Ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội: Phương thức truyền tải vốn ưu đãi hiệu quả tại Ninh Bình
Ngay từ những ngày đầu sát cánh cùng chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Hội Phụ nữ tỉnh đã xác định tín dụng chính sách xã hội là công cụ đặc biệt quan trọng để giúp hội viên phát triển kinh tế, có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng. Ở mỗi cấp, Hội Phụ nữ đều phân công một đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách và bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện công tác ủy thác cho vay. Các cấp Hội đưa chỉ tiêu quản lý vốn, chuyển giao KHKT, hỗ trợ phụ nữ nghèo vào tiêu chí thi đua, đánh giá, xếp loại cơ sở Hội hàng năm.
Trong 20 năm qua, dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ liên tục tăng và luôn có dư nợ cao nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Tính đến nay, Hội đang quản lý 1.282 tỷ đồng (gấp 27 lần so với năm 2002) cho trên 32.000 hội viên vay, với 862 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn của hội viên, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp phụ nữ tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế bền vững, vươn lên làm chủ cuộc sống và xây dựng vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội. Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 9.000 hộ gia đình phụ nữ vươn lên thoát nghèo.
Với các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh, việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức mà hoạt động công tác Hội phải đối diện là phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên. Thực hiện văn bản liên tịch về thực hiện ủy thác, các cấp Hội Cựu chiến binh đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả việc ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong 20 năm qua, các cấp Hội đã nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ Hội trực tiếp làm công tác ủy thác ở tất cả các cấp và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; gắn trách nhiệm của Chi hội trong theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ người vay sử dụng và hoàn trả vốn. Hiện nay, các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh đang quản lý 589 tỷ đồng cho trên 14.000 hội viên vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,14% (giảm 1,18% so với năm 2002). Điều đó minh chứng việc nộp lãi, hoàn trả gốc của các thành viên vay vốn cơ bản đảm bảo thực hiện tốt.
Những năm qua, hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành điểm sáng trong thực hiện vai trò là “cầu nối” nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tính đến nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh tham gia quản lý hơn 3.139 tỷ đồng. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 27,8% tổng dư nợ ủy thác; Hội Phụ nữ quản lý 40,8% tổng dư nợ ủy thác; Hội Cựu chiến binh quản lý 18,8% tổng dư nợ ủy thác; Đoàn thanh niên quản lý 12,6% tổng dư nợủy thác. Vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tải nhanh chóng, thuận lợi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phạm Đức Cường cho biết: Hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được thụ hưởng các chương trình tín dụng và tiếp cận với các dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Thời gian tới, hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách, đặc biệt là Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đồng thời, tích cực huy động nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với việc duy trì tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho vay, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc nợ đến hạn; thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Bài và ảnh Hồng Giang
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức cho hộ nghèo Vĩnh Phúc vươn lên
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Thanh Chương
- » Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm
- » Điểm tựa vững chắc cho người nghèo Gia Lai
- » Khi Nghị quyết số 11/NQ-CP đi vào cuộc sống
- » Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ NHCSXHTW lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 – 2025
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Lâm Đồng: Mỗi dự án thanh niên khởi nghiệp được vay tối đa 2 tỷ đồng
- » Hội thao cán bộ làm công tác Đảng lần thứ I năm 2022 Khối Doanh nghiệp Trung ương
- » Lào Cai thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách