Tín dụng chính sách giúp đồng bào thoát nghèo

31/12/2022
(VBSP News) Sau 20 năm được thành lập và đi vào hoạt động, NHCSXH huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và gia đình chính sách đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới.
ybai

Mô hình trồng măng Bát Độ giúp bà con dân tộc huyện Trấn Yên phát triển kinh tế

Giúp nhiều hộ thoát nghèo
Nhiều năm liền, gia đình bà Lộc Minh Sự ở thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên thuộc diện hộ nghèo dù đã bươn trải đủ nghề để kiếm sống. Từ năm 2010, gia đình bà được vay 5 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo, sau đó là 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn trong thôn. Bằng nguồn vốn vay chính sách, gia đình bà Sự đầu tư trồng quế, măng tre Bát Độ và nuôi thêm con gà, con lợn. Nhờ chịu khó, ham học hỏi nên mô hình trồng, chăm sóc rừng kết hợp chăn nuôi đã dần mang lại hiệu quả kinh tế, cuộc sống gia đình bà Sự từng bước ổn định.
Hiện nay, gia đình bà Sự có khoảng 2ha quế, 2ha tre măng Bát Độ, trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn. Có thể nói, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã giúp cho người dân theo từng đối tượng được tiếp cận, sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cùng với gia đình bà Sự, trong 20 năm qua, đã có trên 58.100 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi thông qua NHCSXH huyện Trấn Yên với doanh số cho vay đạt hơn 1.250 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên Trần Thị Thu cho biết: Hội Phụ nữ huyện là tổ chức chính trị - xã hội đầu tiên phối hợp hoạt động với NHCSXH huyện thực hiện cho vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác của hội đạt trên 132,3 tỷ đồng với 2.695 hộ vay vốn. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, trong 20 năm qua, đã có trên 2.000 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được thoát nghèo, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững của huyện Trấn Yên.
Phát huy hiệu quả hoạt động
Để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Trấn Yên đã thường xuyên củng cố, kiện toàn, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn khi có thay đổi về nhân sự; phân công các thành viên Ban đại diện kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, NHCSXH huyện tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương nhằm kịp thời nắm bắt tình hình quản lý vốn vay và xử lý những đề xuất, kiến nghị tại cơ sở đồng thời triển khai ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngoài ra, NHCSXH huyện duy trì cố định hàng tháng hoạt động giao dịch tại 21 xã, thị trấn. Qua đó, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như những thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay đều được niêm yết công khai. Khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền địa phương. Nhờ đó, trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Giám đốc NHCSXH huyện Trấn Yên Nguyễn Thị Bích Ngân cho biết: Trong 20 năm qua đã có 15.200 lượt hộ vay vốn thoát nghèo, 5.200 hộ được tạo việc làm mới, giúp cho trên 4.772 em HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập, xây mới và cải tạo 22.286 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ 238 hộ nghèo sửa chữa và làm mới nhà ở; đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới 2.939ha rừng, 220ha cây ăn quả có múi, mua 1.420 con trâu, bò sinh sản; 27.000 con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng trăm mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ… Nguồn vốn vay đầu tư vào phát triển sản xuất đã giúp tăng thu nhập, mức sống bình quân người nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng lên rõ rệt, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện mỗi năm từ 4 - 5%/năm.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, NHCSXH huyện Trấn Yên tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách; triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch tại xã, thị trấn; quan tâm phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong quản lý và sử dụng vốn vay để nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội.

Đức Hiệp - Hùng Cường

Các tin bài khác