Vốn ủy thác từ ngân sách địa phương: Trợ lực cho người nghèo và đối tượng chính sách

04/01/2023
(VBSP News) Trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn chế nhưng những năm qua, UBND tỉnh Ninh Bình và các huyện, thành phố trong tỉnh đã quan tâm dành nguồn ngân sách Nhà nước ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, góp phần cùng nguồn vốn của Trung ương trợ lực cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng thành công nông thôn mới.
von-uy-thac-tu-ngan-sach-dia-phuong-tro-luc-cho-nguoi-ngheo-12871

Chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô sử dụng vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi

Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô là một trong những hộ tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH. Chị Xuân chia sẻ: Trước đây, kinh tế của gia đình tôi rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Với quyết tâm làm giàu từ đồng đất quê hương, năm 2017, tôi đấu thầu 4,5ha đất ruộng sâu trũng, cấy lúa kém hiệu quả của xã để xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên hiệu quả đầu tư chưa cao. Năm 2019, thông qua Đoàn Thanh niên xã và huyện, tôi được bình xét vay 50 triệu đồng vốn từ NHCSXH huyện Yên Mô với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh về “Hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Có vốn, chị Xuân thuê máy móc đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Từ đó, mô hình kinh tế của gia đình chị đã có bước phát triển mạnh, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Làm ăn có lãi, chị Xuân trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng đúng quy định, đúng kỳ hạn, đồng thời có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất. Hiện nay, gia đình chị có 3,5 mẫu mặt nước nuôi thả các loại cá truyền thống như: trắm, chép và gần 200 con lợn thịt. Ước mỗi năm, xuất bán ra thị trường hơn 40 tấn lợn hơi và chục tấn cá, trừ chi phí, có lãi từ 300 - 400 triệu đồng.
Cũng như chị Xuân, gia đình anh Đàm Văn Hiệp ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn ủy thác địa phương. Anh Hiệp cho biết: Gia đình anh được vay vốn 70 triệu đồng từ NHCSXH huyện Yên Mô chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Với số tiền đó, anh đấu thầu 2 mẫu đất để đào ao thả cá và trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình anh có 400 cây dừa xiêm, 250 cây mít thái đang cho thu hoạch, 2 mẫu mặt nước nuôi cá và tôm rảo. Từ nguồn nông sản bán ra thị trường, mỗi năm gia đình anh có lợi nhuận không nhỏ để trả nợ ngân hàng và tái sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình.
Không chỉ gia đình chị Xuân, anh Hiệp, nhờ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững và làm giàu chính trên mảnh đất quê hương.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phạm Đức Cường cho biết: Trong những năm qua, nguồn lực Nhà nước dành cho tín dụng chính sách ngày càng tăng. Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh và các huyện, thành phố đã chú trọng, quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến hết ngày 31/12/2022, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương trên 226 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn đang thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sự tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương trong thời gian gần đây đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc tập trung, huy động nguồn vốn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đã phát huy hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu của Ninh Bình về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả đó đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận, đánh giá cao, qua đó tin tưởng và tiếp tục bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn sang NHCSXH hàng năm.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Trong đó, quan tâm, tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để triển khai cho vay các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Hồng Giang

Các tin bài khác