị Hoàng Thị Hoàn, thôn Bản Mặn, xã Khánh Xuân. Đang nhanh tay thu hoạch bưởi, chị Hoàn chia sẻ: Trước đây, trên diện tích đất này, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, ngô thu nhập không cao, gia đình muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khó khăn về nguồn vốn. Năm 2016, được sự hướng dẫn của cán bộ Hội Phụ nữ xã và cán bộ NHCSXH huyện, gia đình tôi làm hồ sơ vay 50 triệu đồng của ngân hàng, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, từ năm 2021 đến nay, cây bưởi của gia đình tôi cho thu hoạch, trung bình mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 150 triệu đồng.
Cũng được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình chị Ma Thị Định, thôn Vinh Tiên, xã Hữu Lân đã phát triển hiệu quả mô hình trồng rừng và chăn nuôi. Chị Định chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây thuộc diện hộ nghèo, có khoảng 3ha thông đã đến tuổi khai thác nhưng do không có vốn chăm sóc nên cây phát triển chậm. Năm 2017, nhờ được vay 70 triệu đồng của NHCSXH đã giúp gia đình tôi có vốn đầu tư chăm sóc rừng, nhờ đó từ năm 2021 đến nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm. Nhờ phát triển kinh tế hiệu quả, gia đình tôi còn có vốn trồng được 2 ha hồi và cây chè hoa vàng, đồng thời đầu tư chuồng trại chăn nuôi ngựa bạch. Hiện nay, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo”.
Chị Hoàng và chị Định chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế. Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ cho vay ủy thác của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đạt trên 161 tỷ đồng, với 3.478 hộ hội viên vay vốn. Trong đó, dư nợ vốn vay lớn nhất là chương trình vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn trên 39 tỷ đồng, hộ nghèo 38 tỷ đồng, hộ cận nghèo 21 tỷ đồng… Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Bình là đơn vị có dư nợ cho vay ủy thác cao thứ 2 trong toàn tỉnh. Qua đánh giá, hầu hết các hội viên đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả trong phát triển kinh tế.
Bà Đặng Thị Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho biết: Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã tiếp sức cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, hội đã chỉ đạo hội phụ nữ các xã, thị trấn tuyên truyền cho hội viên về các chương trình cho vay ưu đãi, hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của gia đình, của địa phương. Từ đó, chị em đều hiểu và mạnh dạn vay vốn ưu đãi để phát triển các mô hình trồng rừng, cây ăn quả; chăn nuôi lợn, gà, ngựa bạch; phát triển kinh doanh, dịch vụ…
Cùng với đó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, giúp hội viên có kiến thức mới áp dụng vào sản xuất, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ năm 2021 đến hết năm 2022, các cơ sở hội phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức được 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 500 lượt người tham gia.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, đời sống của hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao. Hiện nay, toàn huyện có trên 100 mô hình kinh tế của phụ nữ có thu nhập từ 80 triệu đồng/hộ/năm trở lên. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi còn góp phần quan trọng giúp chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo, riêng năm 2022, các cấp Hội Phụ nữ huyện đã giúp đỡ 40 hộ hội viên phụ nữ nghèo là chủ hộ vươn lên thoát nghèo.

Hiểu Lam

Các tin bài khác