Lào Cai thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách

18/10/2022
(VBSP News) Nguồn vốn chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tỉnh miền núi Lào Cai vươn lên thoát nghèo bền vững.
2306_13124_Copy

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở Lào Cai vươn lên thoát nghèo

Gia đình ông Lò Láo Tả ở thôn Tùng Sáng, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát là một trong những điển hình về sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả. Ông Tả tâm sự: Năm 2014, trong lúc khó khăn không có vốn sản xuất, gia đình ông được tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tùng Sáng và được bình xét để NHCSXH huyện Bát Xát cho vay 50 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ nghèo để mua 2 con trâu sinh sản. Sau 2 năm, mỗi con trâu mẹ sinh được 1 con nghé. Khi đến kỳ hạn trả nợ, gia đình ông Tả đã bán 2 con trâu, đủ số tiền để trả gốc cho ngân hàng và lãi được 2 con trâu mẹ để tiếp tục gây đàn trong những năm tiếp theo.
Cuối năm 2019, gia đình ông mạnh dạn vay tiếp 200 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bát Xát để xây dựng trang trại chăn nuôi với diện tích 6.000m². Gia đình áp dụng chăn nuôi theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì đàn lợn nái sinh sản từ 25 - 30 con và chăn nuôi gia cầm. Mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình ông thu được từ 200 - 250 triệu đồng. Hằng tháng, gia đình nộp lãi đầy đủ, đúng hạn, tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.
“Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi được vay vốn tín dụng chính sách với nhiều ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi để hộ nghèo có cơ hội vươn lên, thoát nghèo và làm giàu”, ông Lò Láo Tả chia sẻ.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai, nguồn vốn chính sách đã giúp cho 112 nghìn hộ dân thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm cho trên 150 nghìn lao động; hơn 22 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo 109.000 công trình NS&VSMTNT; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 7.800 ngôi nhà cho hộ nghèo; 241 khách hàng được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, nguồn vốn ưu đãi được chuyển tải đến người dân, là điểm tựa để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại tỉnh Lào Cai đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 3.500 tỷ đồng (tăng 16 lần) so với thời điểm NHCSXH mới đi vào hoạt động, với trên 85.000 lượt hộ vay vốn của 23 chương trình tín dụng đang triển khai.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang ủy thác qua NHCSXH số tiền hơn 271 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 17%, với trên 453.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, hỗ trợ các điều kiện cần thiết đối với hoạt động của NHCSXH.
Trong đó, đề nghị HĐND và UBND tỉnh và huyện, thành phố, thị xã bố trí, tập trung các nguồn lực tài chính để bảo đảm có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội đến nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các Sở, ban, ngành, địa phương lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm. Nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo và tạo việc làm. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chi nhánh NHCSXH tỉnh và các cấp chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Bài và ảnh Văn Chung

Các tin bài khác